| Hotline: 0983.970.780

“Nóng” chuyện lao động trái phép

Thứ Tư 22/08/2012 , 09:52 (GMT+7)

Nghị trường phiên họp thứ 10, UBTV Quốc hội nóng ran bởi chất vấn của các đại biểu (ĐB) xung quanh câu chuyện đào tạo nghề cho nông dân khu vực nông thôn, miền núi.

* Đào tạo nghề cho nông thôn, miền núi chưa hiệu quả

Nghị trường phiên họp thứ 10, UBTV Quốc hội hôm qua (21/8) nóng ran bởi chất vấn của các đại biểu (ĐB) xung quanh câu chuyện đào tạo nghề cho nông dân khu vực nông thôn, miền núi, việc quản lý lao động (LĐ) nước ngoài ở VN đối với Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Phạm Thị Hải Chuyền.

Quá nhiều Bộ tham gia quản lý đào tạo nghề

Về nội dung chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Phạm Thị Hải Chuyền xung quanh những bất cập về đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc ít người, đào tạo và tạo việc làm cho nông dân trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là nông dân trong diện bị thu hồi đất, ĐB Nguyễn Thị Khá, Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội, nêu câu hỏi: Phải chăng việc đào tạo nghề cho người dân tại các khu vực này hiện đang bị xem nhẹ và kém hiệu quả.

Cùng câu hỏi trên, ĐB Huỳnh Văn Tiếp (tỉnh Cần Thơ) và ĐB Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum) đề nghị Bộ trưởng nêu ra những giải pháp cho tình trạng chất lượng nguồn nhân lực của đồng bào thiểu số còn thấp chưa đáp ứng nhu cầu lao động.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Chuyền cho rằng, các cơ quan liên quan như Bộ LĐ-TB&XH, Bộ NN-PTNT và Hội Nông dân, Phụ nữ đã có rất nhiều nỗ lực trong việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐ nông thôn, miền núi. Bằng chứng là tính đến cuối năm 2011, cả nước có 135 trường cao đẳng nghề. Mục tiêu đặt ra cho công tác đào tạo nghề là nâng tỷ lệ LĐ qua đào tạo nghề đạt 40%, tương đương 23,5 triệu người vào năm 2015 (trong đó trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề chiếm tỷ lệ 20%) và 55% vào năm 2020, tương đương 34,4 triệu người (trong đó trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề chiếm tỷ lệ là 23%).


Nông dân chưa được đào tạo nghề một cách bài bản

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành LĐ-TB và XH cũng thừa nhận, mạng lưới các trung tâm dạy nghề cấp huyện chưa phát triển đủ theo quy hoạch, đến nay còn 163 huyện chưa có trung tâm dạy nghề công lập cấp huyện; các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy nghề còn bất cập; đội ngũ giáo viên, giảng viên dạy nghề còn thiếu về số lượng; yếu về chất lượng.

“Truy” thêm về vấn đề quá nhiều Bộ, ngành tham gia công tác đào tạo nghề, ĐB Khá cho rằng, việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực dạy nghề đang gây lãng phí rất lớn và liệu rằng có nên sáp nhập trung học chuyên nghiệp của Bộ GD-ĐT vào Tổng cục Dạy nghề của Bộ LĐ-TB và XH hay không?

Với vấn đề trên, Bộ trưởng Chuyền đồng tình với việc sáp nhập hai tổ chức dạy nghề thành một, nhưng Bộ nào chịu trách nhiệm quản lý chính sẽ do Chính phủ quy định.

Giải thích về hiệu quả kém trong đào tạo nghề cho đồng bào miền núi đối với chất vấn của đa số ĐB các tỉnh miền núi, Bộ trưởng Chuyền cho rằng, bà con đồng bào dân tộc gặp khó khăn trong việc học tiếng, do phong tục tập quán nên vẫn còn thiếu ý thức kỷ luật. Bên cạnh đó, đồng bào dân tộc cũng ngại đi xa (theo tập quán), không muốn xa nếu phải đi đến nơi khác học nghề. Chẳng hạn, mặc dù trường dạy nghề cho thanh niên dân tộc đã được xây dựng ở Tây Nguyên, nhưng thanh niên dân tộc ghi danh vào học nghề vẫn còn thấp.

“LĐ không phép mới để xảy ra vụ Phòng khám Maria”

ĐB Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đặt vấn đề: Có hơn 77.000 LĐ nước ngoài đang làm việc tại VN nhưng rất nhiều địa phương không quản lý được số lượng này. Đặc biệt, hiện có nhiều chủ DN người nước ngoài bỏ trốn đã gây tổn hại quyền lợi của người LĐ. Như vậy, có cơ chế, giải pháp gì để đảm bảo quyền lợi cho người LĐ trong những trường hợp này?

Theo bà Chuyền, hiện chưa có quy định nào về việc xử lý các chủ DN nước ngoài bỏ trốn nhằm bảo đảm quyền lợi cho người LĐ. Sắp tới, Bộ sẽ nghiên cứu về vấn đề này. Với vấn đề quản lý người nước ngoài làm việc tại VN, Bộ trưởng Chuyền không trả lời mà “nhường phần” cho Bộ Công an.

Về phía Bộ Công an, Thứ trưởng Tô Lâm đã cung cấp số liệu thống kê có 39,9% LĐ nước ngoài tại VN chưa được cấp phép. Theo ông Lâm, phần lớn đối tượng LĐ không phép này vào làm việc tại nước ta theo con đường du lịch. Thế nên việc quản lý, xử lý vi phạm với những số LĐ này rất khó khăn, đặc biệt là đối với một số nước châu Phi không có sứ quán, đại diện ngoại giao tại VN.

Về công tác quản lý lao động nước ngoài, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết trước hiện trạng báo chí, dư luận nêu lên, trong thời gian qua, Chính phủ và Bộ Công an đã có những chỉ đạo chấn chỉnh. “Bộ Công an đã quản lý được cư trú, việc làm của người nước ngoài ngay tại cơ sở. Về công tác quản lý người nước ngoài trong đấu tranh chống tội phạm, Bộ Công an làm được”, ông Lâm khẳng định.

Tuy nhiên, ĐB Lợi không đồng tình: “Bộ Công an nói cơ sở địa phương đều nắm được lao động nước ngoài nhưng tại sao khi tình trạng bác sĩ Trung Quốc “chui” xảy ra thì nói không biết. Phòng khám Maria (Hà Nội) gây chết người, bác sỹ Trung Quốc bỏ chạy đâu không biết? Quản lý vậy là quản lý kiểu gì?!”.

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB và XH, tính đến tháng 7/2012, số LĐ nước ngoài làm việc tại VN là 77.087 người. Trong đó, 49.983 LĐ được cấp giấy phép LĐ (chiếm 67,15%) và 24.455 người chưa được cấp phép (chiếm 32,85%). LĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam đến từ hơn 60 quốc gia, trong đó mang quốc tịch châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia...) chiếm khoảng 58%, quốc tịch châu Âu (Anh, Pháp...) chiếm khoảng 28,5% và các nước khác chiếm 13,5%. LĐ là nam chiếm 89,9%, có độ tuổi từ 30 trở lên chiếm 86%.

Bên cạnh đó, ĐB Nguyễn Bá Thuyền bức xúc hiện nay rất đông LĐ phổ thông Trung Quốc làm việc tại VN (đặc biệt là tại các dự án bô-xít Tây Nguyên) trong khi đó người LĐ VN lại thiếu việc làm.

Về vấn đề này, bà Chuyền cho rằng, do quy định nếu không tuyển được LĐ địa phương người sử dụng LĐ có quyền tuyển LĐ phổ thông của mình. Trong khi đó, “các dự án Trung Quốc trúng thầu, thời gian họ thông báo tuyển dụng ở địa phương rất ngắn và chúng ta chưa chuẩn bị được lực lượng thì họ đã tuyển LĐ phổ thông”, bà Chuyền nói.

Theo bà Chuyền, trong Bộ luật Lao động có hiệu lực vào tháng 5/2013 sẽ có phần chuyên về LĐ nước ngoài. Trong đó, các vấn đề khúc mắc về quản lý, xử lý LĐ nước ngoài hiện nay sẽ được nghiên cứu, điều chỉnh thêm cho phù hợp.

Về sự cố tại Phòng khám Maria, Thứ trưởng Tô Lâm cho rằng, việc vi phạm này cũng do công an phát hiện và kiến nghị ngành y tế kiểm tra. Hiện sự việc đang được điều tra để xử lý hình sự.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ học sinh Khánh Sơn ngộ độc: Phát hiện rong biển cơm cuộn có vi khuẩn

Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã kết thúc điều tra, chỉ ra nguyên nhân 29 học sinh ở huyện Khánh Sơn bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm cuộn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm