| Hotline: 0983.970.780

Nông dân Kiên Giang cho mướn đất

Thứ Sáu 10/08/2012 , 11:42 (GMT+7)

Vụ TĐ này không ít nông dân ở huyện Tân Hiệp lại chọn giải pháp cho người khác mướn ruộng để lấy tiền tươi thóc thật cho ăn chắc.

Vụ TĐ này không ít nông dân ở huyện Tân Hiệp lại chọn giải pháp cho người khác mướn ruộng để lấy tiền tươi thóc thật cho ăn chắc. Lý do mà nông dân đưa ra là giá lúa quá bấp bênh, trong khi giá cả vật tư đầu vào lại quá cao.

Sau vụ lúa HT, nhiều nông dân ở Tân Hiệp quyết định bán lúa tươi tại ruộng để có thời gian chuẩn bị xuống giống vụ TĐ cho kịp thời vụ, tránh bị ngập lũ vào cuối vụ. Thế nhưng, ông Nguyễn Văn Tân, ở ấp Đông Thạnh, xã Thạnh Đông B, Tân Hiệp lại quyết định vụ này không làm ruộng nữa mà ký hợp đồng cho người khác thuê để trồng lúa với giá 8 triệu đồng/ha.

Ông Tân lý giải: “Tui là con nhà nông chính cống, không làm ruộng cũng thấy buồn. Nhưng làm ruộng bây giờ cơ cực quá. Vụ HT rồi tui vật lộn với 1 ha ruộng suốt 3 tháng trời ròng rã, nhưng do lúa bị dịch bệnh, năng suất thấp, sau khi trừ hết chi phí chỉ còn lãi được vỏn vẹn 2 triệu đồng. Tính ra mỗi tháng chỉ được vài trăm ngàn đồng, chỉ bằng vài ngày công đi làm mướn. Vậy thì ôm ruộng làm gì, lo toan cho khổ cái thân”.

Không những thế, ngay cả những người đã lỡ ký hợp đồng mướn ruộng của người khác suốt năm cũng không muốn làm lúa vụ TĐ này. Ông Đào Ngọc Thân ở ấp Tân An, xã Tân An, Tân Hiệp cũng quyết định cho người khác mướn 3 ha ruộng mà mình đang thuê của người khác để làm.

Ông Thân cho biết: “Đầu năm 2012, vợ chồng tui bỏ ra hơn 70 triệu đồng để mướn 3 ha đất làm 3 vụ lúa/năm. Sau khi làm vụ lúa HT thấy không ăn thua, đành tìm cách rút vốn làm chuyện khác. Nên khi có người hỏi mướn làm vụ TĐ với giá 20 triệu đồng/3 ha tui đã cho thuê lại. Hy vọng đến vụ lúa ĐX năng suất khá hơn, vợ chồng tui lấy lại để làm sẽ có đủ tiền trả cho cho chủ ruộng”.

Theo nhiều người dân cho biết, họ không mặn mà làm ruộng là do không tự quyết định được giá cả sản phẩm của mình làm ra. Mua vật tư thì giá cao hay thấp là tùy thuộc vào nguồn cung và đại lý có đầu cơ làm giá hay không. Thế nhưng khi làm ra hạt lúa rồi thì lại lệ thuộc vào thương lái, mấy "ông" xuất khẩu gạo. Giá cả thế nào là do họ quyết định, mắc rẻ gì thì cũng phải bán chứ nông dân không thể trữ lúa lâu được. Ước tích, vụ TĐ này có khoảng 1/3 nông dân Tân Hiệp quyết định không làm lúa mà cho người khác mướn, lấy tiền bỏ túi cho ăn chắc.

Ông Lâm Hoàng Sa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang:

Cách tính giá thành SX lúa của Bộ Tài chính hiện nay là chưa đủ, thường thấp hơn thực tế nông dân đã đầu tư. Chính vì vậy, họ không thể có lãi 30% như tính toán. Nếu không có giải pháp để kích thích tăng giá lúa trên thị trường lên thì nông dân sẽ rất khó khăn trong đầu tư SX, nhất là đối với những hộ ít đất, thiếu vốn.

Ông Nguyễn Văn Việt, một nông dân ở Tân Hiệp đã cùng với anh em bỏ ra hơn 200 triệu đồng để thuê gần 30 ha đất làm lúa khẳng định: “Với giá cả thị trường đầu ra của lúa gạo luôn bấp bênh như những năm qua thì những người làm 1-2 ha ruộng khó có thể có lời, thậm chí là huề vốn. Chỉ những người làm nhiều, có điều kiện đầu tư cơ giới thì mới giảm được chi phí. Anh em tui nhờ nhà có máy móc sẵn nên mới dám thuê đất để làm. Tuy nhiên, khi thuê thì phải tìm 4-5 chủ, có diện tích đất liền lạc nhau mới được”.

Ông Trần Quang Củi, PGĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, đến thời điểm này nông dân trong tỉnh đã xuống giống được 61.400 ha lúa TĐ, cao hơn kế hoạch 100 ha. “Trong bối cảnh hiện nay nông dân muốn làm lúa có lời thì trước tiên là phải có diện tích đủ lớn, để có thể cơ giới hóa trong các khâu SX, giảm chi phí canh tác. Muốn như vậy thì chỉ có cách là tích tụ bằng cách thuê mướn của nhiều người. Còn những nông dân có ít đất, vốn vay mượn ngân hàng, không có máy móc thì cho người khác thuê đất cũng tốt. Vì làm như vậy vừa hạn chế được rủi ro cho bản thân vừa giúp người khác có điều kiện SX”, ông Củi nhận định.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm