| Hotline: 0983.970.780

Biết nhưng... bó tay!

Thứ Sáu 23/11/2012 , 10:44 (GMT+7)

Việc đưa trâu bò từ CPC về VN tiêu thụ mặc dù bị nghiêm cấm nhưng lại gần như phổ biến, khó kiểm tra xử lý vì các thương lái “biết” đường đi, còn các cơ quan chức năng tỏ ra bất lực!

Việc đưa trâu bò từ CPC về VN tiêu thụ mặc dù bị nghiêm cấm nhưng lại gần như phổ biến, khó kiểm tra xử lý vì các thương lái “biết” đường đi, còn các cơ quan chức năng tỏ ra bất lực!

>> Vượt sông!
>> Hợp thức hóa trâu bò lậu?
>> Thâm nhập chợ trâu bò Kam Pong Cham
>> Trâu bò nhập lậu bị thả nổi

CHUYỆN “BÌNH THƯỜNG” Ở HUYỆN?!

Ngồi ở một quán nước đường K73 thuộc ấp Mới, xã Bình Tân (Mộc Hóa, Long An) nằm khu vực sát hầm rác, chúng tôi chứng kiến từng đàn trâu bò gõ móng lộp cộp chen chúc nối nhau đi trên lộ về những bãi tập kết đất trống của nhà nước. Đàn ít thì 5 - 7 con, nhiều có khi 20 - 30 con chen nhau đi kín mặt lộ K73. Theo ông Đặng Văn Tình (ấp phó Ong Nhơn Tây - phụ trách an ninh), cứ khoảng 10 ngày có 1 - 2 xe tải đến đây chở khoảng 15 - 20 con/chuyến mang trâu bò từ CPC về nội địa để vỗ béo...

Khoảng 10 giờ sáng ngày 14/11, chúng tôi đếm được gần 20 con trâu bò lớn nhỏ được người chăn dắt lùa từ hướng biên giới đi trên lộ K73 về xã Bình Hiệp. Hỏi ra mới biết đây là số trâu bò của 2 thương lái ở xã Bình Tân và thị trấn Mộc Hóa. Ngoài tuyến lộ K73, các lái trâu bò còn chọn ấp Rạch Mây, xã Tiên Bình làm bãi tập kết nằm cách đó chừng 1 km. Trâu bò vượt biên qua ấp Rạch Mây cũng nhộn nhịp không kém tuyến lộ K73 với lượng bình quân 1 ngày khoảng 20 con nhưng không ai kiểm soát.

Ông Phan Văn Truyện, Chủ tịch UBND xã Bình Hiệp thừa nhận, do tuyến biên giới ở xã với CPC là “ruộng liền ruộng” chỉ cách có bờ đê, nên chuyện buôn bán trâu bò qua biên giới diễn ra từ lâu và trở thành như “chuyện bình thường ở huyện”. Theo ông Truyện, mỗi ngày ước tính khoảng 40 - 50 con thì mỗi tháng phải có 1.000 con trâu bò nhập lậu. Gần như ngày nào cũng có 1 đến 2 xe tải từ các nơi về lấy trâu bò đưa đi. Trong xã hiện có 30 hộ chăn nuôi trâu bò nhưng ai cũng biết phần lớn là nuôi trâu bò vỗ béo từ CPC sang.


Đàn bò nhập lậu công khai ở bãi tập kết của ông Sáu Minh ở xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, nằm cách trạm kiểm soát chưa đầy 300 m

Ông Nguyễn Thành Nhơn, Trưởng trạm Thú y huyện Mộc Hóa tiết lộ, trong tháng 10, Trạm đóng dấu kiểm dịch gần 1.000 con trâu bò, còn 2 tuần đầu tháng 11 này là gần 400 con. “Nhìn vào con số này đã phản ảnh phần lớn là trâu bò của CPC, chứ thật ra số lượng trâu bò chăn nuôi trong huyện chỉ có 3.500 con, không đủ nhu cầu cung cấp thịt cho bà con trong huyện”.

Rời xã Bình Hiệp, chúng tôi tiếp tục trực chỉ lên xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng nằm cách thị trấn Mộc Hóa khoảng 70 km, ở đây có bãi tập kết trâu bò lậu của ông Sáu Minh, một “đại ca” thương lái tuy chỉ nằm cách trạm kiểm soát bộ đội Biên phòng 79 khoảng 300 m, nhưng mỗi ngày tập trung từ vài chục đến cả trăm con bò từ CPC đưa về. Một người dân đang lựa mua bò cho biết: “Không chỉ có thương lái trong nước mà cả bên CPC, họ mua trâu bò bên ấy rồi tập trung tại một bãi đất thuộc xã Chàm, huyện PaVet. Sau đó, các thương lái VN chỉ cần bỏ ra 2 ngàn đồng phí qua trạm kiểm soát là tha hồ mà lựa chọn, ngã giá”.

Thế nên, giống như xã Bình Hiệp, ông Phan Văn Hiền, PCT HĐND xã Hưng Điền cho biết, chuyện buôn bán trâu bò qua biên giới tại đây cũng diễn ra từ lâu. Ước tính mỗi tháng có không dưới 500 con trâu bò nhập lậu. Ngày nào ít cũng có một, hai xe tải từ các nơi về lấy trâu bò đưa đi, ngày nhiều nhất đến 5 - 7 xe. “Chúng tôi biết rất rõ ai là người mua bán trâu bò số lượng lớn, nên nhiều lần chính quyền đề nghị cấp trên hỗ trợ lập trạm kiểm soát, kiểm dịch thú y để kiểm tra gia súc nhập lậu nhưng đến nay vẫn chưa có kinh phí xây dựng”.

Cũng theo ông Hiền, do thu nhập từ buôn trâu bò qua biên giới khấm khá nên trong xã có rất nhiều người từ làm ruộng chuyển qua “kinh doanh” nghề này. Có người sang đó mua trâu bò gầy giá rẻ mang về vỗ béo một vài tháng, sau đó bán lại lời 40 - 50% so với giá mua gốc. “Có thể nói đây là nghề… xóa đói giảm nghèo của người dân trong xã!” - ông Hiền nói hóm hỉnh. Cho nên không ngạc nhiên khi trong tháng 10, theo Trạm Thú y huyện Tân Hưng, số lượng gia súc xuất đi có đóng dấu kiểm dịch lên đến 3.000 con mà dân trong nghề ai cũng biết chắc chắn đó là trâu bò nhập lậu. Bởi số lượng chăn nuôi trâu bò của huyện này còn kém hơn huyện Mộc Hóa, hiện có chưa đến 2.500 con gia súc/năm.

TẤT CẢ ĐỀU… BẤT LỰC!

Ông Đào Quốc Cường, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 7 khu vực Tân Hưng - Vĩnh Hưng cho biết, trâu bò từ CPC đưa vào nội địa nếu đóng “lệ phí” cho trạm kiểm soát biên phòng là không đúng, phải lập biên bản bắt giữ, tịch thu. “Chúng tôi biết chuyện trâu bò nhập lậu nhưng hiện rất khó xử lý. Nhiều khi thấy trâu bò nhập lậu được thương lái lùa đi trên đường, nuôi nhốt tập trung hoặc công khai đưa lên xe tải chở đi tiêu thụ nhưng không làm gì được. Bởi chủ gia súc sẽ lý giải đó là gia súc chăn nuôi ở địa phương đã lâu thì cơ quan chức năng làm sao mà chứng minh được đó là lậu. Vì thế, hiện vẫn chưa có giải pháp khả thi nào để ngăn chặn nạn nhập lậu trâu bò”.

“Theo tôi biết nếu như 1 con trâu, bò cư dân biên giới mua từ CPC vào VN bằng con đường chính thức có kiểm soát thì phải đóng thuế đầu vào, đầu ra, chi phí cho việc tiêm phòng vacxin, chi phí vào khu cách ly nuôi dưỡng theo dõi… thì cư dân biên giới phải tốn 450.000 đồng/con. Đây là trọng tâm vấn đề dẫn đến tình trạng nhập lậu vẫn xảy ra từ trước đến nay” - ông Phan Ngọc Châu, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh Long An.

Trong khi đó, ông Phan Văn Dững - Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa cho rằng, trâu bò không phải thuộc dạng quí hiếm gì nên việc trao đổi mua bán gia súc giữa VN với CPC là bình thường. Tuy nhiên phải nói rằng, ngoài việc thất thu thuế nhập khẩu, trâu bò nhập lậu không qua kiểm dịch còn rất nguy hiểm cho đàn gia súc nội địa vì không thể biết trâu bò từ CPC về có mang theo mầm dịch bệnh hay không. Trong khi đó thì cơ quan thú y huyện chỉ có 7 nhân viên, làm không nổi. Hiện nay, huyện đang qui hoạch xây dựng khu cách ly gia súc từ CPC về VN với diện tích 1 ha trên địa bàn xã Bình Tân và đồng ý giao đất cho Cty TNHH Quyền Anh (Quảng Bình) làm việc này. Tuy nhiên vẫn còn đang trong quá trình làm hồ sơ thủ tục.

Theo ông Phan Ngọc Châu, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh Long An, việc buôn bán trâu bò qua biên giới trước đây chỉ là buôn bán trao đổi giữa cư dân hai nước trên vùng biên giới. Từ khoảng cuối năm 2011 cho đến tháng 8/2012 việc buôn bán trâu bò mới xảy ra thường xuyên, đặc biệt là các huyện Tân Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Đức Huệ. Trong đó tại huyện Đức Huệ, ngành thú y cũng đã vận động xây dựng một khu cách ly kiểm dịch với kinh phí đầu tư trên 2 tỉ đồng để tập trung trâu bò vào khu cách ly kiểm dịch nhằm kiểm soát dịch bệnh ngay từ vùng biên giới. Đến nay khu cách ly đã xây dựng xong và đã được Cục Thú y thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y. Tuy nhiên, khu cách ly kiểm dịch cơ sở tại Đức Huệ đang tạm thời không hoạt động vì nhiều lý do.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ học sinh Khánh Sơn ngộ độc: Phát hiện rong biển cơm cuộn có vi khuẩn

Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã kết thúc điều tra, chỉ ra nguyên nhân 29 học sinh ở huyện Khánh Sơn bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm cuộn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm