Trong khi giá trị XK của nhiều nông sản chủ lực bị sụt giảm hoặc chỉ tăng trưởng rất thấp trong năm nay, thì XK gỗ vẫn giữ được đà tăng trưởng tốt và lần đầu tiên vượt mốc 4 tỷ USD khi chưa hết năm.
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 11 vừa rồi, XK gỗ và sản phẩm từ gỗ của nước ta đạt giá trị trên 425 triệu USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến hết tháng 11, XK gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt giá trị 4,211 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ 2011. Mức tăng trưởng này rất đáng được ghi nhận bởi trong giai đoạn 2005-2011, tăng trưởng bình quân mỗi năm của ngành gỗ là 16%.
Như vậy, lần đầu tiên XK gỗ nước ta đã vượt qua mốc 4 tỷ USD, vượt xa so với kỷ lục cũ của cả năm ngoái là trên 3,9 tỷ USD. Với kim ngạch XK bình quân mỗi tháng trên dưới 400 triệu USD trong mấy tháng qua, thì đến hết năm nay, XK gỗ cả nước hoàn toàn có thể đạt giá trị khoảng 4,6 tỷ USD. Đồng thời, với đà tăng trưởng như trên, Việt Nam tiếp tục củng cố vị trí là nước XK đồ gỗ lớn nhất ở Đông Nam Á.
Sản xuất đồ gỗ ở Bình Dương
Theo các chuyên gia ngành gỗ, sự thành công của XK gỗ năm nay, ít nhiều có yếu tố may mắn, nhất là với thị trường Mỹ. Ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cho hay, do Mỹ áp dụng chính sách tài khóa áp thuế chống bán phá giá lên sản phẩm gỗ từ thị trường Trung Quốc, nên những dòng sản phẩm mới và khách hàng mới từ Mỹ đến Việt Nam nhiều hơn.
So về mặt bằng giá cả, thì đồ gỗ Việt Nam có giá cao hơn sản phẩm cùng loại của Trung Quốc. Nhưng khi nhiều mặt hàng gỗ của Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá thì sản phẩm gỗ của Việt Nam lại trở nên rẻ hơn. Mặt khác, sản phẩm gỗ của Việt Nam được khách hàng Mỹ đánh giá có chất lượng hơn và ít độc hại hơn so với đồ gỗ Trung Quốc.
Cũng theo ông Thanh, thị trường Nhật Bản đang mở ra cơ hội cho các nhà XK đồ gỗ Việt Nam vì nước này đang đẩy mạnh kiến thiết sau thảm họa thiên tai. Năm ngoái, Nhật Bản NK nhiều các sản phẩm gỗ thanh phục vụ cho xây dựng cơ bản. Năm nay, khi phần xây dựng cơ bản đã xong, Nhật lại tăng nhập các sản phẩm gỗ nội ngoại thất và sẽ tiếp tục NK nhiều trong năm tới.
Trong khi đó, ngành đồ gỗ Nhật Bản lại đang thu hẹp quy mô do giá nhân công tăng cao. Vì thế, gỗ Việt Nam đang được các nhà NK Nhật Bản quan tâm ngày càng nhiều hơn. Mặt khác, Nhật Bản cũng là một thị trường thân thiện và an toàn đối với các doanh nghiệp gỗ Việt Nam. Vì thế, XK gỗ sang Nhật Bản năm nay tăng trưởng khá tốt. Nếu như cả năm ngoái, XK gỗ sang Nhật Bản đạt gần 600 triệu USD, thì 11 tháng đầu năm nay đã vượt qua con số nói trên với giá trị trên 600 triệu USD.
Trong năm nay, 80% gỗ nguyên liệu vẫn phải NK từ nước ngoài, chủ yếu là từ Lào và Campuchia, nhưng nguồn gỗ ở những nước này đang cạn kiệt. Nguồn gỗ xả từ Malaysia và Indonesia lại đang bị đóng cửa, khiến cho giá gỗ nguyên liệu vào cuối năm tăng lên. Sang năm, giá gỗ nguyên liệu nhiều khả năng còn tăng mạnh, bởi nước sản xuất đồ gỗ lớn nhất thế giới là Trung Quốc sẽ tăng NK gỗ tròn, gỗ xẻ ... để đáp ứng việc tăng mạnh xây dựng nhà cửa. |
Bên cạnh 2 thị trường lớn nói trên, XK gỗ sang nhiều thị trường khác cũng có sự tăng trưởng khá ấn tượng. Thị trường Trung Quốc trong năm ngoái đã vươn lên thành thị trường lớn thứ 2 của đồ gỗ Việt Nam. Năm nay, Trung Quốc đang tiếp tục giữ vững vị trí đó khi giá trị XK đồ gỗ sang nước này trong 11 tháng qua đã đạt trên 655 triệu USD, cao hơn gần 30 triệu USD so với cả năm ngoái.
Trong 10 tháng đầu năm nay, chỉ có 9 thị trường giảm mức tăng trưởng, còn các thị trường khác đều có mức tăng trưởng dương về XK gỗ. Trong đó có những thị trường tuy giá trị NK chưa cao nhưng lại có mức tăng trưởng rất ấn tượng: Hy Lạp tăng 579,04%, Thái Lan tăng 121,66%, Ảrập Xêút tăng 85,58% ...
Tuy nhiên, lợi nhuận của ngành gỗ trong năm nay lại khá thấp, nhất là với các doanh nghiệp nội địa. Ông Huỳnh Quang Thanh cho hay, nguyên nhân trước hết là do lãi suất vay ngân hàng năm nay vẫn quá cao, khiến nhiều doanh nghiệp tuy có nhiều đơn hàng XK nhưng chỉ hòa vốn hoặc lời rất ít. Bên cạnh đó, việc vẫn còn phụ thuộc quá lớn vào nguồn gỗ nguyên liệu NK cũng ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận của ngành gỗ, bởi gỗ NK chiếm tới 37% giá thành sản phẩm gỗ.