| Hotline: 0983.970.780

Mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sâm Ngọc Linh

Thứ Tư 13/11/2024 , 18:37 (GMT+7)

KON TUM Dự án mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý 'Ngọc Linh' được triển khai ở nhiều xã có khả năng phát triển cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Sâm Ngọc Linh được người Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông trồng dưới tán rừng. Ảnh: ĐL. 

Sâm Ngọc Linh được người Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông trồng dưới tán rừng. Ảnh: ĐL. 

UBND tỉnh Kon Tum vừa ban hành quyết định phê duyệt dự án khoa học công nghệ về mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Dự án này sẽ được thực hiện trong năm 2025, thuộc chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2021 - 2030 của tỉnh. UBND tỉnh Kon Tum giao Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức tuyển chọn các tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện dự án đã được phê duyệt.

Dự án có mục tiêu chung là xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn để đăng ký mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Mục tiêu cụ thể là chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ tỉnh Kon Tum mở rộng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ theo quy định.

Nội dung nghiên cứu là xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc đăng ký mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ trên địa bàn các xã Tu Mơ Rông, Đăk Hà, Đăk Sao, Đăk Rơ Ông (thuộc huyện Tu Mơ Rông); Đăk Man (trừ các tiểu khu 16, 17, 18, 20, 22, 25 và một phần các tiểu khu 19, 21, 23, 24), xã Đăk Plô, Đăk Nhoong, Đăk Choong (trừ các tiểu khu 59, 60, 65 và một phần các tiểu khu 19, 21, 23, 24) thuộc huyện Đăk Glei); xã Đăk Tăng, Măng Bút (thuộc huyện Kon Plông) và Đăk Kôi (thuộc huyện Kon Rẫy). Bên cạnh đó, xây dựng hồ sơ đăng ký mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ tại Cục Sở hữu trí tuệ…

Không ít hộ đồng bào Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông làm giàu nhờ trồng sâm Ngọc Linh. Ảnh: ĐL. 

Không ít hộ đồng bào Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông làm giàu nhờ trồng sâm Ngọc Linh. Ảnh: ĐL. 

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, các xã trên địa bàn huyện đã được cấp chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm sâm củ là xã Đăk Na, Măng Ri, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Văn Xuôi và Tê Xăng.

Nhờ được cấp chỉ dẫn địa lý, sâm Ngọc Linh trên địa bàn đã có thương hiệu, được người tiêu dùng tín nhiệm lựa chọn để sử dụng bồi dưỡng sức khỏe. Những khu vực được cấp chỉ dẫn sâm củ nói trên hiện đang được đồng bào Xơ Đăng và doanh nghiệp cùng nhau liên kết trồng sâm Ngọc Linh, cùng hưởng lợi, làm giàu dưới tán rừng. Đồng bào Xơ Đăng đã trở thành tỷ phú nhờ sâm, có hộ có năm chỉ tính riêng tiền bán hạt sâm đã thu được 10 tỷ đồng.

Ngoài 6 xã được cấp chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh nói trên, 4 xã đang được đưa vào nghiên cứu mở rộng cấp chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" là Tu Mơ Rông, Đăk Hà, Đăk Sao, Đăk Rơ Ông cũng có tiềm năng, thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi để trồng sâm Ngọc Linh. Đó là những khu rừng già, độ cao thích hợp, khí hậu lạnh. Thực tế tại 4 xã đưa vào danh sách nghiên cứu mở rộng trên, người dân cũng đã thử nghiệm trồng sâm Ngọc Linh và sâm sinh trưởng, phát triển rất tốt.

“Việc UBND tỉnh phê duyệt dự án khoa học công nghệ về mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm sâm củ là quyết định đúng, trúng, kịp thời nhằm xây dựng luận cứ vững chắc, làm căn cứ để mở rộng vùng trồng sâm Ngọc Linh, giúp đồng bào Xơ Đăng thêm cơ hội làm giàu nhờ cây sâm Ngọc Linh. Địa phương sẵn sàng hợp tác với các đơn vị được giao nghiên cứu để dự án sớm hoàn thành, giúp đồng bào làm giàu trên chính tài nguyên của mình”, ông Võ Trung Mạnh cho biết. 

Xem thêm
Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.