| Hotline: 0983.970.780

Lần đầu tổ chức triển lãm đa dạng sinh học tại Thừa Thiên - Huế

Thứ Sáu 07/06/2024 , 19:43 (GMT+7)

Triển lãm nhằm mục tiêu quảng bá tầm quan trọng của bảo tồn đa dạng sinh học, nét đẹp thiên nhiên hoang dã, hệ động thực vật phong phú tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Các đại biểu nhấn nút khai mạc triển lãm 'Vì sự sống bền vững cho thiên nhiên và con người'. Ảnh: CĐ.

Các đại biểu nhấn nút khai mạc triển lãm "Vì sự sống bền vững cho thiên nhiên và con người". Ảnh: CĐ.

Ngày 7/6 tại Nhà thiếu nhi Huế (số 8 Lê Lợi, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế), triển lãm "Vì sự sống bền vững cho thiên nhiên và con người" đã chính thức khai mạc.

Sự kiện nhằm hưởng ứng Năm khôi phục đa dạng sinh học quốc gia 2024; ngày Môi trường Thế giới 5 tháng 6 và tuần lễ Festival Huế 2024.

“Vì sự sống bền vững cho thiên nhiên và con người” là triển lãm đầu tiên về đa dạng sinh học trong hơn 20 năm qua tại Thừa Thiên - Huế, được tổ chức bởi Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF-Việt Nam) và Helvetas phối hợp cùng Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế thực hiện trong khuôn khổ Dự án “Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học” (VFBC). 

Triển lãm nhằm quảng bá tầm quan trọng của bảo tồn đa dạng sinh học, nét đẹp thiên nhiên hoang dã và hệ động thực vật hoang dã phong phú tại tỉnh Thừa Thiên - Huế đối với khách du lịch và người dân địa phương.

Bên cạnh đó, triển lãm cũng lên tiếng kêu gọi mọi người dân hãy sống có trách nhiệm với thiên nhiên và chung tay bảo tồn hệ động thực vật đa dạng tại đây. Cùng nhau thực hiện cam kết không săn bắt, mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật và chung tay góp phần xây dựng Huế trở thành thành phố du lịch không tiêu thụ thịt rừng. 

Nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học đang được các ngành chức tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với các đối tác thực hiện một cách tích cực. Ảnh: CĐ.

Nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học đang được các ngành chức tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với các đối tác thực hiện một cách tích cực. Ảnh: CĐ.

Theo ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế, mục tiêu cuối cùng của triển lãm không chỉ dừng lại ở việc lan tỏa thông điệp về tầm quan trọng của bảo tồn đa dạng sinh học, mà còn là thúc đẩy hành động cụ thể từ mỗi cá nhân và tổ chức.

"Chúng tôi kêu gọi mọi người cùng tham gia vào các hoạt động bảo vệ đa dạng sinh học, các chiến dịch cộng đồng và hỗ trợ nỗ lực của tổ chức và Chính phủ để tạo ra một tương lai bền vững cho cả thiên nhiên và con người”, ông Tuấn cho biết.

Cũng trong khuôn khổ lễ khai mạc, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H’hen Niê đã tích cực tham gia và góp phần lan tỏa tiếng nói mạnh mẽ, chung tay bảo tồn giá trị đa dạng sinh học rừng Việt Nam qua vũ điệu đầy ý nghĩa “Không ăn thịt thú rừng, góp thiện cho đời”. Chính tại thành phố thơ mộng này, cô đã từng đi bộ diễu hành cùng hơn 500  sinh viên và khách mời để lên tiếng kêu gọi không ăn thịt thú rừng. 

Trong suốt thời gian diễn ra triển lãm, du khách và người dân Huế sẽ được bước vào những khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nơi mỗi loài động thực vật kể nên những câu chuyện riêng đầy cảm xúc. Đây là cơ hội để khách tham quan chứng kiến sự phong phú của hệ sinh thái, những câu chuyện bảo tồn dựa vào cộng đồng, những mô hình sinh kế thành công, và xem những thước phim “nơi thiên nhiên lên tiếng" tôn vinh Vườn Quốc gia Bạch Mã, Khu Bảo tồn Sao la Huế, Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền.

Mỗi mẫu vật và tiêu bản là lời nhắc nhở, kêu gọi cùng chung tay hành động và thực hiện lối sống có trách nhiệm với thiên nhiên cho thế hệ trẻ tương lai. Và đặc biệt, tiêu bản đẹp nhất của loài được mệnh danh là “Kỳ lân Châu Á” - Sao la từ Bảo tàng Thiên nhiên Duyên hải miền Trung sẽ được trưng bày ngay tại Nhà thiếu nhi Huế, hứa hẹn sẽ là một điểm nhấn nổi bật xuyên suốt mùa lễ hội Festival Huế 2024. 

Triển lãm diễn ra đến 10/6 và mở cửa đón khách tham quan miễn phí. 

Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học (BCA) thuộc Dự án Quản lý Rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Dự án do Ban quản lý các dự án lâm nghiệp (Bộ NN - PTNT) là chủ dự án, được thực hiện từ tháng 7/2021 - 6/2026. Mục tiêu nhằm duy trì, nâng cao chất lượng rừng và đồng thời duy trì ổn định các quần thể động vật hoang dã ở những tỉnh có giá trị bảo tồn cao.

Dự án chú trọng 14 khu rừng đặc dụng và 7 khu rừng phòng hộ, liên kết các ban quản lý rừng trên toàn cảnh quan khu vực để duy trì độ che phủ rừng và kết nối sinh cảnh nhằm bảo vệ những loài động vật đặc hữu và nguy cấp ở Việt Nam. Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học được thực hiện bởi WWF- Hoa Kỳ và các đối tác khác như: WWF-Việt Nam, Tổ chức Helvetas Việt Nam, Viện Nghiên cứu Động vật Leibniz, Re:wild, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Fauna & Flora.

Xem thêm
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng

Với mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt 49,2%, tỉnh Gia Lai đang chủ trương trải 'thảm đỏ' đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng.

Phú Yên ứng dụng công nghệ quản lý, bảo vệ rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang ứng dụng những giải pháp công nghệ nhằm giúp cán bộ, nhân viên trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất