| Hotline: 0983.970.780

Trường 18 học sinh

Thứ Tư 05/09/2012 , 09:54 (GMT+7)

Cả trường Tiểu học Phước Mỹ (ấp Phước Mỹ, xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh) chỉ có 4 lớp, 18 em học sinh từ lớp 2 đến lớp 5!

Cả trường chỉ có 4 lớp, 18 em học sinh từ lớp 2 đến lớp 5! Có lẽ đây là ngôi trường nhỏ nhất nước? Mặc dù vậy, những lớp học nhỏ xíu này chưa khi nào bị gián đoạn. Đó là điểm trường Tiểu học Phước Mỹ (ấp Phước Mỹ, xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh), nằm sát những cột mốc đường biên giới với Campuchia. Điểm trường này còn có tên gọi khác là A8.

NHỮNG LỚP HỌC MINI

Con đường đất nhỏ dẫn vào A8 bụi mịt mù, chạy ngoằn ngoèo giữa cánh đồng, một bên là ruộng của người dân A8, còn bên kia là ruộng của người Campuchia. Lúp xúp những ngôi nhà nhỏ mái tranh, vách đất. Anh bạn đồng nghiệp dẫn đường cho chúng tôi cười nói: “Ai chạy xe vào được đến A8 là đạt tiêu chuẩn cấp giấy phép lái xe, vì có lẽ không có đường nào khó chạy như đường ở A8”.

Điểm trường A8 nhỏ xíu, cùng với những lớp học cũng…nhỏ xíu nằm phơi mình trong cái nắng, gió quay quắt của vùng biên giới. Đến nơi, chúng tôi khá ngạc nhiên khi thấy trường đã bắt đầu bước vào năm học mới. Ông Hồ Văn Nguy, hiệu trưởng điểm trường, đón chúng tôi, nói: “Năm nào chúng tôi cũng bắt đầu năm học mới sớm hơn bình thường từ 1 đến 2 tuần để bù cho những ngày lũ, các em không thể đi học. Năm nay trường bắt đầu từ ngày 21/8 và đang đi vào nền nếp. Năm học này, A8 không tuyển sinh lớp 1, không phải học sinh bỏ học mà vì địa phương không có em nào đến tuổi đi học”.


Trên đường đến lớp

“Cả ấp Phước Mỹ chi có 87 hộ dân và gần như tách biệt hẳn với bên ngoài, mùa lũ đi lại rất khó khăn. Cho nên học sinh cũng rất ít. Kể từ khi thành lập điểm trường (năm 1999) đến nay, mỗi năm số học sinh chỉ dao động từ vài em đến gần 20 em. Nhưng phải duy trì để các em học sinh vùng biên không phải bỏ học. Điều khích lệ chúng tôi là các em học đều khá giỏi và chăm ngoan. Đến nay chưa có em nào bỏ học. Lâu lâu có em nghỉ học, chúng tôi lại đến tận nhà tìm hiểu. Sau đó các em đã đến lớp trở lại”, thầy Nguy nói.

Ở đây, mỗi lớp học chỉ kê một dãy bàn học vì thời điểm lớp đông nhất cũng chỉ có 6 em. Lớp 4 có sĩ số… 2 học sinh là em Hồ Ngọc Mỹ và Nguyễn Thị Nhật Lan. Hai bạn chia nhau chức lớp trưởng và lớp phó! Các lớp khác khá hơn, nhưng lớp đông nhất cũng chỉ có 5 em. Dù cả trường chỉ có hơn 20 thầy, trò, nhưng thầy luôn lên lớp đúng giờ, còn học sinh rất chăm chỉ. Như lời cô bé Hồ Nhi Thảo (lớp 5): “Hôm nào hai chị em con cũng dậy từ 5 giờ sáng, quét dọn nhà cửa xong, 6 giờ là đến trường. Hôm nào không đi học tụi con thấy buồn”. Hỏi ra mới biết Thảo còn có em gái là Hồ Ngọc Mỹ (lớp 4), cả 2 chị em đều học giỏi. Nhà Thảo cách trường chừng hơn cây số. Nhưng chưa phải là xa nhất. Năm học vừa qua, trên 50% học sinh của điểm trường này đạt danh hiệu khá, giỏi!


Tan học, 3 chị em Như ý về nhà tự lấy cơm nguội ăn chỉ với nước tương

Nhớ lại những ngày “chân ướt, chân ráo” đến đây, thầy giáo Trần Chí Linh, người gắn bó với trường từ những ngày đầu tiên, kể: “Hồi mới vào A8 nhận công tác, tôi tưởng mình không thể chịu nổi. A8 khi đó có bốn “không”: không điện, không nước sạch, không trạm xá, không sách báo. Mọi kết nối với bên ngoài gần như không có. Giống như ngoài đảo hoang. Nước lúc nào cũng vàng khè, đóng váng vì nhiễm phèn nặng, chỉ tắm giặt chứ không ăn uống được. Thầy trò phải ra hố bom gần trường múc nước mưa lên để nấu.

Sau này, các chúng tôi mới đào một cái ao sát bên trường, bơm nước ngoài kênh vào, đợi nước lắng cho trong rồi múc lên dùng. Nhưng “căng” nhất là khi ốm đau, trạm xá cách 10km, mà đường đi hồi đó khó khăn hơn bây giờ nhiều. Cho nên, lúc nào chúng tôi cũng “trữ” sẵn vài loại thuốc thông dụng như giảm đau, nhức đầu, sổ mũi…để khi cần là có ngay.

NGHĨA TÌNH NÍU GIỮ CHÂN THẦY

Qua câu chuyện của các thầy, chúng tôi mới biết, mấy năm trước, từng có 2 người dân bị đột quỵ, mọi người đã cố gắng đưa họ đi cấp cứu, nhưng vì đi lại quá khó khăn, phương tiện không có nên khi đến được bệnh viện thì đã quá muộn. Cũng vì môi trường khắc nghiệt như vậy mà điểm trường này chưa từng có giáo viên nữ. Có những năm lũ lớn, dâng nước nhấn chìm các con đường nội bộ của A8, học sinh phải chèo ghe đến lớp. Anh Hồ Văn Dột, công an xã phụ trách ấp Phước Mỹ, cho biết, những lúc như vậy, anh quay như chóng chóng, phải bơi xuồng đến nhà các em kiểm tra để yên tâm không có sự cố xảy ra.

Thế rồi, những ngày khó khăn cũng dần qua. “Khó khăn qua đi một phần vì đường được nâng cấp cao ráo hơn, dù vẫn còn lầy lội khi trời mưa, mịt mù bụi khi trời nắng. Hai năm trở lại đây, điện đã vào tới A8. Nhưng, quan trọng nhất là thầy đã quen với cuộc sống nơi “hoang đảo”, còn trò thì chăm ngoan, học giỏi và tình cảm gắn bó với thầy như ruột thịt vậy. Đây mới chính là động lực để chúng tôi trụ vững ở đây”, thầy giáo Trần Văn Nguyên vừa cười vừa “phân tích”.


Thầy trò miệt mài gieo chữ

“Những năm đầu tiên thành lập điểm trường, các thầy giáo chẳng được trò nào chúc mừng ngày 20/11, vì cả phụ huynh lẫn học sinh đều không biết đó là ngày gì. Đến khi lứa học trò đầu tiên học lên bậc THCS, các em mới biết rồi về “tuyên truyền” ý nghĩa ngày lễ này ở A8. Lúc đó, phụ huynh học sinh, người dân A8 mới biết, vội vàng đến “tết thầy” những món “cây nhà lá vườn” như gà, vịt, ếch, cá, lươn, chuột đồng…. Từ đó, không chỉ riêng ngày 20/11, phụ huynh học sinh có món gì ngon cũng mang đến “tết thầy”, ông Lượng nhớ lại.

Riêng thầy Linh, đã không ít lần nghĩ đến việc chuyển công tác. Một người họ hàng của thầy làm quan khá “to” ở tỉnh, hứa bố trí cho thầy một công việc tốt hơn. Nhưng thầy Linh cứ lần lữa mãi, cuối cùng vẫn không thể cất bước ra đi được vì thương học trò.

Các thầy giáo nói nửa đùa nửa thật: ai công tác lâu năm ở A8 sẽ bị “ế”, vì không có cơ hội tiếp xúc, gặp gỡ ai. Thầy Linh cũng đã có “thâm niên ế” gần chục năm thì trưởng ấp A8 “thấy thương” nên mai mối và gả con gái cho thầy. Sau này, những thầy giáo đã lập gia đình, mới được điều vào đây công tác để “chống ế”. Ba thầy giáo Mai Thanh Sang, Trần Văn Nguyên, Nguyễn Bé Anh nhà đều ở xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng (xã Bình Thạnh giáp xã Phước Chỉ) và đã có gia đình nên được “ưu tiên” vào A8. Các thầy hàng ngày đi về quãng đường hơn 20km nắng bụi mịt mù, mưa thì trơn trượt. Các em học sinh học lên bậc THCS, THPT, hàng ngày cũng đi về một quãng đường gian nan như thế.

Ông Dương Văn Lượng, một phụ huynh có đến 11 đứa con từng học ở điểm trường A8, nói: “Ở đây, người có uy tín nhất là thầy giáo và các anh bộ đội biên phòng. Trước khi có điểm trường A8, các anh bộ đội vẫn thường chèo ghe vào “ấp đảo” dạy chữ cho các em. A8 có truyền thống hiếu học từ đó”. Nhiều lứa học trò đã học lên cấp 3, có em đã trưởng thành, đã có việc làm ổn định ở “bên ngoài”. Các con của ông Lượng cũng đã học hết THPT, có việc làm ổn định, chỉ còn người con út đang học lớp 10.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Đủ nước cho vụ đông xuân ở Đông Nam bộ

Các tỉnh Đông Nam bộ đang sản xuất vụ đông xuân trong bối cảnh nguồn nước được dự báo đáp ứng đủ cho nhu cầu sản xuất ở các công trình thủy lợi.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

'Sống chung' với động đất ở tâm chấn Kon Plông

Kon Tum Tại Kon Plông, Viện Vật lý địa cầu đã phối hợp cùng chính quyền địa phương tập huấn, nâng cao kỹ năng ứng phó trước những diễn biến bất thường, đặc biệt là động đất.