Người Hà Nhì ở cực Tây Tổ quốc rất đề cao vai trò thủ lĩnh. Họ quan niệm, thủ lĩnh là người tiên phong, có những việc làm góp phần thay đổi cuộc sống của dân tộc mình... Sừng Sừng Khai là người như vậy.
>> Ở lại đỉnh trời Tả Ló San
>> Mộ đá bên dòng Păng Pơi
Chuyện về Sừng Sừng Khai rất nhiều, đã thành giai thoại của người Hà Nhì, nhưng nghe kể đi kể lại lần nào cũng hấp dẫn bởi nó chẳng giống ai, rất thú vị và khó ngờ.
Người cai nghiện đầu tiên ở A Pa Chải
Dù đã được ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, gọi điện hẹn trước, nhưng khi lên xã Leng Su Sìn, nơi Sừng Sừng Khai đang làm Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã tôi vẫn phải chờ. Ông hẹn tôi lên nhà riêng ở A Pa Chải. Dường như lần nào cũng thế, Sừng Sừng Khai thích hẹn khách lạ ở nhà. Ông bảo, chỉ có ở nhà, uống rượu cả đêm mới hết chuyện chứ một hai tiếng đồng hồ trên UBND xã không hiểu hết con người, mảnh đất cực Tây Tổ quốc đâu.
Bản biên giới A Pa Chải (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé), nơi xưa nay vẫn được biết đến là nơi "một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe" bây giờ nhìn rất khá giả. 50 hộ dân, nhà mái tôn đỏ chót, cuộc sống xem chừng no đủ hơn rất nhiều so với hoàn cảnh của một bản vùng cao. Theo tiếng Hà Nhì thì A Pa Chải có nghĩa là người chị cả. Trưởng bản Sừng Pó Tư dù tự nhận mình ít chữ nhưng uống rượu vào cũng ví von rằng Sừng Sừng Khai đã đưa "người chị cả" lầm lỗi một thời trở thành hình mẫu cho các bản làng ở ngã ba biên này noi theo. Mỗi lần Sừng Sừng Khai về nhà, các cụ cao tuổi, trưởng bản lại đến nhà uống rượu, kể chuyện ngày xưa.
Thủ lĩnh Sừng Sừng Khai
Những năm 1990, từ trung tâm huyện Mường Tè (Lai Châu) muốn vào A Pa Chải có khi phải đi bộ cả tháng trời. A Pa Chải chìm trong xa xôi, đói nghèo và thuốc phiện. Chuyện nghiện thuốc phiện ở vùng biên thời ấy cũng bình thường như hút điếu thuốc lào bây giờ. Trưởng bản Tư nhớ rằng, không một ai không bập vào thuốc phiện, từ nam đến nữ, từ già đến trẻ, kể cả Sừng Sừng Khai và cả ông. Bây giờ, khi đã là người đứng đầu một xã, nhiều trâu bò nhất bản, con cái học hành tử tế nhưng nhắc lại chuyện này Sừng Sừng Khai vẫn ngậm ngùi. Ông bảo, nếu không có bộ đội biên phòng vận động có khi bây giờ ông đã chết vì hút thuốc phiện rồi chứ đừng nói đến chuyện làm cán bộ như ngày hôm nay.
Dạo ấy, cả nhà ông nghiện. Bố ông vì nghiện mà mất sớm. Mẹ ông, bà Sừng Lòng Sừ là người nghiện cao tuổi nhất bản. Bản thân ông cũng có thâm niên nằm bên bàn đèn cả chục năm. A Pa Chải như một cô gái lầm đường, vùi trong những cơn say thuốc dài đằng đẵng. Phải đến những năm 2000, khi bộ đội biên phòng đồn 405 lên tuyên truyền xóa bỏ thuốc phiện thì dân bản mới biết là có hại. Biết thì biết, nhưng bỏ lại chẳng dễ dàng gì, nhiều lần thấy tổ công tác đến là cả bản kéo nhau trốn hết lên rừng. Người Hà Nhì khá cẩn trọng, họ chỉ thực sự tin những điều tai nghe mắt thấy. Bộ đội biên phòng muốn tuyên truyền cai nghiện cũng được, nhưng cứ thử nghiện rồi xem thử có cai được không? Gặp cái lý ấy thì khó quá, chỉ có cách phải tìm bằng được một người cai mẫu. Người được chọn để “thí nghiệm” là Sừng Sừng Khai vì ông đang làm… công an xã. Nghe lời vận động của bộ đội, Sừng Sừng Khai quyết tâm cai. Ông mang mẹ mình lên gửi nhờ đồn biên phòng cai hộ, còn bản thân mình thì tự cai ở nhà. Ròng rã cả tháng trời, hết trói tay chân lại chạy xuống suối, chạy lên rừng để cắt cơn. Cuối cùng ông cai được.
Sau khi chiến thắng được bản thân Sừng Sừng Khai chuyển sang công tác vận động dân bản. Công việc mà bây giờ nhớ lại ông bảo còn khó hơn cả tự mình cai thuốc. Những người vận động không được thì ông đề nghị với đồn biên phòng cho bắt tập trung lại để cai. Hết tốp này đến tốp khác, có đợt tổ cai nghiện tịch thu một lúc gần cả trăm chiếc bàn đèn. Phải mất vài năm, A Pa Chải mới hết người nghiện hút. Bản thân Sừng Sừng Khai được cất nhắc đi học thêm, làm Phó chủ tịch rồi lên Chủ tịch xã Sín Thầu.
Đầu tàu ở ngã ba biên giới
Sau kỳ tích cai thuốc phiện cho dân bản A Pa Chải, tên tuổi Sừng Sừng Khai trở thành một hiện tượng ở cực Tây Tổ quốc. Nhưng cai thuốc xong rồi lại phải tính toán làm sao để dân bản thoát nghèo. Bản thân cũng từ giã bàn đèn nên ông bắt đầu làm kinh tế. Dòng suối Mo Phí và đồi núi ở A Pa Chải rất thuận lợi để làm mô hình trang trại. Ông chặn dòng để lấy điện về thắp sáng cho bản. Đào ao nuôi cá, mua bò thả lên rừng. Hết trang trại lại chuyển sang khai hoang ruộng nước. Có lẽ chẳng mấy người ở biên giới cao chót vót lại có trong tay hơn 2 ha ruộng nước như Sừng Sừng Khai. Ông trở thành người giàu nhất A Pa Chải.
Bản A Pa Chải yên bình nhờ những con người thủ lĩnh như Sừng Sừng Khai
4 đứa con, ngoại trừ đứa lớn đã lập gia đình, còn lại 3 đứa đều đang đi học để làm người nhà nước. Hai đứa con trai theo ngành quân đội dưới Hà Nội, đứa con gái út đang đi học y ở Điện Biên.
Tiền bạc không còn phải lo nghĩ. Khi cái ăn cái mặc của gia đình mình dư dật ông dắt bò đi cho dân bản vay, bắt đầu từ những gia đình khó khăn nhất. Bò cho vay toàn là bò cái, có nhiều con sắp đẻ ông cũng cho vay, đến lúc đẻ xong chỉ việc đem bò mẹ đến trả cho ông là được.
Ông anh rể Pờ Dần Sinh, hiện cũng đang làm Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Sín Thầu là một ví dụ. Thời lấy chị gái Sừng Sừng Khai cả hai anh em đều đang tay trắng. Ông Khai giàu trước nên cho ông anh rể “vay” bò. Độ 2-3 năm sau ông Sinh cũng nằm trong nhóm những người nhiều bò ở A Pa Chải. Hay như trưởng bản Tư, cai nghiện xong chẳng có gì, được Sừng Sừng Khai cho vay bò, đến nay kinh tế gia đình cũng rất khá giả.
Sừng Sừng Khai luôn nghĩ rằng phải làm một điều gì lớn hơn nữa, khó khăn hơn nữa để trả ơn Đảng và Nhà nước đã mở đường chỉ lối, thay đổi cuộc đời ông và dân tộc Hà Nhì ở ngã ba biên giới này. Dịp ấy đến, tháng 4 năm 2009, khi thành lập xã mới Leng Su Sìn, ông được điều động về làm Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã. Một thử thách đòi hỏi Sừng Sừng Khai chứng minh phẩm chất thủ lĩnh của mình. Xã mới thành lập nên đầy rẫy khó khăn, gian khổ. Đó cũng là thời điểm mà đạo Vàng Chứ bắt đầu hoành hành, len lỏi vào tận các bản làng để tuyên truyền thành lập Vương quốc Mông.
Sừng Sừng Khai hội tụ đủ các yếu tố của một thủ lĩnh vùng biên. Sức khỏe vô địch và uống rượu cũng rất giỏi. Ở tuối ngoài 50 nhưng nếu vui có thể uống 1-2 lít rượu cũng chẳng say. Sừng Sừng Khai không biết đi xe máy dù nhà ông mua đến 3 chiếc xe đời mới để vợ con đi lại. “Ngày xưa toàn đi bộ nên quen, dạo mới có đường cũng tập nhưng bị ngã một lần nên khiếp luôn”. |
Lên Leng Su Sìn, lần đầu tiên tôi được chứng kiến hình ảnh một ông quan to nhất xã cùng với những cán bộ trẻ dùng một khúc gỗ to thay xe lu san mặt sân ủy ban. Ông cho dựng nhà công vụ cho cán bộ, kiểu như bán trú cho học sinh. Cứ hết giờ làm là cán bộ xã lại cùng nhau mở đường đi lại. Hầu hết những con đường mới mở ở quanh trung tâm xã đều do cán bộ và người dân rủ nhau làm.
“Ở huyện Mường Nhé, xã nào cũng khó khăn nên không thể trông chờ vào Nhà nước hết được. Cái gì mình tự làm được thì tôi huy động anh em trong xã làm, càng nhiều càng tốt”, nghe ông nói tôi thầm ước, giá cán bộ xã vùng cao nào cũng nghĩ được như thế thì tốt quá.
Xã Leng Su Sìn xưa chỉ có người Hà Nhì nhưng mấy năm nay người Mông di cư đổ bộ vào thành một bản có tên là Cà Là Pá. Ban đầu chỉ 27 hộ nhưng bây giờ đã lên đến 486 hộ. Khổ nỗi, đất bản Cà Là Pá có hạn, cố gắng lắm cũng chỉ đáp ứng được đất ở, đất làm nương rẫy cho khoảng 80 hộ. Người Mông di cư đến Leng Su Sìn là vì đạo Vàng Chứ tuyên truyền rằng mảnh đất này có hòn đá, nếu sờ được vào đó có thể bay như chim. Cứ 2-3 ngày Sừng Sừng Khai lại lên Cà Là Pá một lần nắm tình hình. Ông mang câu chuyện cuộc đời mình đi kể cho người Mông nghe. Không ít người nghe xong đã quay về quê cũ.
“Bản chất đồng bào dân tộc ở biên giới đều tốt cả. Nhưng vì nghe kẻ xấu xúi giục nên mới đòi thành lập vương quốc Mông, mới bỏ hết nhà cửa mà đi. Mình phải làm sao cho họ hiểu mà quay về chứ không thể bắt ép người ta được. Nhiều người dân Hà Nhì từng lầm lỗi, bây giờ nhiều người Mông lầm lỗi. Dù khó khăn nhưng cùng nhau cố gắng thì sẽ vượt qua hết”, Sừng Sừng Khai tâm sự.