| Hotline: 0983.970.780

Ở lại đỉnh trời Tả Ló San

Thứ Ba 11/12/2012 , 09:44 (GMT+7)

Ở cực Tây Tổ quốc chẳng có nơi nào xa trung tâm bằng bản Tả Ló San (xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên). Người Hà Nhì gọi đó là đỉnh trời, cuộc sống ở Tả Ló San vì thế mà cũng có nhiều chuyện kỳ lạ như trên trời vậy.

Ở cực Tây Tổ quốc chẳng có nơi nào xa trung tâm bằng bản Tả Ló San (xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên). Người Hà Nhì gọi đó là đỉnh trời, cuộc sống ở Tả Ló San vì thế mà cũng có nhiều chuyện kỳ lạ như trên trời vậy.

>> Mộ đá bên dòng Păng Pơi

14 năm chỉ tăng được 3 hộ

Cách đây 14 năm, khi chưa cắm mốc phân định ranh giới Việt – Trung như bây giờ thì việc xâm lấn của người dân huyện Giang Thành (Trung Quốc) sang các bản biên giới xảy ra như cơm bữa. Khi ấy cũng chưa có xã Sen Thượng hiện nay. Tả Ló San, theo tiếng Hà Nhì là vùng đất hình quả trám nhô lên, cao và xa nhất ở cực Tây Tổ quốc, cách trung tâm xã Sín Thầu hơn 60 cây số đường rừng. Gọi là bản nhưng thời điểm ấy vùng đất này chỉ có một số hộ dân người Hà Nhì sinh sống lang thang trên những quả đồi biên giới nhưng sau đó được bộ đội biên phòng đưa về Tả Khố Cừ lập bản.

Bản Tả Ló San ra đời từ quá trình vận động những hộ dân Hà Nhì ở các xã Sín Thầu, Sen Thượng, Mù Cả (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) xung phong lên lập nghiệp, giữ đất biên cương. Tổng cộng có 13 hộ dân. Đến năm 2009, khi xã Sen Thượng tách ra từ Sín Thầu thì Tả Ló San vẫn giữ vị trí độc tôn về khó khăn, cách trở. 14 năm trôi qua nhưng bây giờ Tả Ló San chỉ phát triển thêm được có 3 hộ, tức là chừng ấy thời gian, cả bản chỉ có 3 đám cưới mà thôi. Trưởng bản Lỳ Khò Chừ dẫn tôi sang gặp thiếu tá Nguyễn Tiến Lực, Tổ trưởng tổ công tác của đồn biên phòng Sen Thượng, để “nói chuyện cho dễ chứ ta không quen nói tiếng phổ thông”.

Thiếu tá Lực quê Gia Viễn (Ninh Bình), làm lính vùng biên mấy chục năm đã đủ để ông đúc kết rằng: "Hiếm có vùng đất nào khó khăn hơn Tả Ló San. Bản như một chóp nón, tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, mùa đông thì rét tận xương tủy, ruộng nương cũng có đấy, nhưng làm chẳng mấy khi được ăn. 16 hộ dân, hơn 80 khẩu, mỗi năm thiếu ăn từ 6-9 tháng. Thành thử dân bản sống chủ yếu dựa vào gạo trợ cấp biên giới và tiền trợ cấp dầu hỏa cũng do Nhà nước hỗ trợ”.


Bà Toán Che Sò

Khó, khổ là thế, nhưng điều kỳ lạ mà khi chưa lên Tả Ló San tôi chẳng thể ngờ là những người dân ở đây tuyệt đối chẳng kêu ca lấy một lời nào cả. Thiếu tá Lực kể, dạo mới lên đúng dịp mùa đông, mưa rét, không trồng được cây gì, nuôi con gì cũng chết nên nửa đêm dân sang đòi bộ đội biên phòng cho về quê cũ. Sau khi nghe bộ đội phân tích nhiệm vụ gìn giữ biên cương nên ai nấy đều đồng ý ở lại. Từ bấy đến nay, nhiều năm còn khổ hơn nữa nhưng càng khổ thì dân bản càng quyết tâm bám Tả Ló San. Chỉ có dạo vừa rồi, ông Lỳ Phì Cà, công tác mấy năm ngoài xã sau đó được đề bạt lên làm Chủ tịch UBND xã Sen Thượng nên mới phải chuyển gia đình ra ngoài trung tâm.

Dân ít nên đi chỉ một buổi chiều là đi hết tất cả các gia đình trong bản. Gia đình bà Toán Che Sò (64 tuổi) có năm người. Bà, vợ chồng anh con trai và hai đứa cháu. Chồng bà mất ít lâu sau khi gia đình lên đây sinh sống. Cái đói, cái khổ tưởng chừng như quay quắt lắm, vậy mà bà Sò lại kể bằng giọng hồn nhiên, có khi còn hồ hởi. 5 con người sống dựa vào khoảng 100 m2 đất nương, chăn nuôi lặt vặt mấy con gà. Nếu chim chóc không phá hoại thì mỗi năm nương cũng thu hoạch tầm 5 bao lúa, mỗi bao 6-7 kg. Nếu rón rén ăn thì độ 20 ngày là hết. Khổ thì rõ rồi, nhưng bà Sò vẫn một mực tự hào khi được làm công dân của Tả Ló San. Tết cổ truyền của người Hà Nhì năm nay cả bản hầu như chẳng mấy nhà mổ lợn do vừa rồi có trận dịch, lợn chết hết rồi. Vậy mà không khí Tết vẫn cứ tưng bừng, dân bản vẫn múa xòe, dù mâm cỗ chỉ có rượu và một ít thịt bò do ông Lỳ Phu Cà, một thương binh làm kinh tế khá nhất bản ra trung tâm mua về.

Lớp học lạ kỳ

Nằm chót vót trên núi, lớp học ở điểm cắm bản Tả Ló San của cô giáo Bùi Thị Sen có lẽ là lớp học kỳ lạ nhất trên đất nước này.


Lớp học cô Sen

Trong căn phòng học tuềnh toàng, 6 học sinh gồm ba em lớp 1 ba em lớp 2 ngồi quay lưng với nhau nhìn lên hai chiếc bảng đặt đầu và cuối lớp. Lớp một có Lỳ Khóa Hoa, Lỳ Gia Sừng, Khoàng Xuân Ly, lớp hai có Khoàng Xó Pứ, Lỳ Hồng Sơn và Pờ Xuân Ly. 6 mầm non, tương lai của cả bản nhưng đứa nào đứa nấy còi dí còi dị, quần áo lếch thếch, thậm chí có đứa chỉ có quần đùi. 6 đứa đi học thì 5 đứa quên mang theo bút vở, chỉ nhớ mang dao với cuốc để học xong còn giúp bố mẹ làm vườn. Thỉnh thoảng chúng mới nói tiếng phổ thông, bập bẹ được vài chữ “chào cô giáo” rồi lại nói chuyện với nhau bằng tiếng Hà Nhì. Giờ học cũng rất kỳ lạ. Thằng Pờ Xuân Ly học lớp 2  nhưng không biết chép mấy câu cô giáo Sen ghi trên bảng. Chữ hàng trên chữ hàng dưới ngoằn ngoèo như con dốc lên nương mà Ly thường leo vậy. Học lớp 2 mà cô hỏi 8 trừ 5 bằng mấy, nó cứ nghệt người, lấy que tính đếm đi đếm lại sau đó lắc đầu “mà sì kịa” (em không biết). Cô giáo Sen hỏi thêm một lần nữa, bị ép nên Ly lí nhí trả lời bằng…2.

Cứ chiều chiều cô giáo Sen lại xách chiếc máy điện thoại chạy lên đỉnh núi Tả Ló San để tìm “sóng lạc”. Lắm bữa có việc cần, leo núi bở hơi tai nhưng ngồi đến tối mịt mà chẳng có tí sóng nào lạc qua cho cô giáo dò cả. Trưởng bản Chừ phải đốt đuốc lên dẫn về.

Thầy giáo Trần Quyết Chiến, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Sen Thượng, thống kê: Xã Sen Thượng có 6 bản, 6 điểm trường thì chỗ nào cũng khó khăn, cũng tranh, tre, nứa, lá. Học sinh ít, bao nhiêu năm vẫn không có nổi trường cấp 2. Học sinh tiểu học cứ học xong rồi lên các lớp nhô. Cả xã bây giờ mới chỉ có 2 lớp nhô là lớp 6 và lớp 7. Có lẽ 3-4 năm nữa Sen Thượng mới có trường cấp 2 cho các em.

Cô giáo Sen quê ở huyện Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình), 26 tuổi, chưa chồng, đã gần 3 năm dạy học ở đỉnh trời này. Trước khi lên Tả Ló San, nghe thầy Trần Quyết Chiến, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Sen Thượng, kể về Sen tôi vẫn ngờ ngợ không tin. Chả lẽ ở nơi khắc nghiệt mà các thầy giáo còn thấy vất vả tột cùng thì lẽ nào một cô giáo trẻ như Sen lại dám lên? Vậy mà lên rồi mới thấy những điều thầy Chiến kể là đúng hết.

Cô Sen ở một mình trong căn nhà được lợp bằng bạt, vách nứa, không điện, không sóng điện thoại, nước sinh hoạt chỉ có vài xô. Làm bạn với cô là một chú sóc rừng dân bản cho nhưng nó vừa bị chết, cô làm mộ, khóc lóc mấy ngày trời. Mỗi ngày dạy hai buổi cho 6 học sinh, xong thì cuốc vườn, cuốc hết đất vườn thì đi tìm người biết tiếng phổ thông nói chuyện. Bao nhiêu câu tôi định hỏi nhưng cứ sợ cô giáo khóc, mà cô khóc thật.

“Có lẽ em ế chồng mất anh à. Học xong được người quen giới thiệu nên lên trên này dạy, gia đình ai cũng can ngăn cả. Lên đây em mới biết đất nước mình có dân tộc Hà Nhì. Mới đầu đêm nào cũng khóc vì sợ, vì không biết tiếng dân bản”, Sen vừa rơm rướm nước mắt vừa nói buồn như thế. Thế em định ở luôn trên này à? Sen ngó xa xăm rồi thủng thẳng: "Em cũng không biết nữa. Nghề giáo viên cắm bản đâu có được lựa chọn. Em ở đây cũng quen rồi, nhiều lúc muốn về nhưng nghĩ thương các em quá. Chỉ với chừng này học sinh, nhiều lần nhà trường định xóa điểm bản, nếu thế thì có lẽ chẳng ai ở Tả Ló San được đi học nữa cả”.


Trẻ con ở Tả Ló San vừa đến trường vừa chuẩn bị lên nương

Hôm tôi lên lớp học cô Sen, trời bắt đầu lạnh, cô giáo Sen chuẩn bị đấy đủ củi đốt lửa cho đám trẻ đến trường trong mùa đông khắc nghiệt. Cô bảo, ở Tả Ló San mỗi đứa trẻ chỉ có một bộ quần áo. Mùa đông cũng như mùa hè.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bưu điện Việt Nam sẵn sàng 18.000 tỷ đồng chi trả lương hưu tháng 5

Bưu điện Việt Nam chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) tháng 5/2024 cho hơn 3,3 triệu người sau kỳ nghỉ lễ 30/4.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm