| Hotline: 0983.970.780

Mối lương duyên với đất cọ

Thứ Năm 05/09/2013 , 10:16 (GMT+7)

Mấy năm sau khi xây nhà mái bằng đang là mốt mới ở quê, có người đến gạ mua sập nhà bà Gia, lần này họ không đổi trâu mà đổi hẳn một ngôi nhà ba tầng. Thế nhưng bà Gia vẫn một mực lắc đầu.

Mẹ chồng rồi bố chồng bà Gia (khu 2 xã An Đạo, Phù Ninh, Phú Thọ) lần lượt khuất núi, đàn con bảy đứa, sáu trai, một gái của bà cứ ăn sắn duôi (củ sắn bào nhỏ), ngô bung cũng lần lần khôn lớn.

>> Chuyện về ba chiếc sập đế vương

Mấy năm sau khi xây nhà mái bằng đang là mốt mới ở quê, có người đến gạ mua sập nhà bà Gia, lần này họ không đổi trâu mà đổi hẳn một ngôi nhà ba tầng.

Cả xã An Đạo hồi đó chưa có một cái nhà tầng nào chứ chưa nói đến ba tầng nhưng bà Gia cũng nhất định lắc đầu. Tôi đi xung quanh ngôi nhà lợp lá cọ, đặc chất nghèo miền trung du của bà, ngôi nhà chẳng có cái gì đáng giá ngoài mấy vật gia bảo từ hơn nửa thế kỷ trước truyền lại.

Cái sập nó mới ngạo nghễ, uy nghi làm sao. Từ sợi lông của con dơi đến cái cánh như vỗ căng phồng. Chạm cánh mà như thấy cả gió ở dưới cánh, chạm mắt mà như đang thấy chúng mấp máy. Tao nhã và giản dị nhưng có lẽ để đục chạm được đến cỡ đó phải có tay nghề vào hàng tuyệt kỹ.

Nhiều tốp thợ mộc nghe danh cái sập đã tìm đến nhà bà Gia, nào thợ Bích Chu thợ Bồ Sao ở Vĩnh Phúc, thợ Việt Trì. Đèn máy ảnh chớp loang láng, họ chụp không biết bao nhiêu kiểu ảnh đủ góc độ, đủ tư thế, cái gần, cái xa nhưng về cũng đành bó tay không thể đục chạm cho có “thần” như cái sập nguyên gốc được.

“Anh em” với cái sập của bà Gia là sập nhà bà Cao Thị Nghị vợ của ông Lương Kim Quế ở khu 1 xã An Đạo. Bà Nghị năm nay 83 tuổi vẫn còn nhớ như in cái buổi nhà bà được chia cái sập gụ.

Cái sập to, nặng mà cái cửa ngôi nhà tranh của bà lại nhỏ. Đám người khiêng gần chục trai đinh mặt đỏ gay như gà chọi, mồ hôi mồ kê túa đầm lưng áo mà loay hoay mãi vẫn không thể đưa vào, cuối cùng họ đành tháo cả mấy tấm phên trước cửa nhà mới lọt.

Nhà bà Nghị khi đó thuộc loại nghèo nhất nhì làng, ngay đến cái cối giã gạo cũng không có nên toàn phải muối mặt đi giã nhờ hàng xóm. Bà mẹ chồng thấy ông con khiêng cái sập về thì mặt nặng mày nhẹ rằng: “Cái cối đá không xin mày lại xin cái của nợ này làm gì cho chật nhà?”.


Cái sập của bà Nghị

Người con chỉ tủm tỉm cười. Cải cách rồi lại sửa sai, về sau những nhà địa chủ bị quy oan được bồi hoàn một phần tài sản bằng cách thu lại của những người được chia. Nhà bà Nghị muốn giữ lại cái sập phải trả cho xã 2,5 tạ thóc.

Biết được tin này bà mẹ chồng cứ rên rẩm như phải bỏng với con dâu: “Đào đâu ra lúa bây giờ hả con? Hay cứ trả quách cái sập đi cho rảnh nợ”. Mấy người con tiếc cái sập, đôn đáo đi vay mượn khắp họ hàng làng xóm, vét được 2,5 tạ thóc trả nợ để rồi chấp nhận mấy năm ròng mỏi răng, nóng bụng vì toàn ních sắn, nhá khoai.

Chồng bà Nghị quý cái sập lắm! Lâu lâu, thấy sập bẩn ông lại ra vườn bẻ một ôm cả lá và quả bồ kết đem về thả vào cái nồi mà đun. Lấy nước bồ kết ấy lau sập rồi dùng lá chuối khô làm nùi đánh cứ gọi là bóng lừ đi, đen nhóng nhánh như tóc người đàn bà thủa đôi tám.

Chỉ dịp gia đình có giỗ tết những mọ (ông), những bá (bác) đức cao vọng trọng trong họ hàng mới được ngồi trên, trẻ con cấm được léng phéng. Cái sập rộng mười người ngồi vừa vặn. Hễ ông Nghị đi vắng, đám 5 đứa con trai của ông bà lại nghĩ ra lắm trò trên cái sập gia bảo. Giữa nền nhà bằng đất lồi lõm, mấp mô, cái sập trở thành một sân chơi hảo hạng với đủ trò từ vật nhau đến đánh bi, đánh quay…

Thời khó khăn, đói vàng mắt, đói thắt ruột, đói dính cả da bụng vào lưng, của nả lần lượt được quy ra sắn mốc, ngô meo nhưng cái sập vẫn ở lại với nhà bà Nghị. Cái sập cũng là nguồn cơn của những vụ mất tích đồ cổ trong nhà. Số là giới săn tìm đồ cổ kéo đến nhiều quá, họ đòi chụp ảnh, đòi sờ vào từng con dơi trên cái dạ cá, đòi ngồi thử lên cả mặt sập.

Khách tíu tít vào ra, ông bà Nghị mải mê giới thiệu cái sập mà không để ý khiến những thứ quý khác như con voi đá cổ, cái nậm rượu cổ bày trong tủ chè lần lượt biến mất.

Đó là kiểu lấy trộm cho bõ tức của những người không mua được sập. Bà Nghị chép miệng bảo: “Nếu cái sập mà bỏ được vào trong túi áo có lẽ giờ này nó cũng không còn ở đây nữa đâu”. Mới đây, ông Nghị thành người thiên cổ, bà Nghị đi ở với con cháu cho khuây khỏa tuổi già, nếp nhà xưa suốt ngày cửa đóng then cài chỉ những lần giỗ chạp người ta mới thấy bóng người qua lại.

Chiếc sập cuối cùng thuộc về ông Lương Văn Nhạc ở khu 1 xã An Đạo. Ông Nhạc năm nay 76 tuổi nhớ lại ngày bố mình là ông Lương Văn Tác-y tế xã được chia một cái sập dạng khuôn lùa, không khung, chân quỳ, dạ cá, bốn mặt đục chỗ hoa sen, chỗ hoa lựu, chỗ lại quả bí.

Cái sập tám người khiêng mới nổi, mặt bốn người và chân bốn người. Cái sập được bảo tồn khá nguyên vẹn, riêng bốn “quả găng” tức miếng đệm gỗ lót giữa chân sập và nền nhà có chạm khắc hình múi như quả găng năm 1957 bà mẹ kế ông Nhạc đã xuôi lòng bán cho một người trong làng với giá 1.000 đồng bạc.

Năm 1958, bà mẹ kế lại đồng ý bán cả cái sập cho ông bác họ mà không hỏi ý kiến con cái. Khi thấy đám người lố nhố hì hụi tháo cái sập ra, định khiêng đi, ông Nhạc khi đó mới mười mấy tuổi, hốt hoảng tụt từ trên ngọn cây trám sau vườn, vứt vội nắm quả, chạy lại một mực ôm lấy cái sập không rời ra.Thuyết phục không được, ông bác họ cũng đành phải chịu ý đứa cháu.

Hồi xe mô - kích là niềm tự hào của những người đi xuất khẩu lao động bên Đức về, thằng Thu cháu ông Nhạc đem đến nhà ông một chiếc xe mới cáu, trị giá tới mấy cây vàng gạ đổi lấy cái sập. Ông Nhạc hết nhìn cái xe rồi lại nhìn thằng cháu nửa đùa nửa thật: “Tao ngồi lên cái sập, vợ con mày khiêng được thì cứ mang về”.


Ông bà Nhạc cùng các cháu trên cái sập gia bảo

Thằng cháu tiu ngỉu về mất. Cái sập là nơi các cụ ngồi uống chè xanh, chè mạn hay đánh tổ tôm nhưng lắm buổi hộc tốc phơi sắn chạy mưa ở triền đồi, phơi lúa chạy mưa ở sân, về nhà, ngó nền đất chỗ nào cũng lội nên sập gụ lại đóng vai trò là cái kho chứa tạm thời.

Tâm sự với tôi, ông trải lòng: “Đời tôi dù đói khổ thế nào cũng không có chuyện bán cái sập, còn sau này tôi chết đi, đến đời con cháu tùy chúng định đoạt”. (Hết)

Nguyễn Văn Bích ở khu 1 xã Kim Đức (Việt Trì, Phú Thọ) vẫn còn lưu giữ đôi câu đối khảm trai của ông Ký Tiệp. “Tứ thời xuân tại thủ. Ngũ phúc thọ vi tiên”. Ngoài cặp câu đối này, trước bố của ông Bích còn có đôi hoành phi lòng máng nhưng sau đó đã phá ra làm hai cái… ghế tựa.

 

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất