| Hotline: 0983.970.780

Mối đe dọa luôn rình rập

Thứ Sáu 13/09/2013 , 09:50 (GMT+7)

Dư luận đã được chứng kiến những hình ảnh, video và họ cảm nhận rõ ràng hơn về độ tàn khốc của vũ khí hóa học và tại sao phải ngăn chặn việc sử dụng chúng.

Đã hơn 3 tuần kể từ vụ tấn công được cho là sử dụng vũ khí hóa học gây hậu quả kinh hoàng, làm hàng ngàn người thiệt mạng ở ngoại ô thủ đô Damacus, Syria; dư luận đã được chứng kiến những hình ảnh, video và họ cảm nhận rõ ràng hơn về độ tàn khốc của vũ khí hóa học và tại sao phải ngăn chặn việc sử dụng chúng.

>> Di chứng nặng nề
>> Thần chết lặng lẽ trên chiến trường

Quá khứ đau thương

Sự phản đối việc sử dụng vũ khí hóa học trong giai đoạn hiện nay một phần lớn bị ảnh hưởng từ những gì chúng đã gây ra trong Thế chiến I. Khi đó, chất độc được coi như một phương pháp nguy hiểm nhất để giết người hàng loạt. Việc sản xuất và sử dụng vũ khí hóa học rộng rãi trên chiến trường châu Âu giữa quân Đồng Minh và phát xít Đức đã gây tạo ra những tranh cãi lớn về đạo đức trong chiến tranh.

Thomas Nash, một chuyên gia về vũ khí làm việc tại London (Anh) nói, mặc dù có nhiều loại vũ khí bị cấm sử dụng như bom chùm, bom napal, vũ khí nổ trong khu đông dân nhưng vũ khí hóa học là một loại đặc biệt, vô cùng ghê tởm nếu đem ra sử dụng.


Cậu bé Abdullah Ahmed 10 tuổi bị bỏng trong một cuộc không kích của chính phủ Syria đứng bên ngoài trại dành cho người dân sơ tán ở làng Atmeh, Syria

Theo ông, chất độc hóa học được đánh giá nguy hiểm, vô nhân đạo hơn các vũ khí còn lại vì chúng gần như vô hình, giết người không để lại nhiều dấu vết, hơn nữa chúng có thể gây ra những cái chết vô cùng đau đớn hay hậu quả đến nhiều thế hệ sau của người trúng độc.

Nhưng cảnh tượng kinh hoàng trong các cuộc chiến hóa học tay đôi giữa Đồng Minh và phát xít trong Thế chiến I đã cho thế giới một bài học sâu sắc và khiến các lãnh đạo phải đồng ý với nhau "sẽ không bao giờ dùng nữa".

Tuy nhiên, cam kết và thực hiện dường như vẫn khó đồng nhất với nhau, nhất là với các cường quốc quân sự. Sau Thế chiến I, nước Anh sử dụng vũ khí hóa học chống lại các bộ lạc ở Iraq và Afghanistan; Nhật Bản dùng khí độc trong cuộc chiến với Trung Quốc những năm 1930, Mussolini sử dụng chúng ở Ethiopia trong Thế chiến II và Ai Cập dùng tấn công Yemen những năm 1960.

Vụ tấn công đáng sợ ở Iraq

So với những vụ được nêu lên phía trên, không gì so sánh được sự thảm khốc với vụ sử dụng khí độc của Tổng thống Saddam Hussein đối với người Kurd ở thị trấn Halabja, miền Bắc Iraq năm 1988.

Sau khi có lệnh tấn công, toàn thị trấn bị một lớp khí độc bao phủ, số lượng được sử dụng nhiều đến nỗi làm ướt cả nền đất. Gần như ngay lập tức, 5.000 người dân địa phương thiệt mạng.

Một nhân chứng còn sống đến ngày nay là Kamaran Haider, khi đó mới 11 tuổi, nói ông và gia đình cùng một số hàng xóm đã chạy đến nơi ẩn nấp khi bắt đầu bị tấn công hóa học. Sau những tiếng nổ ban đầu, một lớp khí dày đặc xuất hiện mang theo những mùi lạ. “Khi tôi và đặc biệt là cha mẹ tôi khi ngửi thấy mùi tỏi, chúng tôi đã nhận ra mình đang nằm trong một vụ tấn công hóa học”, Haider kể lại.

Sau đó là những tiếng la hét, rên xiết thê thảm vang lên khắp nơi. Với những loại vũ khí thông thường, bạn có thể tìm cho mình nơi ẩn nấp, tránh được sức ép, mảnh vỡ từ các vụ nổ và đảm bảo tính mạng. Nhưng với chất độc hóa học, chúng hòa trộn vào không khí, len lỏi đến từng ngóc ngách và giết chết các nạn nhân với những triệu chứng vô cùng đau đớn.

Khi đó, mẹ của Haider đã kịp chạy vào bếp, lấy khăn mặt và một xô nước bà dặn những thành viên trong gia đình nhúng ướt rồi phủ khăn lên mặt, một phần để lọc khí độc và một phần để chúng không thể tiếp xúc với các bộ phận nhạy cảm như mắt, sẽ gây bỏng và mù.

Thế nhưng, ngày hôm đó chỉ có Haider và một người nữa còn sống trong tổng số 35 người có mặt trong hầm trú ẩn. Cha mẹ Haider đã thiệt mạng khi cố đi tìm một người anh của ông còn sót lại bên ngoài và nhiễm khí độc, không thể cứu chữa. Trong số những người còn lại trong hầm, Haider may mắn sống sót nhưng 2 mắt bị mù và bỏng toàn thân.

Mối đe dọa từ kho vũ khí hóa học của Syria

Hiện nay, cộng đồng quốc tế không muốn xảy ra một Halabja nữa và nguy cơ lớn nhất hiện nay nằm ở Syria với kho vũ khí hóa học khổng lồ, đang chìm trong cuộc nội kiến kéo dài đã hơn 2 năm. Nếu như cuộc tấn công ngày 21/8 vừa qua thực sự là do quân chính phủ Assad thực hiện bằng vũ khí hóa học thì thực sự nó sẽ tạo nên một kịch bản kinh hoàng hơn cả Iraq năm 1988.

Col Hamish de Bretton-Gordon, cựu thanh tra vũ khí hóa học nói: “Tôi đang lo sợ vụ việc này sẽ là mầm mống cho chiến tranh hóa học trong tương lai. Nếu đúng những nạn nhân ở Damacus chết vì vũ khí hóa học, theo tôi vụ tấn công đó cần đến 100 - 200 lít khí độc sarin – gây tê liệt hệ thần kinh đã được sử dụng”.

Ông cũng nói có căn cứ để đoán rằng ông Assad còn khoảng 400 – 1.000 tấn khí độc sarin trong kho vũ khí của mình. Từng đó chất độc có thể giết chết hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn người. Vì vậy bằng mọi cách phải ngăn chặn được việc sử dụng chúng trong tương lai bằng mọi giá.

Sau Hội nghị thượng đỉnh G-20, Nga đưa ra đề xuất giải quyết vấn đề không cần đến can thiệp quân sự với điều kiện Syria đưa kho vũ khí hóa học của mình cho cộng đồng quốc tế kiểm soát. Mặc dù Chính phủ Syria đã chấp nhận đề nghị này nhưng Mỹ và những quốc gia ủng hộ đánh Syria vẫn nghi ngờ về quyết định đó.

Ngoại trưởng Anh William Hague cảnh báo: "Làm sao chúng ta có thể phân biệt được đây là tiến triển tốt hay chỉ là biện pháp trì hoãn tạm thời? Chúng ta phải chắc chắn rằng, đó không phải là chiêu đánh lạc hướng". Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain cũng tỏ ra hoài nghi về bước tiến đấy bất ngờ này vì chính phủ Al-Assad vẫn luôn khẳng định không nắm giữ vũ khí hóa học.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố có thể dừng kế hoạch tấn công trừng phạt Syria nếu chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad từ bỏ vũ khí hóa học và đặt chúng dưới sự kiểm soát của quốc tế. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng cũng khẳng định sẽ không từ bỏ ý định tấn công Syria nếu như phương án ngoại giao thất bại.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nhiều diện tích lúa sắp thu hoạch ở Quảng Bình bị đổ rạp do mưa lớn

Hàng trăm ha lúa vụ đông-xuân đang kỳ thu hoạch tại Quảng Bình bị đổ rạp do mưa lớn…