| Hotline: 0983.970.780

Mủ cao su chừ là nước mắt!

Thứ Năm 17/10/2013 , 09:17 (GMT+7)

Chỉ sau một ngày đêm bão số 11 quăng quật, hàng trăm ha cao su của người dân huyện miền núi Nam Đông (TT-Huế) bị gãy đổ hàng loạt.

Chỉ sau một ngày đêm bão số 11 quăng quật, hàng trăm ha cao su của người dân huyện miền núi Nam Đông (TT-Huế) bị gãy đổ hàng loạt.

Mủ giờ là nước mắt

Cái không khí bình yên mỗi buổi sáng sớm bà con xách thùng đi lấy mủ cao su giờ đã không còn nữa mà là tiếng động cơ gầm rú, tiếng chặt cây răng rắc dọn dẹp vườn tược sau khi bão càn quét qua huyện miền núi này. Vào nhà nhiều hộ dân ở Nam Đông, chỉ thấy nét mắt thâm quầng, đỏ hoe khi nhắc đến chuyện cây cao su bị gãy đổ. Anh Trần Hữu Quang (thôn 10, xã Dương Hòa) mấy ngày nay cứ lẩn thẩn vào ra như người mất hồn. Nhắc đến vườn tược, anh buồn buồn kể: “Đêm bão tràn vào, nhà thì chằng chống được chứ cao su thì chỉ có… tùy trời thôi. Sáng ra nhìn vườn cao su 1 ha bị gãy sạch, vào gọi vợ, ra vườn bà ấy ngã quỵ. Thế là hết sạch rồi, công lao bao nhiêu năm đổ mồ hôi sôi nước mắt”. Với 1 ha cao su, đến mùa cạo mủ, gia đình anh cũng kiếm mấy triệu đồng/tháng, đủ chi phí gia đình, nuôi con ăn học. Trong mấy năm trồng cao su, anh Quang đã đầu tư hàng trăm triệu đồng cho chăm bón, phân thuốc, tiền nợ ngân hàng vẫn còn, thế mà chỉ một đêm thành trắng tay.




Cây kinh tế chủ lực của Nam Đông giờ thành… củi

Ra vườn cao su, bà Nguyễn Thị Thu (thôn 10, xã Dương Hòa), cứ ôm ghì gốc cây mà khóc. Hơn 3 ha cao su tiểu điền của gia đình bà Thu đã tan tác sau một đêm bão vào. Những thân cây lớn nhỏ nằm đổ ngổn ngang, nhựa trắng ứa đầy như nước mắt! Cái màu xanh tươi của những lô cao su thẳng tắp giờ trở thành màu gỗ nứt toang hoác giữa núi rừng. Ngồi thẫn thờ, đôi mắt đỏ hoe, bà Thu buồn nói: “Chú cứ tính đi, 3 ha cao su, từ khi trồng, đến khi cho mủ mỗi năm đổ cả mấy chục triệu tiền thuốc, phân, công cán. Tài sản không còn, nhưng cái khổ nhất là nguồn thu của gia đình mấy miệng ăn, tất cả chỉ trông vào đấy, giờ thì trông mong chi nữa. Gãy sạch rồi!”.

Cùng rơi vào hoàn cảnh như bà Thu là hàng trăm hộ dân ở huyện miền núi Nam Đông. Trong đó, có nhiều hộ là đồng bào dân tộc, cây cao su được xem như cây chủ lực phát triển kinh tế. Theo thống kê, toàn huyện Nam Đông có 200 ha cao su bị gãy đổ, hư hại, tập trung ở các xã Hương Hòa, Hương Phú, Hương Giang, Hương Sơn… Trong đó Hương Hòa là vùng bị nặng nhất với trên 50 ha. 

Ngoài cao su bị thiệt hại, tại huyện Nam Đông, trận bão số 11 cũng làm gần 400 ha rừng keo kinh tế, 100 ha chuối, hoa màu và 70 nhà dân bị tốc mái, gãy đổ và hư hại với tổng thiệt hại hơn 27 tỷ đồng.

 

Cần có chính sách giãn nợ

Hộ anh Hồ Xuân Phú ở xã Dương Hòa có 3 ha cao su bị gãy đổ, tính đến thời điểm cho mủ, cây trồng cũng đã trên chục năm. Để có nguồn vốn đầu tư cho cây cao su trong bao nhiêu năm, anh nợ ngân hàng ngót nghét 50 triệu đồng, nay trắng tay vì bão, khả năng trả nợ của gia đình anh giờ là không thể. Anh Phú cũng như hàng trăm hộ dân khác ở Nam Đông đều vay vốn ngân hàng để phát triển cây cao su, dư nợ mỗi hộ từ 30 - 50 triệu đồng. Các trận bão năm 2006 - 2009 đã làm hàng nghìn ha cao su ở huyện Nam Đông bị gãy đổ, vườn cao su tái tạo hay trồng mới sau vài năm chưa khai thác kịp cũng bị quật ngã, giờ thêm trận bão mới đã đẩy hàng nghìn hộ dân vào hoàn cảnh khó khăn.

Ông Phạm Tấn Son - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nam Đông cho biết: “Tính tổng thiệt hại trong bão số 11 vừa qua trên toàn huyện là hơn 27 tỷ đồng, trong đó riêng cây cao su là 20 tỷ đồng. Hiện tại, bà con đang gặp rất nhiều khó khăn do để tái thiết 1 ha cao su phải mất bình quân hàng chục triệu đồng, trong khi nhiều hộ dân gần như đã trắng tay sau bão”. Về vấn đề quy hoạch cây cao su, ông Son cho biết thêm, thời gian tới, phía tỉnh, huyện cần họp bàn cùng các nhà chuyên môn, khoa học về việc có nên tiếp tục đầu tư trồng cây cao su trên địa bàn huyện hay không?


Lãnh đạo tỉnh TT-Huế kiểm tra thiệt hại cây cao su


Mủ hay là nước mắt ?



Vườn cây cao su Nam Đông tan hoang sau bão

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Đủ nước cho vụ đông xuân ở Đông Nam bộ

Các tỉnh Đông Nam bộ đang sản xuất vụ đông xuân trong bối cảnh nguồn nước được dự báo đáp ứng đủ cho nhu cầu sản xuất ở các công trình thủy lợi.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 2] Nỗi lo các khu neo đậu tàu thuyền

Trong những năm qua, hệ thống cảng cá ở các tỉnh Duyên hải miền Trung dù đã được đầu tư nâng cấp, nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.