Đại lộ Thăng Long (Hà Nội) vốn là đường Láng - Hòa Lạc cũ được nâng cấp, mở rộng thành 2 đường cao tốc và 2 đường gom, có độ dài 30 km, bắt đầu từ đường Láng và kết thúc ở ngã ba Hòa Thạch, gối đầu vào đường Xuân Mai - Sơn Tây. Đại lộ có hơn một chục cầu vượt và hơn một chục cầu chui dân sinh.
Ngay từ khi còn đang được xây dựng, những gầm cầu vượt trên đại lộ đã trở thành chốn mưu sinh cho hàng chục hộ dân của các huyện Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai và Thạch Thất, với các nghề bán trà đá, trà chén, nước giải khát; xe ôm; bơm vá sửa chữa xe máy, xe đạp…
Mưa nắng mặc lòng, đông hè bất chấp, bởi gầm cầu vượt là nơi "mưa không đến mặt, nắng chẳng đến đầu". Sáng phóng xe máy ra, kéo theo sau một cái xe ba gác bánh hơi, trên xe chất đủ cho một quầy hàng: Vài cái bàn nhựa, mươi cái ghế nhựa, vài chục cái cốc chén, mấy phích nước sôi, vài ba chục chai nước ngọt đủ loại, một can rượu, mươi bao thuốc lá đủ loại và vài chục gói bánh kẹo, lạc rang, không thứ hàng nào có giá trên hai chục ngàn.
Mùa hè thì thêm thùng đá và cái máy ép, vài chục cây mía…Tất cả chỉ trên dưới triệu bạc. Bày tất cả ra vỉa hè đường gom, và thế là một ngày mưu sinh bắt đầu: Trà nóng 2 ngàn một chén, trà đá 3 ngàn một cốc, các thứ nước ngọt, thuốc lá… mỗi chai, mỗi bao được lãi vài ngàn.
Bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra TNGT
Gầm cầu vượt đôi rộng đến vài chục mét còn cầu vượt đơn cũng gần chục mét, đủ chỗ cho bốn năm quán nước như vậy. Hỏi chuyện chị Thanh, chủ một quán nước dưới gầm cầu vượt đôi Hà Đông - Hoài Đức, chị bảo:
- Nhà em ở An Khánh, trước có 6 sào ruộng, nhưng bị thu hồi không còn một thước nào cho 2 dự án Khu đô thị An Khánh và nâng cấp, mở rộng Đại lộ Thăng Long. Chỗ những biệt thự đơn lập trong khu đô thị kia kìa, trước có gần 3 sào ruộng nhà em đấy, mỗi cái biệt thự giá hơn chục tỷ, mà giờ cũng mới có rất ít người đến ở.
Bị thu hồi cách đây ngót chục năm nên chỉ được bồi thường mỗi sào vài chục triệu đồng, giá như bây giờ thì 6 sào ruộng được ngót 2 tỷ. Tiền đất được hơn trăm triệu, thêm suất đất dịch vụ, bán ngay từ lúc mới có tên trong danh sách chứ chưa biết đất ở chỗ nào, được vài trăm triệu nữa, làm cái nhà vừa hết. Vợ chồng chẳng ai có nghề gì, em đành ra đây còn chồng em trước đi phu hồ, giờ hết việc về làm xe ôm.
Hỏi thu nhập mỗi ngày được bao nhiêu từ quán nước, chị thở dài:
- Ngày nào hên thì được trăm ngàn. Còn chồng em đi xe ôm thì phập phù lắm, nhiều hôm còn lỗ cả tiền xăng. Hai vợ chồng cứ như hai cái đèn cù, xoay tít mù mà chẳng đủ cho 2 đứa con ăn học…
Hầu hết các chủ quán nước, quán giải khát dưới những gầm cầu vượt là phụ nữ, và đều có hoàn cảnh như chị Thanh, là nông dân nhưng bị mất hết hoặc mất gần hết đất canh tác cho dự án nâng cấp, mở rộng Đại lộ Thăng Long và các dự án khu đô thị, khu công nghiệp quanh vùng. Tuổi đã cao, không còn đủ điều kiện vào làm trong cấc nhà máy, xí nghiệp.
Từ khi có đường Láng - Hòa Lạc (chưa mở rộng, nâng cấp) các xã của huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất dọc hai bên đường Láng - Hòa Lạc đã trở thành vùng thâm canh rau cung cấp cho Hà Nội, Hà Đông. Mỗi ngày một vài sọt rau các loại, chất lên xe máy đèo vào thành phố, tuy không giàu nhưng cũng có thu nhập đều đều. Bây giờ thì đến mớ rau cũng phải đi mua, chỉ còn biết bám lấy đại lộ mà nhặt tiền lẻ.
Để "bám trụ" được dưới gầm những cầu vượt này, người mưu sinh phải có hai điều kiện: Thứ nhất, phải chịu nổi gió, bụi và thứ hai, phải chịu nổi tiếng ồn. Không thể dựng quán, vì chỉ cần cắm vài thanh tre, căng một cái bạt là công an đến buộc phải dỡ ngay, không dỡ là mất luôn cả bạt lẫn bàn ghế.
Và, tuy gầm cầu vượt là nơi "mưa không đến mặt, nắng chẳng đến đầu" nhưng gió và bụi thì khủng khiếp. Gió cứ lồng lộng, ào ào suốt ngày. Mùa hè, gió cuốn hơi nóng từ mặt đường nhựa phả hầm hập vào người còn mùa đông thì gió cứ như dao cứa vào da thịt. Và bụi thì… no nê.
Bụi do gió cuốn đến và do các loại xe chạy qua cuốn lên, hắt vào mặt rát rạt. Chài chãi cả nửa ngày với gió với bụi, giữa trưa chồng hay con mang ra cho suất cơm, cũng ăn trong bụi rồi lại phơi mặt cho đến tối. Về nhà, hai lỗ mũi đặc lại còn gội đầu thì chậu nước cứ ngầu ngầu lên vì bụi. Thế nên dân gầm cầu vượt mặt người nào cũng có màu nâu xạm.
Nhưng gió và bụi cũng không đáng sợ bằng tiếng ồn. Mình ngồi dưới, xe chạy bên trên. Mỗi chiếc xe, nhất là các loại đại xa chở nặng chạy qua, mặt đất dưới gầm cầu lại rung lên bần bật, tiếng động cơ xe và tiếng còi hơi như xé màng tai. Mà cầu vượt thì có mấy lúc vắng xe.
Xe trên đầu đã vậy, xe chạy trên đường còn ồn hơn, có thể nói những người mưu sinh dưới gầm cầu vượt suốt ngày đầm mình trong những thứ tiếng ồn ấy, đến nỗi tối về, đầu óc cứ ong ong u u, chồng con nói gì phải nói rất to mới nghe thấy…
Ngoài gió, bụi và tiếng ồn, những người mưu sinh dưới gầm cầu vượt còn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm khác. Thứ nhất là những "anh hùng xa lộ", lúc nào cũng có thể tạt vào quán uống rượu, ăn nhậu thỏa thuê bằng những thứ gì mà quán có rồi đứng dậy nghênh ngang đi.
Hỏi tiền ư, sẽ bị chúng trả bằng… nắm đấm ngay lập tức. Chị Nguyễn Thị Năm ở thị trấn Quốc Oai, bán nước dưới chân cầu vượt Hoàng Xá, kể:
- Có lần bốn thằng vào quán em, ăn vơi cả hàng trong quán với gần một can rượu 2 lít rồi đứng dậy đi. Em hỏi tiền, chúng nó sừng sộ: "Chồng bà nợ chúng tôi năm trăm ngàn, đòi mãi không giả nên chúng tôi ăn trừ nợ". Em bảo chồng tôi mất rồi, chẳng nợ nần gì các anh sất, ăn thì phải giả tiền.
Chúng nó quát: "Lúc còn sống chồng bà nợ. Bà còn lôi thôi gì", rồi cứ thế lên xe đi. Mấy chị em bán nước bên cạnh và mấy người lái xe tải đang ngồi uống nước không ai dám dây với chúng nó. Thành ra hôm ấy em mất đến hơn ba trăm ngàn.
Thứ hai là tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Hàng bày trên vỉa hè. Vỉa hè chỉ cao hơn mặt đường hơn chục xăng ti mét. Giữa quán hàng với mặt đường không có gì che chắn, nên bất cứ lúc nào cũng có thể có những chiếc xe mất lái hay nổ lốp, hay do người lái ngủ gật, say rượu… lao thẳng xe vào quán.
Và thực tế tai nạn đã xảy ra, đã có lần một chiếc xe tải lao thẳng vào những bàn nước dưới chân cầu vượt thị trấn Quốc Oai - Chùa Thầy, làm bàn ghế gẫy nát, hàng hóa văng tung tóe, may mà không cán phải người.
Nhưng bất chấp tất cả, vì miếng cơm manh áo, hàng trăm người vẫn phải bám trụ dưới chân những cây cầu vượt để nhặt nhạnh những đồng tiền lẻ…(còn nữa)