Núp dưới chiêu “mua trước trả sau”, nhiều đại lý vật tư nông nghiệp (VTNN) đã vô tình đưa những người nông dân nghèo không có tiền trả trước vào “bẫy” tín dụng đen với lãi suất cao. Bên cạnh đó là doanh nghiệp (DN) thu mua, thương lái, “cò”… tất cả, đè lên đôi vai người người nông dân, cùng xâu xé hạt lúa.
>> Bao năm nghịch lý vẫn còn
>> Nghèo trên cánh đồng vàng
"CÒ" XÂU XÉ LÚA
Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi về xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Tại đây, những người nông dân chúng tôi gặp đều có tâm trạng nặng nề bởi tình trạng chung là một nắng hai sương, quanh năm vất vả với ruộng đồng, nhưng thành quả họ thu được thì ít mà “cò” lúa, thương lái, đại lý VTNN hưởng thì nhiều.
Đa số người dân phải bán lúa tại ruộng với giá do thương lái hoặc “cò” định sẵn, vì không có khả năng vận chuyển, phơi sấy, bảo quản. Đây là điểm yếu mà người dân rất khó hoặc không có khả năng tránh.
Người nông dân “một nắng hai sương” nhưng thành quả lại không được hưởng bao nhiêu
Gặp anh Huỳnh Văn Vô (SN 1986), ở ấp Thới Quang, thị trấn Thới Lai, anh than: “Mấy đứa con tui đứa nào cũng chỉ học đến lớp 5, biết chữ rồi nghỉ để ở nhà làm thuê, làm mướn kiếm sống. Biết không học không thể đổi đời, nhưng bụng đói thì làm sao học vô. Nếu học thì tôi phải bán ruộng, mà bán ruộng rồi biết lấy gì sống?”.
Anh Vô cho biết, gia đình anh có canh tác 3 công ruộng, trung bình mỗi vụ thu 2,7 tấn lúa. Vì không có điều kiện bảo quản, phơi sấy nên phải bán trực tiếp ngoài ruộng với giá bèo 3.700 đồng/kg, tổng cộng được gần 10 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí, còn lãi khoảng hơn 1 nửa.
“Mỗi năm, 3 công ruộng này lời chừng 12 triệu đồng, chi phí cho cả gia đình 4 người. Ở đây ai thuê gì tôi cũng làm để kiếm thêm thu nhập lo đám tiệc, quần áo, tết nhất trong năm. Chứ làm ruộng không thì không thể trang trải được cuộc sống”, anh Vô nói.
“Lúa đang chín, nếu không bán gấp, để thêm vài ngày là lên mộng ngay. Còn đem về nhà lại không có sân phơi, kho chứa. Nên không còn dường nào khác là phải bán cho lái, năn nỉ thêm được chút nào hay chút nấy thôi. Ở đây, “cò” lúa đông lắm, họ đi khắp các cánh đồng để tìm người bán lúa cho thương lái.
Trung bình, một lần “móc nối” thành công một ghe lúa loại trung khoảng 75 tấn, “cò” được hưởng 1,5 triệu đồng. Số tiền lời của “cò" lúa phụ thuộc vào những mối liên hệ với thương lái, thường mỗi “cò” đều có một vài thương lái “ruột” để đảm bảo thu nhập”, anh Cần, nông dân ở ấp Thới Thuận, thị trấn Thới Lai, nói.
Về xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, chúng tôi được nghe kể việc nông dân xã này từng bị Cty H (Chi nhánh Lấp Vò) “xù” kèo. Năm 2011, chương trình Cánh đồng mẫu lớn (CĐML) được triển khai ở xã này trên diện tích hơn 300 ha, với gần 800 hộ tham gia.
“Ban đầu họ mang một ít gạo xuống đây cho bà con nấu ăn thử và thuyết phục chúng tôi trồng với cam kết giá lúa ổn định từ 4.500 đồng/kg trở lên. Nghe thuyết phục và ăn gạo đó thấy ngon nên chúng tôi tham gia. Chứ ngày xưa, tôi trồng giống lúa cũ tuy năng suất không cao nhưng dễ trồng, ít tốn kém.
Tôi mua giống của Cty với giá 8.000 đồng/kg. Nhưng chỉ được 2 vụ đầu. Đến vụ thứ 3, họ xuống xem ruộng rồi chê lúa bị đổ ngã nên không thu mua như hợp đồng ban đầu. Khi đó, lúa chín hết rồi, không bán thì lên mộng hết, chỉ có nước đem cho vịt ăn thôi. Cuối cùng, chúng tôi phải bán đổ bán tháo cho thương lái để trả tiền vật tư, nhân công”, anh Nguyễn Văn Nam, một nông dân ở ấp Tân Thạnh, tham gia CĐML kể.
Một thực tế là chiêu “mua chịu” vật tư vô tình đẩy người nông dân vào thế phải “bán chạy” lúa để trả nợ. Nếu giá lúa cao thì người dân còn có phần lời nhưng nếu giá lúa thấp thì họ cũng phải cắn răng chấp nhận công sức làm ra từ huề vốn đến lỗ.
TÍN DỤNG ĐEN HOÀNH HÀNH
Đại đa số người nông dân không có vốn, phải vay trước, ứng trước, trả sau với lãi suất phổ biến từ 5 - 10%. Nhưng, không ít đại lý "cắt cổ” người nông dân như đại lý T.A, V.Q ở huyện Lấp Vò, đại lý A.H ở huyện Tháp Mười khi có người nông dân mua trước, trả sau vật tư với lãi suất đến 20%.
Anh Nguyễn Văn Chín, một nông dân ở xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười cho biết: “Từ đó đến giờ tui chỉ lấy vật tư ở một cửa hàng. Có lần họ bán cho tui loại phân bón Long Thành. Tui mang về bón thấy lúa phát triển không tốt như trước. Đến cán bộ của Trung tâm nghiên cứu Đồng Tháp Mười đến, họ mới chỉ cho tui biết đây là phân bón giả; nhái thương hiệu Phân lân Long Thành.
Thương lái đến ruộng gom lúa
Tui đâu để ý, chỉ thấy chữ Long Thành to tổ chảng, cứ nghĩ đúng loại mình thường mua. Đến khi nhìn kỹ lại bao bì mới thấy in trên đó là chữ Phân bón Long Thành chứ không phải phân lân Long Thành. Vậy mà họ ban cho tui đến 200 ngàn/bao. Trả sau với lãi suất 8%”.
Do không có vốn, người nông dân nghèo được các cửa hàng, đại lý vật tư nông nghiệp bán chịu vật tư, đến khi thu hoạch thì trả. Nhưng, nực cười là những đại lý này vẫn rêu rao là đang giúp, đang hỗ trợ bà con lối xóm.
“Anh tính, bà con ở đây 10 người thì hết 7 phải ứng trước vật tư rồi. Nếu không tính lãi, tui sống bằng gì? Nghĩ toàn bà con lối xóm với nhau, giúp nhau là chính chứ nhiều khi lấy được đồng lãi của bà con cũng nhiêu khê lắm chứ bộ”, một nữ chủ đại lý VTNT ở xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, thanh minh.
Một dạng tín dụng đen “chìm” bóc lột nông dân nữa là những chiêu trò marketing của các Cty, cửa hàng BTVT. Các Cty đó sẽ cử một “kỹ sư nông nghiệp” về vùng nông thôn hướng dẫn bà con cách trồng lúa đúng kỹ thuật, diệt sâu rầy hiệu quả... “kiêm” quảng cáo thuốc cho Cty.
Mỗi ghe lúa như vậy, thương lái lời khoảng 45 triệu đồng
“Thậm chí khi bán thuốc rầy nâu, thay vì chỉ bán một thứ thuốc thôi họ lại ép mua nhiều thứ lộn xộn, thứ này thứ kia không theo một nguyên tắc nào để bắt người nông dân bỏ nhiều tiền và sẽ bị lệ thuộc. Chuyện thế này nhiều lắm, xuất hiện trong hang cùng ngõ hẻm. Cho nên dân mình phun tầm bậy rất dữ, phun không hiệu quả nhưng cũng cứ phun”.
Bên cạnh đó, một dạng bán hàng “bẩn” là nhiều đại lý ép nông dân mua phân bón giả hoặc hết hạn sử dụng.
“Nhiều lúc mua bao phân về đổ ra thấy cứng như đá, lúc đó chỉ biết huy động cả nhà dốc sức đập nát ra để rải ngoài ruộng chứ biết tính sao giờ. Khi thấy lúa mình không thay đổi, cứ trơ trơ ra mới biết đó là phân giả, hết đát sử dụng. Lúc ấy chỉ biết cắn răng chịu thôi, dù sao mình cũng mua chịu từ cửa hàng”, anh Nguyễn Văn Tuấn, nông dân ở ấp Thới Quang, thị trấn Thới Lai, nói.
Lúa thương lái mua tại ruộng 4,1 ngàn đồng/kg. Mang về xay ra 2 loại gạo: gạo trắng bán giá từ 7-7,5 ngàn/kg tùy thời điểm, còn gạo xô giá 6,4 ngàn. Trung bình 20kg lúa xay ra còn 16kg gạo xô. Trừ chi phí, hao hụt, còn lãi khoảng 600 đồng/kg. Một ghe lúa trung bình khoảng 75 tấn, chủ ghe lời khoảng 45 triệu. Nếu thuận lợi thì mỗi vụ lúa, thương lái có thể làm cả chục chuyến ghe, lợi nhuận đến vài trăm triệu đồng. |