| Hotline: 0983.970.780

Tôn vinh bà mụ vườn

Thứ Hai 17/02/2014 , 08:00 (GMT+7)

Dường như những người dân ở làng Liêm Định ai ai cũng có thể kể vanh vách những truyền thuyết về bà mụ vườn tài cao đức dày được người dân bao đời tôn kính.

Cứ đến ngày 17 tháng Giêng âm lịch hằng năm, Lễ hội vía bà Nhơn Phong lại được tổ chức tại làng Liêm Định, xã Nhơn Phong (TX. An Nhơn, Bình Định) với những nghi lễ long trọng nhằm tưởng nhớ công ơn đức độ của một phụ nữ chuyên hành nghề đỡ đẻ ở địa phương này từ hơn 300 năm trước.

Đỡ đẻ cả cho hổ

Dường như những người dân ở làng Liêm Định ai ai cũng có thể kể vanh vách những truyền thuyết về bà mụ vườn tài cao đức dày được người dân bao đời tôn kính. Những truyền thuyết này được truyền miệng từ đời này sang đời khác.


Miếu Bà được xây dựng lại khang trang vào năm 2006

Chuyện xưa kể rằng, vào thế kỷ XVII, một người phụ nữ không có họ hàng với ai ở làng Liêm Định, không biết từ đâu đến định cư và trở thành người dân ở đây, bà có tên là Đỗ Thị Tân. Bà sống cô độc trong một ngôi nhà tranh vách đất gần con sông ven làng, ngày ngày chạy chợ kiếm kế sinh nhai. Nếu chỉ như thế thôi thì sẽ không ai biết đến bà nhưng bà Tân có nghề “tay trái” là đỡ đẻ cho những sản phụ trong vùng.

Không biết bà Tân học được nghề này từ ai nhưng theo truyền thuyết, bà là bà mụ rất mát tay, đến những ca đẻ khó nhất bà vẫn có thể giúp sản phụ vượt cạn an toàn, mẹ tròn con vuông. Bất kể đêm ngày, đường sá xa xôi, trời mưa hay nắng… nơi nào cần là bà lặn lội tìm đến. Bà làm nghề đỡ đẻ không để kiếm tiền. Có người cho rằng bà làm nghề này cũng là để tìm cho mình cái cảm giác làm mẹ, điều mà người đàn bà sống cô độc không thể có.

Tiếng tăm mát tay trong nghề đỡ đẻ của bà không chỉ được người đời biết đến, mà đến cả mãnh thú trong vùng cũng “nghe danh”. Một đêm mưa gió mịt mù, trời tối như hũ nút, một ông cọp trắng không biết từ đâu xuất hiện trong căn nhà tranh của bà, làm bà hoảng sợ đến chết ngất. Đến khi tỉnh dậy, bà thấy mình nằm trong một hang đá trên núi Bà thuộc huyện Phù Cát (Bình Định). 

Nhìn lên, bà thấy đôi mắt ông cọp trắng nhìn bà với ánh nhìn khẩn thiết, bên cạnh là cọp cái đang vật vã, kêu rống vang trời vì khó đẻ. Bà hiểu, và ra tay làm công việc quen thuộc. Chẳng bao lâu sau, chú “tiểu hổ” ra đời an toàn. Sau ca đỡ đẻ cho cọp cái, ông cọp trắng cõng bà trả về lại ngay tại nhà. Thời gian sau đó, thỉnh thoảng mỗi sáng bà thấy trước cửa nhà có con cheo, con chồn. Bà hiểu đó là quà biếu của vợ chồng cọp tỏ lòng tri ân cho ca đẻ khó.

Ân đức độ dân

Chuyện xưa kể lại, một đêm nhằm ngày 16 rạng ngày 17 tháng Giêng âm lịch, bà Tân ra dòng sông trước nhà giặt áo. Trời bỗng nổi giông gió dữ dội, sáng hôm sau người làng nhìn thấy thau đồ của bà chưa kịp gặt bên bờ sông, còn bà không thấy đâu nữa. 7 ngày sau, linh hồn bà về báo với dân làng rằng bà đã không còn ở trần gian. Có người cho rằng đêm ấy bà đã “thăng” về trời.

Cũng có người cho rằng nghe tiếng “mát tay” của bà trong nghề đỡ đẻ, Diêm Vương đã đưa bà đi. Mấy hôm sau, được tin người dân làng chài ở vùng cửa biển Đề Gi (Phù Cát, Bình Định) trong lúc đánh cá đã vớt được trái bưởi, trên đó có miếng tre khắc tên bà, dân làng Liêm Định liền tìm xuống Đề Gi rước trái bưởi và thanh tre ấy về làm lễ an táng, rồi lấy ngày 17 tháng Giêng âm lịch làm ngày vía bà.

Kính trọng tài năng và đức độ của bà, vua Tự Đức đã ban cho bà sắc phong “Ân đức độ nhân”. Tưởng nhớ ân đức sâu nặng, dân làng Liêm Định lập miếu thờ bà ngay trên nền căn nhà tranh năm xưa. Ngôi miếu thờ được gọi là “Hộ sản nương thần miếu”, bốn mùa hương khói ấm áp. Đây cũng là nơi lễ hội vía bà được diễn ra thường niên. Năm 2006, ông Đặng Văn Thử, chủ cơ sở SX nước mắm Mười Thu bỏ ra khoản kinh phí 600 triệu để xây dựng lại miếu Bà khang trang.

Cụ bà Lê Thị Thanh (89 tuổi), đang sống trong ngôi nhà tuềnh toàng dưới bóng cây vú sữa cổ thụ nằm bên cạnh miếu Bà kể lại: “Tôi là người ở Cam Ranh (Khánh Hòa), theo chồng về ở đây đã 64 năm. Trong thời chiến tranh, miếu Bà bị bom đạn phá sập, ngưỡng mộ bà, dân làng mua nhang cúng trên nền miếu.


Cụ bà Lê Thị Thanh kể chuyện về bà mụ

Chồng tôi (cụ Lương Văn Siêng) thấy vậy dựng 4 cột tre, lợp tôn để có chỗ thờ cúng bà. Từ đó đến khi ông mất (năm 77 tuổi), ông tự nguyện trông nom hương khói cho miếu Bà. Bà linh thiêng lắm, phụ nữ cầu con, người đã có thai cầu sinh đẻ mẹ tròn con vuông đều được bà ban phước”.

Trong Lễ hội vía Bà, có không ít phụ nữ lặn lội từ phương xa về để dâng lễ tạ ơn bà đã giúp trước đó. Chị Thu Huyền, vốn là dân ở xã Cát Nhơn (Phù Cát) có chồng ở Đồng Nai, chia sẻ: “Trong khi mang thai đứa con đầu lòng, tôi siêu âm được biết sẽ bị đẻ khó, tôi cùng chồng liền về quê, tìm đến miếu Bà dâng lễ, khấn cầu.

Dường như lời khấn của tôi được bà chứng, độ ân nên sau đó đứa con đầu lòng của tôi ra đời suôn sẻ. Đến khi có thai đứa con thứ 2, vợ chồng tôi cũng về khấn bà. Sau này dù không sinh đẻ nữa nhưng hầu như năm nào vợ chồng tôi cũng về quê nhân ngày vía bà để dâng lễ, kết hợp thăm gia đình”.


Nhiều phụ nữ đến xin bà ban ơn

Mặc dù 17 tháng Giêng âm lịch lễ tế chính thức mới diễn ra nhưng từ chiều ngày 15 âm lịch người dân các nơi xa gần đã tập trung về miếu Bà để vui chơi, dâng lễ. 11 giờ trưa ngày 17 lễ tế chính thức bắt đầu theo nghi lễ truyền thống, gồm dâng hương và hát lễ. Các bô lão túc trực thực hiện nghi lễ rất long trọng. Sau giờ hành lễ là biểu diễn múa lân sư rồng để cúng bà. Sau phần tế lễ, dân làng tham gia vào những hoạt động vui chơi như: thi đấu bóng chuyền, đấu võ truyền thống, kéo co, nhảy bao, bịt mắt bắt vịt… kéo dài đến ngày 19 tháng Giêng.


Lế tế vía bà trang trọng theo nghi lễ truyền thống

Ông Nguyễn Văn Dư, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội vía Bà Nhơn Phong, cho biết: “Để có kinh phí tổ chức lễ hội này địa phương không hề đi quyên góp, mà người dân địa phương bằng lòng kính ngưỡng bà mang tiền tự nguyện đóng góp. Cả những người dân địa phương giờ làm ăn phương xa đến ngày này cũng đều tụ họp về quê để dự Lễ hội vía Bà, đồng thời đóng góp phần lớn kinh phí để tổ chức”.

“Miếu Bà không chỉ là nơi thờ cúng linh thiêng mà trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, đây còn là nơi làm việc bí mật của Cách mạng. Ngày 9/1/2006, UBND tỉnh Bình Định đã xếp hạng di tích văn hóa cấp tỉnh cho miếu Bà Nhơn Phong”, ông Phạm Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND TX. An Nhơn.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Mưu sinh lúc mưa dông, một ngư dân bị sét đánh tử vong

QUẢNG NINH Hoàn cảnh gia đình nạn nhân khá khó khăn, đang nuôi 4 con nhỏ ăn học. Nguồn thu chủ yếu của hai vợ chồng từ nghề đánh lồng.