Hàng nghìn hộ dân vạn đò bao đời lênh đênh trên các con sông ở TT- Huế đã được lên bờ tái định cư. Thế nhưng, đằng sau niềm vui có nơi ở mới, còn hàng trăm hộ dân vạn đò “mắc cạn” sau khi lên bờ trong những túp lều bằng phên tre bạc phếch mưa nắng hay buộc phải trở về với dòng sông tìm nguồn sinh kế.
Dở dang giấc mơ
Khu tái định cư Phú Mậu (huyện Phú Vang, TT- Huế), bên cạnh những căn nhà liền kề nhìn vẻ bề ngoài khang trang là những túp lều tạm bợ được những hộ dân vạn đò lấy từ chiếc mui thuyền- dấu tích một thời sông nước của họ để che nắng mưa, làm “nhà” ở. Dọc nhánh sông đào dẫn ra vùng hạ lưu sông Hương có hàng chục căn chòi như thế mọc lên.
Bên dòng kênh, chị Nguyễn Thị Gái (34 tuổi, thôn Lại Tân) đang hì hục chèo ghe sát bờ để mò ốc. Chị cho biết, từ ngày lên bờ đến nay đã 2 năm nhưng không có việc gì làm nên phải trở lại sông mò ốc bán, mỗi ngày kiếm được 20-30 nghìn đồng. Cạnh đó là gia đình anh Phan Văn Tý (38 tuổi) cùng chị Dương Thị Huệ. Cả nhà anh Tý có 6 người nhưng phải sống chui rúc trong chiếc thuyền chừng 6m2.
Gia đình anh Phan Văn Tý (thôn Lại Tân) phải trở lại sống trên thuyền sau cuộc lên bờ dở dang
Hỏi về hoàn cảnh, như trút hết nỗi buồn bấy lâu, anh Tý than thở: “Năm 2011 tui cùng bố và anh em từ sông Đông Ba, phường Phú Bình được lên bố trí tái định cư tại đây. Do gia đình có 9 anh em, đông quá không có chỗ ở nên chỉ được một thời gian, sống trong không gian chật hẹp, anh em mâu thuẫn nhau, bức bí quá tui trở lại thuyền sống cùng vợ con. Không thể tách hộ được nên mình không được cấp nhà ở. Giờ không sống trên thuyền chỉ chẳng biết đi đâu nữa”.
Trước đây, anh Tý làm nghề đánh cá trên sông Hương, cuộc sống lênh đênh, khó khăn trăm bề. Cứ ngỡ rằng lên bờ sẽ có cuộc sống mới, không ngờ thất nghiệp triền miên. Anh quay sang làm phụ hồ, mỗi ngày kiếm được vài chục nghìn. Khi quay về với sông nước anh trở lại với nghề đánh cá. Vào mùa mưa bão, cả gia đình phải neo thuyền lại, di tản lên bờ lánh nạn. Vợ anh, chị Huệ thì làm nghề cát sạn, thu nhập bất bênh, cả tháng nay chỉ biết ở nhà vì không có việc làm. Mới 36 tuổi nhưng nom chị Huệ già hơn nhiều so với tuổi. Cuộc sống cơ cực, đã nửa đời người lênh đênh sông nước, chị chưa hề biết đến mặt con chữ. Có việc gì liên quan đến giấy tờ, gia đình anh Tý, chị Huệ đều phải điểm chỉ.
Ở khu tái định cư Phú Mậu, tình trạng “trở lại” với dòng sông để định cư như gia đình anh Tý không phải hiếm. Nhiều hộ dân không trở lại dòng sông, “mắc cạn” lại trên bờ thì dùng mui thuyền, tấm phên che nắng mưa qua ngày.
Hàng chục hộ dân ''tái định cư'' trong những căn chòi rách nát
Trong căn chòi ẩm thấp nhếch nhác, gia đình anh Nguyễn Văn Bé (40 tuổi) cùng 5 đứa phải chịu cái nắng như lửa đốt. Anh bé có 7 người con, đứa lớn nhất 16 tuổi, đứa nhỏ chỉ mới chập chững biết đi. Hai đứa lớn đã đi “ăn cơm nhà người” trong Sài Gòn. Cũng như nhiều hoàn cảnh ở đây, anh Bé phải ra dựng chòi ở riêng vì nhà bố mẹ qua đông nhân khẩu. Hai vợ chồng anh phải quần quật làm suốt ngày đêm nhưng cũng không bứt ra khỏi đói nghèo.
“Chỉ mong có đất, được Nhà nước cho vay tiền xây nhà ở, chứ như thế này thì không khác gì ở trên thuyền như hồi xưa”, anh Bé tâm sự.
Ở khu tái định cư Lại Tân, xã Phú Mậu còn 75 hộ gia đình phải sống tạm bợ trong chòi bằng phên tren, hoặc trở lại trên thuyền
Luẩn quẩn vòng "điểm chỉ"
Điều nhức nhối nhất ở các khu tái định cư vạn đò là tình trạng con cái thất học do gia đình quá khó khăn. Những thế hệ vạn đò đi trước “điểm chỉ”, nhưng nhiều lớp trẻ sau này lớn lên, từ nơi chỗ cũ là sông nước chuyển lên bờ nhiều đứa trẻ cũng không được đến trường.
Tuổi thơ của trẻ vạn đò thường rất ngắn ngủi, khi đã biết lặn lội trên sông nước thì chúng phải phụ gia đình kiếm cái ăn cái mặc. Lớn thêm ít tuổi, những đứa trẻ cùng trang lứa đã đến trường thì chúng đã trở thành “lao động chính” trong gia đình, đầm mình cùng vuông lưới kiếm cá tôm. Cái vòng “điểm chỉ”, dùng ngón tay làm…chữ ký xem ra luẩn quẩn, quay quắt như chính cái nghèo của gia đình chúng.
Không phải cha mẹ chúng không biết đến tầm quan trọng của việc học, nhưng phần vì gia cảnh khó khăn, chuyển đến môi trường mới, đã khiến nhiều đứa trẻ không có cơ hội đến trường, giấc mơ con chữ đành dở dang. Như hộ gia đình anh Nguyễn Văn Bé, có 7 người con nhưng chỉ có cháu Nguyễn Thị Mi Mi được vào lớp 1. Những người anh, chị của bé Mi đều chưa hề biết đến mặt con chữ.
Trẻ em van đò ở khu tái định cư không có điều kiện đến trường
Anh Bé cho biết: “Mình không có việc làm ổn định thì lấy đâu ra tiền cho con ăn học. Nhiều gia đình ở đây đều như thế cả, có nhà cho con học đến khi nhận biết được mặt chữ đã là may lắm rồi. Học lên nữa thì lấy tiền đâu ra, mà chúng phải “nhường” phần chữ lại cho em nữa chứ”.
Một số trường hợp trẻ vạn đò thất học là do gia đình chuyển đến nơi ở mới, giấc mơ đến trước đành đứt gánh. Đang học lớp 3 ở trường tiểu học ở Phú Bình thì em Phan Văn Huân (12 tuổi) phải theo gia đình xuôi dòng sông Hương, lên khu tái định cư ở thôn Lại Tân. Từ ngày về đây, bố mẹ em phải quần quật mưu sinh, cũng không biết chữ nên không biết làm sao làm thủ tục chuyển trường cho con nên em Huân đành phải ở nhà, ngày ngày ra sông Hương mò tôm, bắt ốc phụ bố mẹ.
Huân tâm sự: "Không được đi học, ở nhà em nhớ trường nhớ bạn lắm, nhưng giờ đã qua mấy năm rồi, em cũng không còn nhớ gì nữa, đi học lại cũng khó lắm".
Cơ cực đến bao giờ?
Trong giai đoạn 2009-2011, tỉnh TT- Huế đã đầu tư trên 260 tỷ đồng xây dựng khu tái định cư cho gần 1.000 hộ dân vạn đò (trong đó có 408 hộ nghèo) sống trên các con sông ở Huế. Tỉnh đã xây dựng 3 khu tái định cư tập trung: Khu tái định cư Phú Hậu diện tích 1,12ha xây dựng 8 chung cư 3 tầng với diện tích sàn 11.086m2 , bố trí 208 căn hộ; Khu tái định cư Phú Mậu diện tích 11,88ha, bố trí 274 lô đất và 170 nhà liên kế; Khu định cư Hương Sơ diện tích 8,35ha, bố trí 336 căn hộ liên kế, 5 chung cư bố trí 206 căn hộ. |
Bài toán nhà ở cũng như giải quyết việc làm, môi trường sống ô nhiễm trở nên khó khăn hơn vì số hộ dân quá đông, có gia đình lên tới 28 nhân khẩu. Trong khi chính sách định cư UBND TP. Huế quy định những hộ dân có từ ba cặp vợ chồng trở lên được cấp hai lô đất (81m2/lô), từ năm cặp vợ chồng với 20 nhân khẩu trở lên thì được cấp ba lô đất, nhưng trên thực tế, số hộ dân có 5 đến 6 cặp vợ chồng hoặc hơn quá đông đã khiến khu tái định cư quá tải, nhiều gia đình phải quay lại đời sống sông nước.
Hàng trăm hộ dân vạn đò sông Hương, sau khi tái định cư đã trở lại sống trên thuyền
Tại khu tái định cư phường Hương Sơ, Phú Hậu (TP. Huế), hàng trăm hộ dân vạn đò khi lên nơi ở mới cũng rơi vào tình trạng thất nghiệp, điều kiện sống khó khăn tương tự. Ông Nguyễn Văn Tài, Chủ tịch UBND phường Hương Sơ, cho biết: “Toàn khu tái định cư Hương Sơ có gần 340 hộ dân. Những năm qua, thông qua đề án đào tạo nghề của tỉnh cùng với mở các lớp xóa mù chữ, đã phần nào tạo việc làm, nâng cao dân trí cho người dân vạn đò tái định cư. Tuy nhiên, tình trạng thất nghiệp, an ninh trật tự ở những khu vực này vẫn là vấn đề đáng quan tâm. Trong đó vấn đề giải quyết việc làm trở nên bức thiết, bởi có việc làm người dân mới an cư được".