Từ Bệnh viện K (Hà Nội), chúng tôi tìm về Hải Phòng gặp một bệnh nhân điển hình cho nỗi thống khổ khi tăng viện phí. Bệnh nhân đó là Trịnh Thị Được (42 tuổi) ở khu Hoàng Xá, thị trấn An Lão, huyện An Lão, TP Hải Phòng.
>> Nỗi thống khổ của bệnh nhân
Gặp chúng tôi, chị Được vẫn trong tình trạng mệt mỏi, bơ phờ; da sạm, tay chân nổi đầy gân xanh. Nói chuyện với chúng tôi mà nước mắt chị tuôn trào. Chị bảo, đã nằm điều trị 2 tháng ở Bệnh viện K nhưng do chị không có Thẻ Bảo hiểm y tế nên mọi chi phí đều ở mức cao nên chị đành phải về quê.
Quá khứ đau buồn
Cụ Nguyễn Thị Tưởng, một người hàng xóm của chi Được, đã chứng kiến gần như trọn vẹn số phận của chị Được. Lúc tôi đến, cụ Tưởng cũng qua nhà và nghe tôi hỏi chuyện về chị Được, cụ cho hay: "Cô Được lúc lọt lòng khoảng 7- 8 ngày gì đó thì có người bế đi cho và bà Mẫn (mẹ nuôi của Được - PV), đã xin về. Đó là năm 1971. Còn ông bà Mẫn, lấy nhau chỉ sinh được 1 cậu con trai rồi ông vào chiến trường chống Mỹ. Bà Mẫn đón cô Được về chăm nom. Bà nuôi Được lớn lên bằng nước cơm và trái tim đôn hậu của một người mẹ. Hai tháng sau, mẹ con bà nhận tin ông Phấu, chồng bà Mẫn, hy sinh ở chiến trường. Từ đó, 3 mẹ con bà lam lũ để sống qua ngày".
Tiếp lời cụ Tưởng, chị Được gạt dòng lệ đang tuôn trào trên gò má đen sạm, nhớ lại quãng thời gian xa xăm đầy đau khổ về thân phận của mình. Năm 1983, mẹ con chị dắt nhau vào Biên Hòa (Đồng Nai) trồng mì (sắn) cho một hộ gia đình để có tiền trang trải cuộc sống. 10 năm vật vã nơi đất khách quê người, đầu năm 1990, mẹ con bà Mẫn khăn gói về quê. Được hợp tác xã cho mượn vị trí đất gần trạm bơm, mẹ con chị dựng một cái lều để ở.
Chị Trịnh Thị Được khóc nức nở khi kể về đời mình
Đến năm 1991, một người chị trong họ tên là Trịnh Thị Oanh rủ chị Được ra Móng Cái (Quảng Ninh) làm ăn. Tin tưởng chỗ người nhà nên bà Mẫn đã đồng ý cho Được đi theo Oanh để làm ăn. Ngỡ rằng ra Móng Cái kiếm tiền gửi về nuôi mẹ, nào ngờ khi tới nơi Oanh đã chèo kéo chị Được sang phía bên kia thăm nhà mình (Oanh lấy chồng bên Trung Quốc - PV) và sau đó chị Được bị bán đi.
Chị Được nhớ lại: “Khi tới một ngôi nhà thì chị Oanh bảo chờ ở đó để đi mua mấy thứ nhưng mãi đến đêm vẫn không thấy chị về. Khi có mấy người xuất hiện nói thì tôi không biết tiếng, rồi họ dắt tôi lên xe. Đi được khoảng một ngày thì họ để tôi ở lại trong một gia đình. Sau này tôi mới biết, nơi đó thuộc địa phận San Thầu của tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc. Ở đó núi rừng hẻo lánh, tôi không có người thân, không gặp một người Việt nào cả. Tôi sống một cuộc sống của kẻ bị bắt cóc bán sang đây để làm vợ người ta”.
Thời gian trôi đi chầm chậm, được 4 năm, chị được gia đình bên chồng cho về Việt Nam. Trở lại quê, chị gặp người mẹ già cui cút, héo hon ngóng trông con bao năm trời đằng đẵng. Niềm vui và nỗi buồn tủi càng dày xéo tận trong tâm can của hai người phụ nữ. Về nhà được 2 tháng, mẹ chị biết rõ ngọn ngành sự việc, bà không giữ con gái ở lại mà động viên con trở về Trung Quốc để làm tròn bổn phận người con dâu, người vợ và hơn tất cả là có trách nhiệm với hai đứa con do chị sinh ra. Có lẽ thấu hiểu sự thiếu vắng của người mẹ, của những người con sinh ra không có mẹ nên bà Mẫn đã động viên, thuyết phục con gái mình trở lại Trung Quốc.
Từ đó cho đến năm 2008, chị Được đã về Việt Nam 2 lần nữa. Trong đó, năm 2005, người chồng có tên là Hồ Văn Vàng đã về cùng với chị. Chị bảo: “Thấy gia đình người ta cũng nghèo khó như mình, sống tình cảm và thương người nên tôi quyết định theo họ. Giữa năm 2010, hay tin mẹ Mẫn ốm nặng, tôi vội trở về nước để chăm nom mẹ nhưng vì bệnh hiểm nghèo, mẹ đã mất ngay sau khi tôi vừa bước chân vào nhà ôm mẹ được mấy phút. Dường như mẹ chờ tôi về rồi mới ra đi vì mẹ đã nằm liệt 6 ngày trên giường”.
Để tang mẹ được một thời gian, chị Được trở lại sống bên nhà chồng. Lúc này chị đã có 6 người con. Do hoàn cảnh khó khăn nên con của chị cũng học hết tiểu học rồi thôi.
Tháng 6 năm ngoái, do sức khỏe ngày một yếu đi, chị đến bệnh viện khám và phát hiện mình bị bệnh ung thư. Theo các bác sĩ bên Trung Quốc, chị cần có một khoản tiền tương đương với 700 triệu đồng thì mới có thể chạy chữa được. Thế là chị đành khăn gói trở về Việt Nam với mong muốn tìm hy vọng sống. Lúc ra về, người chồng đưa cho chị số tiền đổi ra được 20 triệu đồng. Về tới Việt Nam, chị đến ngay Bệnh viện K để khám. Các bác sĩ kết luận chị bị ung thư cổ tử cung.
Ánh sáng không ở cuối đường hầm
Chị Được kể, ngoài 6 triệu đóng vào viện như mọi người, những ai có Thẻ Bảo hiểm y tế thì 25 mũi trị xạ chỉ hết 2,5 triệu đồng, còn chị phải đóng 10 triệu đồng. Cùng với các khoản chi phí khác, chị nói hai tháng nay số tiền chồng đưa đã hết.
Người ngồi cạnh chị Được là cụ Nguyễn Thị Tưởng
“Nhờ có các nhà hảo tâm nên hằng ngày tôi được ăn cháo. Tiền ăn không có, ở thì 3-4 người một giường. Khổ lắm. Người ta có Thẻ Bảo hiểm y tế chỉ đóng 300.000đ/giường, mình không có thẻ phải đóng 900.000đ, mà có nằm được đâu vì các bệnh nhân đều phải nhường nhau, lúc ai đó truyền nước hoặc trị xạ về mệt thì nằm một lúc thôi, chứ phần lớn thời gian là ngồi ở hành lang, tựa ở tường mà ngủ”, chị Được cho hay.
Biết bệnh tình như vậy, sao chị không mua thẻ bảo hiểm tự nguyện? Tôi hỏi. Chị gạt đi dòng lệ và nói như muốn phó thác cuộc đời này cho số phận: "20 năm lưu lạc ở xứ người, dẫu có về nước mấy lần nhưng cảnh mẹ góa con côi nên thủ tục giấy tờ như thế nào thì tôi hoàn toàn không hề hay biết gì cả. Nay bệnh viện nói là cần có thẻ bảo hiểm, tôi tới cơ quan bảo hiểm huyện An Lão, người ta đòi phải có Chứng minh thư nhân dân. Về xã xin thủ tục cấp Chứng minh thư nhân dân thì địa phương đòi đủ các loại giấy tờ. Trong khi tiền không có, chiếc xe đạp đi lại cũng không nên cứ thế một mình tôi tất tưởi chạy bộ ngược xuôi để đi chứng minh nguồn gốc của mình. UBND xã Quốc Tuấn đã cấp lại giấy khai sinh cho tôi vì ngày trước địa phận này (nơi chị Được đang ở - PV) thuộc xã Quốc Tuấn. Cầm giấy khai sinh lên thị trấn An Lão đề nghị làm thủ tục cấp Chứng minh thư nhân dân thì họ bảo tôi không có hộ khẩu nên không làm được".
Trở về Hà Nội, chúng tôi hy vọng chị Được sớm hoàn tất thủ tục giấy tờ để có thể trở lại bệnh viện tiếp tục điều trị. Và, cầu mong chị có thêm những ngày tháng trên cõi trần này được bình yên. |
Chúng tôi đem việc này hỏi ông Trịnh Văn Bẩy, Phó chủ tịch UBND thị trấn An Lão và ông Hoàng Mạnh Thắng, Trưởng công an thị trấn. Ông Bẩy nói rằng: “Tôi có trao đổi việc này với bên công an thị trấn và cả đồng chí Phó trưởng Công an huyện nhưng họ đều bảo cô Được đi nước ngoài lâu rồi nên giờ không thể cấp lại Chứng minh thư nhân dân”. Còn ông Thắng thì nói rằng: “Chúng tôi chẳng nhận được một đề nghị nào của cô Được cả và chẳng biết phải làm như thế nào vì không có hồ sơ gốc”.
Thấy chính quyền còn thờ ơ với thân nhân gia đình liệt sỹ, chúng tôi đã đề nghị tạo mọi điều kiện để hướng dẫn giúp chị Được sớm làm Chứng minh thư nhân dân nhằm giúp chị có điều kiện kiếm tìm hy vọng sống trên cõi đời. Lúc này, ông Thắng mới đề nghị cho gọi chị Được đến ngay trụ sở công an để được hướng dẫn các thủ tục.
Ông Trịnh Văn Bẩy cam kết: “Tôi sẽ trực tiếp đưa cô Được sang xã Quốc Tuấn xác nhận nguồn gốc để sớm hoàn tất Sổ hộ khẩu để cô Được làm Chứng minh thư nhân dân, đủ điều kiện mua thẻ bảo hiểm tự nguyện”.