| Hotline: 0983.970.780

Ngôi làng bị bỏ quên

Thứ Tư 29/08/2012 , 10:20 (GMT+7)

Tuổi trẻ, khát vọng từng là động lực giúp họ bám trụ nơi rừng hoang, đầu sóng ngọn gió. 50 năm sau, nông trường ấy thành một ngôi làng. Buồn thay, đó là một ngôi làng đang bị lãng quên.

Năm 1962, một phong trào xây dựng kinh tế mới của Đoàn Thanh niên TP Hải Phòng đã tập hợp 12 thanh niên có sức khỏe, ý chí ra đảo Cát Bà xây dựng nông trường trồng rừng. Tuổi trẻ, khát vọng từng là động lực giúp họ bám trụ nơi rừng hoang, đầu sóng ngọn gió. 50 năm sau, nông trường ấy thành một ngôi làng. Buồn thay, đó là một ngôi làng đang bị lãng quên.


Nhà dột nát nên hễ có bão là gia đình ông Nha phải kéo nhau sơ tán

Bất công

Ngôi làng không có tên, người ta chỉ quen gọi là làng nông trường Cát Bà, có khoảng 50 hộ dân, 200 nhân khẩu. Nếu lấy mốc là năm 1962 thì ngôi làng này có tuổi đời vừa tròn nửa thế kỷ. 12 công nhân nông trường ra đảo ngày ấy, bây giờ người lấy vợ, kẻ lấy chồng, sinh con đẻ cái, cũng lắm người đã nằm sâu dưới ba tấc đất.

Làng nghèo. Giữa muôn trùng đất rừng, đồi núi mà nói những nông dân này nghèo có lẽ chẳng ai tin, có khi còn đổ cho người ta lười nhác. Vậy mà thật. Không đất sản xuất, không vườn tược, không nghề nghiệp ổn định, đến như căn nhà là chỗ chui ra chui vào cũng nhiều phen không dám ở vì bão tố, gió lốc. Chỉ cách đây vài hôm, khi cơn bão số 5 ảnh hưởng đến vùng quần đảo Cát Bà, tất cả các hộ dân trong làng đều phải chạy lên trụ sở Vườn quốc gia (VQG) Cát Bà sơ tán vì sợ nhà sập. Khi trở về, nhiều căn nhà đã nứt toang hoác, có số còn tốc cả mái, không biết sẽ đổ lúc nào. Khổ thì rõ rồi, nhưng nếu nhìn nhận những gì đã làm cho hòn đảo này, họ còn cảm thấy bất công. Bất công vì những cống hiến của họ cho đảo Cát Bà nhẽ ra phải xứng đáng có được ngôi nhà, mảnh vườn, một cuộc sống ổn định.


Trưởng làng Nguyễn Văn Thủy

12 thanh niên đầu tiên ra đảo bây giờ chỉ còn 6 người. Một trong số đó là ông Đinh Văn Nha, quê gốc ở huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng). Ông Nha đã già (80 tuổi), đã con đàn cháu đống sau khi lập gia đình với một thanh niên lập nghiệp khác là bà Phạm Thị Phương (73 tuổi). 50 năm cống hiến cuộc đời mình trên đảo, đổi lại, thứ ông bà nhận được là những lo toan, bức xúc và cuộc sống cù bơ cù bất của đám con cháu.

“Năm 1962, vùng đất này hoang sơ đến nỗi chẳng có lấy một lối mòn nào. Toàn đá vôi và cây cổ thụ hai ba người ôm mới xuể, dưới tán rừng thực bì tua tua tủa như rừng nguyên sinh. Thành ra tiếng là trồng rừng nhưng những công nhân của nông trường Cát Bà chúng tôi có nhiệm vụ chính là bảo vệ hòn đảo. Đích thân ông Đỗ Chính, Bí thư Tỉnh ủy Hải Ninh lúc ấy đã lên thuyền dẫn 12 thanh niên được tuyển chọn ra đảo Cát Bà, cầm mác xẻ những bụi cây đầu tiên để mở nông trường. Đảo Cát Bà thời ấy được xem là cửa ngõ Hải Phòng, là miền biên ải có vị trí chiến lược về quân sự nhưng chẳng có ai tình nguyện sinh sống ở mảnh đất này vì điều kiện quá khó khăn. Sau khi ông Bí thư Tỉnh ủy về thì chỉ còn chúng tôi với khỉ, voọc, cầy, cáo và rừng hoang. Đàn ông đi rừng, đàn bà phát rẫy làm nương, dần dần mới thành nông trường Cát Bà. Rồi trai gái lấy nhau, cũng có vài người định quay về quê cũ nhưng không còn đất đai, không có nghề nghiệp gì để sống nên chấp nhận ở hẳn trên đảo này”, ông Nha hồi ức làm dân trên đảo.

Vừa phát hoang trồng rừng, vừa bảo vệ hòn đảo, những năm chiến tranh ác liệt nhất như gia đoạn 1968-1969 thì những công nhân thuộc nông trường Cát Bà trở thành một Đại đội tự vệ, được trang bị hai khẩu pháo 12 ly 7 đặt trên núi Bét Cồn và núi Áng Phùng. Là hoang đảo nhưng hễ bước chân ra khỏi những căn nhà trong khu tập thể thì ít nhất cũng phải lập thành nhóm, từ 2-3 người trở lên. Phần vì sợ đám khỉ ở đây rất thích trêu ghẹo đàn bà, phần vì sợ đi một mình lạc trong những hang động trong núi. Cái ăn, cái mặc đều tự sản tự tiêu. Ăn từ nguồn ngô lúa tự gieo, nước thì vào khe, vào suối gánh về. Làng nông trường Cát Bà hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài.

Mãi đến những năm 1984, khi nông trường giải thể để thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên rồi thành VQG Cát Bà thì vùng đất này mới đông vui lên được đôi phần. Vui vì có thêm nhiều công nhân từ trong đất liền ra đảo công tác, nhưng cũng rất nhanh chóng, những công thần khai hoang mở đất bị đẩy ra rìa do… thiếu trình độ.

“Người ta tuyển cán bộ, công nhân về làm cho VQG mà chúng tôi chịu vì không có bằng cấp. Đất đai ngày xưa muốn trồng gì, dựng nhà ở đâu thì tùy nhưng bây giờ thành đất của VQG cả. Không ai được xâm phạm. Thế là tay trắng. Không chỗ ở, không công ăn việc làm, không có đất sản xuất. Năm 2006, chính quyền địa phương có dự án dời làng ra khỏi vùng lõi VQG Cát Bà, nhưng cách làm của họ chẳng khác nào đánh đố người dân”, ông Nguyễn Văn Thủy, trưởng ngôi làng bị bỏ quên ngao ngán.

Lãng quên

Dự án mà ông Thủy nói đến là Dự án tái định cư Khe Sâu được UBND TP Hải Phòng giao cho Chi cục Phát triển nông thôn thuộc Sở NN-PTNT TP Hải Phòng làm chủ đầu tư. Dự án được phê duyệt lần đầu năm 2006 với vốn đầu tư gần 21 tỷ đồng. Đến 2008, thành phố đã điều chỉnh, nâng mức đầu tư lên gần 33 tỷ đồng. Nghe đâu đến năm 2012 này lại cần thêm 12 tỷ nữa đế hoàn thiện. Tổng cộng 44 tỷ để đưa ngôi làng bị bỏ quên ra khỏi vùng lõi VQG Cát Bà. Vậy nhưng đã 6 năm trôi qua mà người dân vẫn sống khổ sống sở trên đất cũ. Đầu năm nay, dự án đã cơ bản hoàn thành xong việc xây dựng 54 căn nhà ở khu vực Khe Sâu (thôn Hải Sơn, xã Trân Châu, huyện Cát Hải) cách đó vài cây số. UBND huyện Cát Hải và BQL dự án mời người dân ở ngôi làng bị lãng quên ra thăm nơi ở mới và làm thủ tục bốc thăm nhận nhà. Thế nhưng, những cư dân quen sống với núi rừng, khi ra nhìn nhà mới xong thì quay về với nỗi thất vọng tràn trề.

“Nhà không có bếp, không có nơi vệ sinh, hệ thống cống thoát nước thải lại cao hơn nhà nên nước chảy ngược vào trong. Không có đất trồng cấy, không có nghề nghiệp gì để sống”. Ông Nha xổ một tràng toàn không khi nói về nơi ở mới.


Khu tái định cư 6 năm rồi vẫn dở dang nên làng nông trường vẫn bị bỏ quên

Chưa hết, nếu muốn đến khu tái định cư này, mỗi hộ gia đình được chính quyền biếu tiền xây nhà nhưng đổi lại phải đóng đủ 106 triệu đồng tiền mua đất. “Chúng tôi trắng tay rời cái nơi đã cống hiến cả cuộc đời không được một xu nào thì lấy đâu ra tiền mà mua đất chứ. Quy định của dự án, của chính quyền chẳng khác nào đánh đố dân nghèo”, ông Thủy nói.

Khu tái định cư đã xây xong nhưng chưa biết đến khi nào mới được đến ở nên người dân ở làng nông trường tiếp tục quay trở về tá túc trong những căn nhà dột nát trong vùng lõi VQG Cát Bà. Ngày ngày họ đi làm thuê kiếm sống. Số thì bán hàng phục vụ khách du lịch, số thì lên rừng kiếm cây thuốc về bán, số lại đi phụ hồ ở các công trình xây dựng. Đất canh tác của họ bỏ bao nhiêu côgn sức cải tạo ngày trước đều bị gom vào đất quản lý của VQG Cát Bà nên những gia đình nào muốn trồng cây ngô, cây ổi kiếm thêm miếng ăn đều phải chui lủi, vụng trộm. Hễ nghe đài báo sắp mưa bão lại lục tục kéo lên hội trường VQG xin trú tạm mấy ngày.

“Trả lời về việc khu tái định cư đánh đố người dân, Sở NN-PTNT Hải Phòng cho rằng: Những sai phạm trong dự án đã khiến việc di dân ra khỏi vùng lõi Vườn quốc gia Cát Bà bị chậm nhiều năm so với kế hoạch. Trách nhiệm thuộc về đơn vị quản lý chủ đầu tư. Sở sẽ xem xét và kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân liên quan. Để kết thúc, dự án đang còn cần khoảng 12 tỉ đồng nhưng trong năm 2012, TP Hải Phòng chỉ có thể “rót” khoảng 2 tỉ đồng cho các hạng mục dở dang nên chưa thể hoàn thành được. Chính quyền trả lời kiểu đó thì dân chúng tôi còn bị lãng quên chưa biết đến bao giờ”, ông Đinh Văn Nha bức xúc.

 

Xem thêm
Công tác nhân sự đại hội Đảng các cấp phải thực hiện nghiêm, đúng nguyên tắc

Ngày 20/11, Đảng ủy Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tổ chức đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 cụm khu vực huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Quảng Nam sẽ là trung tâm sản xuất, cung ứng giống sâm Ngọc Linh

Mục tiêu đến năm 2035, tỉnh Quảng Nam phấn đấu trồng 10.000ha sâm Ngọc Linh, phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đồng Nai: Số bệnh nhi mắc sởi tăng nhanh, bệnh viện quá tải

Trong tuần qua, số lượng bệnh nhi mắc sởi phải nhập viện điều trị tại Đồng Nai tăng cao. Đặc biệt, Sở Y tế đã công bố ca tử vong đầu tiên do sởi.