Hồ Hòa Bình chưa từng có mục tiêu… nuôi trồng thủy sản
Ngày 5/6/2024, tỉnh Hòa Bình ban hành Đề án Phát triển thủy sản hồ chứa thủy điện Hòa Bình gắn với du lịch, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là bước tiếp theo thực hiện các chủ trương, chính sách mang tính định hướng chiến lược để khai thác lợi thế, tiềm năng nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình trong những năm qua của địa phương này.
Điều thú vị nhất, đó là khi xây dựng công trình thế kỷ- Nhà máy thủy điện Hòa Bình, việc xây đặp, ngăn sông chinh phục dòng sông Đà chưa bao giờ tính đến mục tiêu nuôi trồng thủy sản. Lợi thế về diện tích, độ sâu, chất lượng nước của hồ nhân tạo lớn thứ 4 ở Việt Nam “vô tình” cho địa phương này một lợi thế riêng để phát triển kinh tế, từ đó tạo nên tính đa giá trị bền vững của vùng lòng hồ.
Năm 2014, Ban thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành Nghị quyết số 12 về phát triển nuôi cá lồng bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2014 - 2020. Năm 2015, Hòa Bình ban hành Quyết định số 10 cụ thể hóa Nghị quyết 12 bằng việc đưa ra các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2015 - 2020.
Theo đó, các chủ thể nuôi cá lồng có quy mô 50m3 trở lên được hỗ trợ (một lần) 50% chi phí đầu tư, tương đương 25 triệu đồng/lồng, tối đa không quá 80 triệu đồng/hộ/năm. Chính sách này đã kích thích phong trào nuôi cá lồng trên lòng hồ phát triển nhanh. Đa số các lồng nuôi đều theo công nghệ mới, lồng lưới khung sắt với thể tích từ 70 – 100m3/lồng thay thế các lồng bương, tre. Các đối tượng nuôi có giá trị cao được hướng đến gồm cá chiên, cá lăng, bỗ, trắm đen, cá rô phi, cá tầm, cá lóc, cá vược…
Đến thời điểm hiện tại, vùng hồ Hòa Bình hiện có 4.987 lồng nuôi, tăng gấp gần 3 lần so với năm 2015. Số lồng nuôi được hỗ trợ theo các tiêu chị của Nghị quyết 12 là 2.602 lồng, chiếm gần 57% số lồng trên hồ thủy điện. Trong đó, có 35 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, trang trại hộ gia đình đầu tư nuôi thâm canh với quy mô lớn; 2 doanh nghiệp đầu tư nuôi hơn 200 lồng theo công nghệ tiên tiến.
Tổng số tiền tỉnh Hòa Bình hỗ trợ cho 1.702 hộ nuôi là gần 31 tỷ đồng. Đó là những quyết sách thiết thực biến nghị quyết, chính sách thực thi vào cuộc sống, đưa tiềm năng, lợi thế vùng hồ thành hiện thực.
Điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản lòng hồ của Chi cục Thủy sản Hòa Bình cho biết: nguồn lợi thủy sản tự nhiên và khu hệ cá phân bố trên các loại thủy vực tự nhiên ở Hòa Bình rất phong phú. Đã xác định có 24 bãi cá đẻ tự nhiên của 4 nhóm cá tham gia đẻ trứng. Khu hệ cá sông Đà thuộc địa phận tỉnh Hòa Bình gồm 94 loài và phân loài, thuộc 712 giống, 21 họ trong 8 bộ. Trong số này có 88 loài cá bản địa, 6 loài cá di nhập và 12 loài cá trong sách đỏ Việt Nam năm 2007.
Sông Đà đã ưu ái rất nhiều cho những vùng đất mà nó đi qua!
Thủy sản kết hợp du lịch - bước đi dài của Hòa Bình
Tính từ thời điểm tích nước lòng hồ thủy điện, một vùng sinh thái mới đã hiện diện trong khu vực diện tích 8.900ha mặt hồ nhân tạo. Những thác ghềnh hiểm trở, những núi cao, vực sâu… đã thành quá khứ. Những người lái đò trên sông Đà, những chiếc thuyền đuôi én phía sau buộc một bu gà có con gà trống đẹp mã làm chiếc đồng hồ gáy sáng…, giờ đây có lẽ chỉ còn trong tùy bút của cụ Nguyễn Tuân.
Thế nhưng, tất cả những hình ảnh từ quá khứ, hiện tại và cả trong tương lai đều là những thứ để làm nên hệ giá trị của con sông xưa. Nó cũng là nguyên tố để làm nên những đặc trưng riêng có của sông Đà, trong đó sản vật cá, tôm sông Đà là hiện thực của một trong những giá trị đó.
Cho nên, cần nhìn nhận cá – tôm sông Đà không chỉ là thủy sản. Nó còn là biểu tượng của một dòng sông, là thương hiệu của vùng đất, con người Tây Bắc - thứ mà người dân vùng lòng hồ đang được thụ hưởng còn lớn hơn cả những giá trị vật chất!
Hòa Bình đang đi đúng hướng, đó là khai thác thương hiệu của một dòng sông theo không gian đa chiều: trục dọc của thời gian; chiều rộng của không gian; những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể xung quanh… để làm nên hệ sinh thái mới. Trên hệ sinh thái này, người dân có nguồn lực để sinh kế, có tư liệu để sản xuất thay thế cho những nguồn lực xưa cũ giờ đây đã thẳm sâu dưới lòng hồ.
Trong lòng hồ Hòa Bình có 47 đảo lớn, nhỏ với diện tích gần 160 ha tạo nên quần thể kiến trúc, cảnh quan phong phú. Ven hồ có nhiều di tích lịch sử, văn hoá, tâm linh: đền và động Thác Bờ, vịnh Ngòi Hoa, động Hoa Tiên…; các khu, điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng cùng những bản làng Mường, Dao, Thái... Lợi thế này lại tiếp tục cho Hòa Bình có hướng đi mới: du lịch!
Ngày 1/8/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1528 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030. Tiếp đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 14 ngày 22/6/2017 về phát triển Khu du lịch hồ Hòa Bình thành Khu du lịch quốc gia. Đây chính là cơ sở để UBND tỉnh ban hành Quyết định 1325 (ngày 4/6/2018) phê duyệt Đề án phát triển Khu du lịch hồ Hòa Bình thành Khu du lịch quốc gia.
Hai nghị quyết; hàng loạt các văn bản quy phạm được ban hành trong 10 năm trở lại đây là tiền đề để Đề án 966 về phát triển du lịch gắn với nuôi trồng thủy sản vùng lòng hồ ra đời. Những tiềm năng, lợi thế từ sông Đà được khai mở ở 3 lĩnh vực: thủy điện – thủy sản và du lịch lòng hồ.
Hiện tại trên hồ Hòa Bình đã hình thành mô hình hộ dân vừa nuôi cá lồng cung cấp cho thị trường, vừa làm du lịch sinh thái. Các hộ dân đã chủ động kết hợp vừa nuôi cá, vừa đầu tư thuyền du lịch đưa đón khách vào các điểm tham quan lòng hồ; phục vụ ẩm thực ngay trên thuyền, đưa khách tham quan khu nuôi cá, chế biến các món ăn từ sản phẩm cá lồng...
Với cách làm này, du khách được trải nghiệm những dịch vụ mới mẻ, tham quan và sử dụng dịch vụ, sản phẩm đặc sản của địa phương. Nó cũng mở ra hướng đi mới trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Hòa Bình, là động lực để tăng sản lượng, tiêu thụ, giá trị sản xuất thủy sản; tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân.
Tháng 10/2023, lần đầu tiên Hòa Bình tổ chức lễ hội Tôm - Cá sông Đà, một hoạt động văn hóa, kinh tế, du lịch đa mục tiêu giúp quảng bá thiên nhiên - đất nước - con người Hòa Bình. Tại sự kiện, có màn đấu giá 2 con cá khủng do chính người dân Hòa Bình nuôi trên lòng hồ sông Đà: một con trắm đen nặng 30kg của Công ty TNHH Thủy hải sản Hải Đăng HB được đấu giá 65 triệu đồng; một con cá lăng đuôi đỏ nặng 20kg của Công ty TNHH Xây dựng và dịch vụ Cường Thịnh được bán với giá 50 triệu đồng.
Toàn bộ số tiền sau đấu giá được quy đổi ra cá giống để thả xuống lòng hồ, tái tạo nguồn thủy sản tự nhiên. Hai con “thủy quái” cũng được tổ chức trúng đấu giá thả về với tự nhiên. Đó là một hành xử đầy văn hóa, xứng đáng với tầm vóc và tư cách của một thực thể mà trước đấy, nó đã từng là dòng Đà giang hùng vĩ.