Hôm qua, chúng tôi đã đề cập đến vấn đề khó khăn của hãng phim Nhà nước (đã được cổ phần hóa) trong gia đoạn hiện nay qua bài phỏng vấn đạo diễn Nguyễn Thanh Vân. Vấn đề này, càng được làm rõ hơn trong Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2013 ngành điện ảnh do Cục Điện ảnh tổ chức sáng qua (18/7) tại Hà Nội.
Nguy cơ dang dở
Dự án làm phim kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đang có nguy cơ chậm tiến độ do kinh phí chưa được giải ngân. Dự án sản xuất phim “Sống cùng lịch sử” do Hãng Phim truyện VN xây dựng đã được các cấp phê duyệt. Hãng Phim truyện VN đã triển khai thực hiện dự án sản xuất phim này. Theo kế hoạch, bộ phim sẽ hoàn thành để kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2014).
Tuy nhiên, ông Vương Đức, Giám đốc Hãng phim truyện VN, cho biết, đến nay, hãng vẫn chưa nhận được một đồng kinh phí đầu tư nào. Và theo tiến độ, hiện một ê kíp của hãng đã đi khảo sát bối cảnh, để kịp bấm máy vào tháng 8/2013. Song nếu không có kinh phí, đồng nghĩa với việc không thực hiện trong tháng 8 tới thì chắc chắn bộ phim kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ không thực hiện kịp tiến độ.
Thiếu tiền, làm phim về đề tài lịch sử sẽ gặp khó khăn
Bộ phim “Sống cùng lịch sử” dự toán kinh phí khoảng 30 tỷ đồng nhưng vì năm nay kinh tế khó khăn, nên hãng chỉ được duyệt 21 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền hiện vẫn chưa được Bộ Tài chính giải ngân nên khả năng bộ phim không kịp tiến độ rất có thể xảy ra.
Cty TNHH MTV Hãng phim Giải phóng cũng cùng cảnh ngộ. Dự án phim cổ trang “Mỹ nhân” chưa khởi động vì vẫn chờ kinh phí. Được biết, có thể phim sẽ là đại diện Việt Nam dự LHP Quốc tế Hà Nội (HANIFF 2014) sẽ được tổ chức tháng 10/2014. Chỉ còn hơn một năm HANIFF khai màn, trong khi riêng khâu làm trang phục đã mất 3 tháng.
Thiếu kinh phí hay đầu tư chậm sẽ khiến những dự án này triển khai trong cập rập. Dư luận hoàn toàn có thể đặt câu hỏi, liệu những bộ phim được thực hiện một cách vội vàng, có thể đảm bảo chất lượng?
Hãng Phim truyện Việt Nam một thời là “anh cả đỏ” của nền điện ảnh đang sa sút trầm trọng. Sau cái tên gọi được đổi thành Cty TNHH MTV Phim truyện VN thì vẫn chưa có cơ chế hoạt động mới. Loay hoay xã hội hóa không được, Nhà nước cũng không xong, ngay cả trụ sở cũng đang xuống cấp, lỗi thời mà không được đầu tư nâng cấp. Địa chỉ số 4 Thụy Khuê (Hà Nội) nổi danh một thời giờ đây trở thành câu đùa có phần xót xa của giới điện ảnh “giữ lại làm trường quay đóng phim thời bao cấp”.
Mừng hụt
Sau nhiều năm rục rịch, khởi động, cách đây gần 2 năm (từ ngày 15-18/12/2013) trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 diễn ra tại Phú Yên, những người yêu điện ảnh đã mừng hụt khi tưởng Quỹ Phát triển Điện ảnh sẽ được ra mắt và đi vào hoạt động trong thời gian ngắn. Bởi tại cuộc hội thảo trong khuôn khổ Liên hoan phim này, quỹ đã được xúc tiến thành lập và đã thu được một số tiền đến từ nhiều đơn vị, ban ngành có liên quan đóng góp. Song cho đến nay, quỹ vẫn chưa hình thành.
Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho biết: “Hiện tại, có khó khăn là quỹ được ký duyệt 50 tỷ đồng nhưng phải bảo toàn vốn. Mục tiêu của Quỹ Phát triển điện ảnh là khen thưởng cho những tác phẩm điện ảnh có chất lượng, có tìm tòi, không phân biệt tư nhân hay Nhà nước. Trong khi, việc khen thưởng thì không thể hoàn tiền lại nên phải huy động nguồn thu, xã hội hóa thêm”.
Bà Lan cũng nhấn mạnh: “Hiện kinh phí Nhà nước đặt hàng chỉ dành cho những hãng phim Nhà nước, làm những bộ phim phục vụ những dịp tuyên truyền, kỷ niệm, vì thế, không có quỹ này, chúng ta chỉ chú tâm vào phim đặt hàng thì sẽ khó có đầu tư cho những dòng phim khác như phim tác giả, phim giải trí có chất lượng cao".
Chiến lược phát triển nền điện ảnh Việt Nam mà Cục Điện ảnh vừa xây dựng có đặt ra mục tiêu, đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có nền điện ảnh phát triển mạnh ở châu Á. Nếu không có tiền, không có cơ chế hoạt động, mục tiêu vẫn chỉ là mục tiêu xa vời.