| Hotline: 0983.970.780

Vài ý kiến về tiêu thụ lúa tại ĐBSCL

Thứ Năm 02/08/2012 , 13:52 (GMT+7)

Cần có chủ trương thường xuyên hàng năm thu mua tồn trữ lúa vào thời điểm thu hoạch để ngăn chặn từ xa giá lúa giảm sâu.

Những năm qua, kiến thức và kỹ năng trồng lúa của nông dân  vùng ĐBSCL đã được nâng lên rất nhiều thông qua việc học tập từ các phương tiện thông tin đại chúng, nông dân tiên tiến láng giềng, tham gia chương trình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, cánh đồng mẫu lớn (CĐML)…

Liên kết SX cùng có lợi

Do đó năng suất lúa ngày càng gia tăng, kể cả trong vụ HT và TĐ. Tuy nhiên khó khăn thách thức lớn nhất vẫn là khâu thu hoạch, phơi sấy, tồn trữ và tiêu thụ lúa. Việc tiêu thụ chủ yếu do các Cty kinh doanh lương thực thu mua thông qua thương lái. Lượng lúa Cty thu mua trực tiếp từ nông dân rất nhỏ, không đáng kể. Trong liên kết "4 nhà", cốt lõi nhất là sự liên kết giữa DN, đặc biệt là DN kinh doanh lương thực. Tuy nhiên phần lớn DN liên kết với nông dân là Cty kinh doanh hạt giống, phân bón, thuốc BVTV.

Trong những năm đầu sẽ rất khó thực hiện hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá cả xác định trước từ đầu vụ, ngay cả nông dân SX trong HTX hoặc CĐML. Lý do là nếu giá lúa lên cao vào thời điểm thu hoạch, nông dân cảm thấy có lời thì họ bán lúa tươi cho thương lái tại ruộng một cách thoải mái mà không quan tâm đến hợp đồng đã ký trước đó với DN.

Trong trường hợp giá lúa xuống thấp vào thời điểm thu hoạch, DN không thể mua cao hơn giá thị trường, đặc biệt là trên diện tích rộng hàng ngàn ha. Bởi GĐ Cty đó sẽ không thể giải thích được với cổ đông của mình là tại sao dễ dàng chấp nhận lỗ trước mắt hàng tỷ đồng để giữ chữ tín trong thu mua lúa cho nông dân theo hợp đồng.

Trong CĐML, một vài Cty chấp nhận mua giá lúa cao hơn vài ba trăm đồng mỗi ký vì họ được Nhà nước hỗ trợ trong suốt quá trình SX. Tuy nhiên với diện tích ngày càng mở rộng, DN không thể tiếp tục duy trì phương thức này. Thử thực hiện một bài toán, với diện tích thu hoạch 5.000 ha, năng suất 5 tấn/ha, giá mua cao hơn 200 đ/kg so với giá thị trường, thử hỏi có Cty nào chấp nhận lỗ ngay 5 tỷ đồng khi mua hết 25.000 tấn lúa của nông dân với mức chênh lệch 200 đ/kg?

Mục tiêu cơ bản lâu dài cần đạt được khi giá lúa xuống thấp vào thời điểm thu hoạch là phơi sấy tồn trữ lúa khô để chờ khi giá lên thì bán ra nhằm đạt được lợi nhuận cao. Trong giai đoạn hiện nay trên diện tích nhỏ dưới dạng thí điểm diện hẹp, ví dụ như ở các CĐML khoảng vài trăm ha, với sự hỗ trợ từ Nhà nước, các DN có thể thực hiện được vì nguồn kinh phí không lớn.

Trong tương lai sẽ SX trên diện rộng, liên kết các CĐML với nhau thì vai trò của Hội Nông dân là rất quan trọng. Hội tổ chức vận động nông dân mua vật tư bằng tiền mặt ngay từ đầu vụ, không mua chịu (nợ trả cuối vụ) để không bị áp lực phải bán lúa tươi ngay khi thu hoạch.

Hội Nông dân các cấp sẽ tổ chức liên kết nông dân SXKD tập thể, vận động hội viên giảm chi phí SX về giống, phân bón, thuốc BVTV, bơm tưới nước, thất thoát trong thu hoạch để giảm giá thành sản phẩm, thuận lợi trong cạnh tranh tại thị trường nội địa và quốc tế. Hợp tác trực tiếp, minh bạch và sòng phẳng với DN trong thu hoạch, tồn trữ, kinh doanh sản phẩm do nông dân liên kết SX ra.

Nhà nước phải hỗ trợ

CĐML là sự liên kết nông dân có những mảnh ruộng nhỏ liền canh cùng SX 1 giống lúa với quy trình thống nhất để có được số lượng hàng hóa lớn và đồng nhất sẽ thu hút sự quan tâm của các DN kinh doanh lương thực. Hội Nông dân cấp cơ sở cần phối hợp với chính quyền sở tại hình thành các CĐML liền kề trên những khu vực tập trung có đường giao thông thuận lợi, đặc biệt là giao thông thủy, dễ dàng trong việc vận chuyển sản phẩm đến các cơ sở phơi sấy, tồn trữ và xay xát lúa gạo. Kêu gọi DN đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ở địa điểm thuận lợi nhất trên địa bàn để tồn trữ chế biến lúa gạo chờ giá tăng để quyết định bán vào thời điểm thích hợp.

Vận động toàn dân tham gia tồn trữ lúa khô khi giá thị trường xuống thấp. Hiện nay đang có những điểm sáng là một vài DN tổ chức vận chuyển miễn phí lúa của nông dân về kho, sấy lúa miễn phí và cho chịu nợ lưu kho trong vòng 1 tháng. VN đứng thứ hai thế giới về XK gạo, việc toàn dân tham gia tồn trữ lúa khô sau khi thu hoạch sẽ giúp giảm lượng lúa hàng hóa trong thị trường, các nhà XNK nước ngoài lo ngại sự thiếu hụt nguồn nguyên liệu, sẽ quyết định thu mua nông sản với giá cao, góp phần kéo giá lúa lên mà không giảm sâu thêm.

Sản phẩm lúa gạo SX tại trang trại kiểu mẫu có thương hiệu đã được DN xác định trước. Giá lúa lúc thu hoạch không là mối bận tâm của nông dân, bởi họ là thành viên của trang trại sẽ được chia lời sau khi bán sản phẩm. Trang trại kiểu mẫu sẽ là tấm gương cho các chủ trang trại nhỏ hàng trăm ha học tập và làm theo nhằm hình thành hàng ngàn trang trại kiểu mẫu trong vài ba chục năm sắp tới.

Nhà nước cần dành nguồn kinh phí nhất định hàng năm để hỗ trợ 100% lãi suất ngân hàng cho nông dân và DN có nhu cầu vay vốn để xây dựng kho bãi phơi sấy, tồn trữ, xay xát trong khu vực liên kết SX CĐML. Cần có chủ trương thường xuyên hàng năm thu mua tồn trữ lúa vào thời điểm thu hoạch để ngăn chặn từ xa giá lúa giảm sâu. Vụ HT vào khoảng tháng 7-8 và vụ ĐX vào tháng 2-3. Nên thu mua lúa trực tiếp chứ không tồn trữ dưới dạng quy gạo và mỗi vụ khoảng 2 triệu tấn lúa và thời gian hỗ trợ lãi suất khoảng 4-5 tháng cho bất cứ đối tượng nào tham gia tồn trữ, kể cả nông dân tập thể lẫn DN.

Thử tính một bài toán. Mỗi vụ Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất ngân hàng (1,5%/tháng) trong vòng 5 tháng để tồn trữ 2 triệu tấn lúa khô vụ HT bắt đầu vào tháng 7 và vụ ĐX bắt đầu vào tháng 2. Tổng số tiền cần dùng ngân sách để chi hỗ trợ hàng năm cho SX lúa tại vùng ĐBSCL nhằm tồn trữ tổng cộng 4 triệu tấn lúa khô trong vòng 5 tháng là 1.500 tỷ đồng, một con số thỏa đáng để ổn định giá cả ngành SXKD lúa gạo.

Ngay từ bây giờ, nên chọn CĐML tiêu biểu để liên kết toàn diện với một số DN tiên phong nhằm hình thành một số trang trại kiểu mẫu với quy mô hàng ngàn ha với phương thức người nông dân đóng góp đất đai, DN đóng góp nguồn vốn để hình thành trang trại hiện đại, quy hoạch thiết kế đồng ruộng, kênh mương, hệ thống giao thông, cơ sở chế biến một cách khoa học chuẩn mực nhằm SX cơ giới hóa từ khâu gieo trồng chăm sóc đến thu hoạch, phơi sấy, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội tăng hơn 13 lần trong 19 năm

Diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội đã tăng một mạch từ 610ha năm 2005 lên khoảng 8.000ha trong thời điểm hiện tại.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.