| Hotline: 0983.970.780

Trắng tay do bất chấp cảnh báo thiệt hại

Thứ Sáu 02/08/2013 , 09:44 (GMT+7)

Sau trận mưa lớn trong vài giờ, hàng chục tấn cá đặc sản của ngư dân các xã Hải Thanh, Hải Bình, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đã chết trắng lồng...

Sau trận mưa lớn trong vài giờ, hàng chục tấn cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như cá vược, cá hồng mỹ, cá mú... của ngư dân các xã Hải Thanh, Hải Bình, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đã chết trắng lồng khiến nhiều gia đình bỗng chốc lâm cảnh nợ nần chồng chất.

Trắng tay chỉ sau một đêm

Sáng 30/7, có mặt tại kênh Than (xã Hải Thanh), nơi hàng chục hộ nuôi cá lồng bị chết, chúng tôi chứng kiến cảnh có rất nhiều người nuôi cá lồng tiếc của ngồi thất thần bên con đê biển. Bà Đặng Thị Hải (51 tuổi) mếu máo cho biết: “Cá chết hàng loạt khiến toàn bộ khối tài sản cả tỷ đồng bỗng đội nón ra đi. Đau xót quá!”.

Rồi bà Hải đưa chúng tôi ra khu lồng nuôi, chỉ xuống những chiếc lồng giờ trống không, tan hoang, xơ xác. Theo bà Hải, trước ngày gặp đại nạn, gia đình bà nuôi 4 tấn cá vược thành phẩm (120 nghìn đồng/kg), 3 tấn cá hồng mỹ thương phẩm (90 nghìn đồng/kg). Ngoài ra, cách đây ít ngày, bà mới mua thêm 17 nghìn con cá vược giống.

Để có tiền đầu tư nuôi cá, gia đình bà Hải đã cầm cố tài sản, nhà cửa vay mượn ngân hàng và hàng xóm. Nhưng chỉ sau một đêm, sáng ra hàng chục tấn cá ngửa bụng chết trắng lồng. Gia đình bà Hải là một trong số hộ bị thiệt hại lớn nhất trong đợt vừa qua, tổng số tiền lên đến gần 1 tỷ đồng.


Cá lồng chết hàng loạt sau trận mưa đêm 23 rạng sáng 24/7 tại âu neo đậu tàu thuyền Lạch Bạng

Cùng cảnh ngộ, gia đình anh Nguyễn Văn Quân (25 tuổi, cùng xã Hải Thanh) cho biết, anh là người đầu tiên nuôi cá lồng trên kênh Than. Để chắc ăn, trước khi tiến hành nuôi cá, anh Quân đã đi nhiều nơi tìm hiểu kỹ về nguồn nước, kỹ thuật nuôi trồng… Trong hai năm đầu, cá tăng trưởng tốt, thu nhập bình quân 200 triệu đồng/năm sau khi trừ đi các khoản chi phí.

Thấy việc nuôi cá lồng đem lại nguồn thu lớn, năm 2013, anh Quân bàn với gia đình huy động thêm vốn, thả khoảng 20 nghìn con giống cá hồng mỹ, 4 tạ cá mú...

Cá đang trong thời gian phát triển tốt thì tối ngày 23, rạng sáng 24/7, sau trận mưa lớn kéo dài, anh Quân thấy hàng loạt cá trong lồng ngóc đầu và ngoi lên mặt nước. Phát hiện điều bất thường, mọi người đã dùng nhiều biện pháp như sục khí ôxy, kéo giãn mật độ lồng nuôi... nhưng không có kết quả. Các gia đình chỉ biết đứng nhìn hàng chục tấn cá gần đến ngày thu hoạch chết trắng. Chỉ riêng nhà anh Quân mức thiệt hại lên đến gần 800 triệu đồng.

Gần một tuần kể từ ngày cá lồng chết hàng loạt, có nhiều suy đoán, nhận định của các hộ nuôi cá về nguyên nhân gây chết cá trong lồng nuôi. Đó là nguồn nước bị ô nhiễm do việc xả nước thải ra môi trường của các cơ sở chế biến cá làm thức ăn gia súc nằm trên địa bàn xã Hải Thanh...


Những chiếc lồng trống trơn, tan hoang chỉ sau một đêm mưa

Người dân phớt lờ cảnh báo thiệt hại

Làm việc với chính quyền xã Hải Thanh, đại diện xã cho biết nghề nuôi thả cá trên kênh Than của các hộ dân xã Hải Thanh và Hải Bình bắt đầu từ năm 2011. Đây là số hộ nuôi cá tự phát, không nằm trong diện tích quy hoạch nuôi cá lồng trên biển của huyện Tĩnh Gia.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, xã đã cử cán bộ xuống hiện trường nắm bắt tình hình và đang hướng dẫn người dân làm tường trình. Tuy nhiên, mức độ thiệt hại khá lớn, lên đến hàng chục tỷ đồng nên địa phương cũng chưa có hướng giải quyết cụ thể; đồng thời chưa thể kết luận được nguyên nhân gây chết cá hàng loạt.

Trao đổi với PV NNVN, ông Mai Xuân Châu – Trưởng phòng NN huyện Tĩnh Gia khẳng định: Kênh Than thuộc khu vực âu neo đậu tránh bão cho tàu thuyền nghề cá Lạch Bạng khi có mưa bão xảy ra, được chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại quyết định 3447/QĐ-UBND ngày 31/10/2008. Do đó, khu vực này không đảm bảo các điều kiện để nuôi cá lồng.

Năm 2012, trước thực trạng các hộ dân bất chấp quy định của tỉnh, huyện về việc cấm nuôi thả cá lồng trong khu vực âu neo đậu tàu thuyền, vẫn tự phát nuôi cá lồng trong khu vực này; UBND huyện Tĩnh Gia đã tổ chức hội nghị về việc quản lý và đưa ra giải pháp ngăn chặn việc nuôi cá lồng tự phát của các hộ dân.

Theo đó, huyện Tĩnh Gia yêu cầu các xã tuyên truyền để các hộ dân ý thức được việc tự phát nuôi cá lồng tại khu vực trên là vi phạm các quy định của pháp luật, đồng thời cảnh báo về nguy cơ thiệt hại về kinh tế cho các hộ nuôi do các yếu tố ô nhiễm môi trường, xả lũ cống ngăn mặn làm cá chết hàng loạt; làm ảnh hưởng đến việc tàu thuyền ra vào âu neo đậu, đặc biệt là trong mùa mưa bão.

Huyện quyết liệt yêu cầu các hộ dân thực hiện nghiêm túc cam kết với UBND xã và các ngành chức năng, thực hiện việc di chuyển lồng nuôi ra khỏi âu neo đậu tàu thuyền trước 30/7/2012. Các hộ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tài sản trong quá trình nuôi cá do ảnh hưởng của việc xả lũ, nạo vét âu neo đậu và các vấn đề do ô nhiễm môi trường, hoặc khi di chuyển lồng cá đến vị trí mới. Tiến hành tháo dỡ lồng nuôi cá khi cá đạt giá trị thương phẩm, thời gian trước ngày 31/12/2012.

Đến hết năm 2012, các hộ dân của xã Hải Bình đã chấp hành nghiêm chỉ đạo của UBND huyện Tĩnh Gia, tự nguyện tháo dỡ lồng cá trong khu vực âu tránh trú bão. Tuy nhiên, còn 7 hộ dân thuộc xã Hải Thanh không chấp hành chỉ đạo, vẫn cố tình nuôi cá lồng. Cùng với 7 hộ trên, năm 2013 đã có thêm 5 hộ (của 2 xã Hải Thanh, Hải Bình) phát sinh nuôi cá lồng trong và ngoài khu vực âu tránh trú bão.

Ngày 29/7/2013, sau khi nhận được thông tin về việc cá chết hàng loạt, UBND huyện Tĩnh Gia đã có buổi làm việc với Chủ tịch UBND các xã Hải Thanh, Hải Bình, Bình Minh, các phòng ban liên quan về sự việc trên. Theo đó, ông Nguyễn Văn Dương – Phó Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia phê bình xã Hải Thanh không nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của huyện trong việc tháo dỡ lồng cá trong thời gian hạn định, để tăng thêm số lồng nuôi tự phát, số hộ nuôi.

Khi sự việc xảy ra, UBND xã Hải Thanh không báo cáo kịp thời sự việc về UBND huyện để xin ý kiến chỉ đạo giải quyết... Xã phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể không thực hiện chỉ đạo của huyện trong năm 2012, để tăng thêm số lượng lồng nuôi, các hộ nuôi so với thời điểm tháng 7/2012, báo cáo về UBND huyện trước ngày 5/8/2013.

Đồng thời yêu cầu các xã tổ chức đến thăm hỏi, động viên tinh thần bà con bị thiệt hại; tăng cường tuyên truyền, thuyết phục bà con tự tháo dỡ các lồng cá nuôi trong khu vực âu neo đậu tàu thuyền. Huyện Tĩnh Gia cương quyết yêu cầu các xã phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng, các lực lượng có liên quan tổ chức cưỡng chế tháo dỡ lồng nuôi nếu các hộ cố tình chây ỳ. Việc tháo dỡ phải hoàn thành và báo cáo UBND huyện trước ngày 20/8/2013.

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cò đã trắng trên miền cát mặn

Một bầy cò trắng tranh nhau dầm những đôi chân khẳng khiu trong hồ nước hiếm hoi giữa miền cát trắng. Nghe tiếng động, chúng nháo nhác bay lên, sải những đôi cánh trắng muốt...