| Hotline: 0983.970.780

Dân vác cuốc “khai hoang” khu công nghiệp

Thứ Hai 09/01/2012 , 09:26 (GMT+7)

Xót xa trước việc hàng trăm hecta đất nông nghiệp bị thu hồi rồi bỏ hoang suốt 8 năm qua, dân xã Lai Vu (huyện Kim Thành) rồng rắn vác cuốc ra KCN để vỡ đất khai hoang.

Xót xa trước việc hàng trăm hecta đất nông nghiệp bị thu hồi rồi bỏ hoang suốt 8 năm qua, dân xã Lai Vu (huyện Kim Thành) rồng rắn vác cuốc ra KCN Tàu thủy Hải Dương (thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - VINASHIN) để vỡ đất khai hoang. Họ lên kế hoạch sang năm mới Nhâm Thìn, sẽ biến KCN bỏ hoang này thành… vựa chuyên canh SXNN!

Với khẩu hiệu “Thức dậy đất ơi!”, hai ngày gần đây, chẳng ngại cái rét cắt da cắt thịt, dù năm hết Tết đến, nhưng thay vì bủa lên thành phố kiếm tiền tiêu Tết như mọi năm, hàng trăm hộ dân xã Lai Vu, ai có cuốc dùng cuốc, ai có xẻng dùng xẻng, đã cùng nhau ùa ra KCN Tàu thủy Hải Dương vỡ đất khai hoang. Tính đến ngày hôm qua (8/1), nông dân đã cùng nhau vỡ hoang được diện tích hơn một mẫu đất, thuộc khu vực giáp với cổng chính của KCN Tàu thủy Hải Dương.  

“Ngày hội khai hoang” tại KCN Tàu thủy ở Lai Vu

Nông dân cùng nhau san lấp, đào hố, huy động lực lượng tập hợp cây chuối con tại các thôn trong xã đưa ra trồng tại các lô đất bỏ hoang trong KCN. Hiện tại, nhiều lô đất vốn là đất hai vụ lúa cực kỳ màu mỡ trước đây bị san lấp rồi bỏ hoang hóa cho cỏ dại mọc gần 10 năm qua đã được phủ xanh bằng chuối.

Chị Bùi Thị Loan, nông dân thôn 1, xã Lai Vu đang rất hăng hái vỡ hoang đất tại KCN này cho biết, hơn 8 năm qua, trong khi hàng trăm hộ dân xã Lai Vu thiếu đất SX, thiếu việc làm, thì hàng trăm hecta đất sau khi bị thu hồi để thực hiện Dự án KCN Tàu thủy Hải Dương gần như không triển khai xây dựng, mà bỏ phế thành bãi chăn thả gia súc. Riêng gia đình chị Loan cũng bị thu hồi 4/5 sào đất hai vụ lúa để nhường đất cho KCN tàu thủy. Suốt 8 năm qua, KCN không triển khai, hi vọng có việc làm sau khi KCN mọc lên bị dập tắt, đất sản xuất không còn, cả gia đình 5 miệng ăn chỉ trông vào thu nhập từ việc đi làm thuê tắc bụp của hai vợ chồng…

Cũng ngần ấy thời gian, hàng trăm hộ dân bị thu hồi đất tại xã Lai Vu lâm tình cảnh tương tự như gia đình chị Loan. Đã thế, tình trạng hàng trăm hecta đất KCN bị thu hồi rồi bỏ hoang càng khiến nông dân thêm bức xúc và xót xa. Mấy năm gần đây, nhiều nông dân trong xã Lai Vu cũng đã tự phát đưa trang trại ra KCN nhằm giảm thiểu ô nhiễm trong khu dân cư, hoặc tận dụng bãi cỏ để chăn nuôi gia súc. 

Ý tưởng khai hoang, tận dụng đất bỏ hoang của KCN này để tái SX nông nghiệp từ lâu đã nung nấu trong lòng nông dân Lai Vu. Vào những ngày giáp Tết này, ý tưởng đó càng bùng lên, nông dân người này bảo người kia, đã cùng nhau vác cuốc ra KCN vỡ đất. Nông dân cho biết, họ đã lên kế hoạch rất bài bản để khai hoang KCN này, biến thành vùng SX nông nghiệp. Theo đó, sắp tới người dân thuộc 3 thôn bị thu hồi đất cho KCN Tàu thủy của xã Lai Vu sẽ cùng nhau lập ra Ban điều hành SX, mỗi thôn 3 người.  

Mục tiêu từ nay đến giáp Tết Nhâm Thìn, bà con quyết tâm hoàn thành việc vỡ đất để phá cỏ dại. Sau Tết, họ sẽ thuê máy cày để xới lại và san phẳng thành các thửa lớn để SX chuyên canh các loại cây công nghiệp. Sau đó, Ban điều hành sẽ chịu trách nhiệm chia đất cho các hộ dân, hoặc cho các hộ dân đấu thầu để trồng các loại cây ngắn ngày nhằm cải tạo đất như đậu tương, sắn dây, đu đủ… Các diện tích đất cao sẽ trồng cây ăn quả như tre lấy măng, na, ổi…, đồng thời đưa các trang trại chăn nuôi có nhu cầu ra KCN này.  

Việc SX sẽ có Ban điều hành chịu trách nhiệm hỗ trợ nông dân mua giống, phân bón, đến SX tiêu thụ sản phẩm… Họ đặt mục tiêu trong năm 2012, nếu tình hình triển khai xây dựng của Dự án KCN Tàu thủy vẫn không có gì biến chuyển, thì sẽ biến KCN này thành vựa SX nông nghiệp của xã!

Chị Bùi Thị Loan, nông dân thôn 1, xã Lai Vu: 

“Với diện tích đất ruộng bị thu hồi của gia đình tôi khoảng 4 sào, nếu tính mỗi sào một năm là 5 tạ thóc, thì 8 năm qua là 16 tấn. Chỉ cần tính giá thóc trung bình khoảng 4.000 đ/kg, tức đã tương đương với hơn 60 triệu đồng. Trong khi đó, lúc thu hồi đất, mỗi sào chúng tôi chỉ được đền bù khoảng 6 triệu đồng, 4 sào là 24 triệu. Như thế, nếu quy ra thóc thì tới giờ, giá trị SX được trên diện tích ruộng bị thu hồi đã hơn gấp đôi tiền đền bù đất. Thế mà 8 năm qua, đất đó bỏ hoang, chả sinh ra đồng nào”.

Trở lại với câu chuyện bi hài của Dự án KCN Tàu thủy Hải Dương ở xã Lai Vu. Cuối năm 2003, UBND tỉnh Hải Dương đã quyết định thu hồi hơn 200 hecta đất nông nghiệp tại 3 thôn của xã Lai Vu để giao cho Vinashin.

Tuy nhiên sau đó, đa số những nông dân bị thu hồi đất cho rằng, trình tự, thủ tục thu hồi đất và công tác GPMB tại đây là sai trái pháp luật. Vì vậy, chỉ có một số ít hộ dân bị thu hồi đất chịu nhận tiền đền bù, còn lại hơn 300 hộ dân khác không nhất trí nhận tiền. Sự việc trên kéo dài tận ngày hôm nay.  

Nông dân xã Lai Vu, lúc đỉnh điểm đã có hàng trăm người kéo lên các cấp có thẩm quyền ở cả TƯ và địa phương đòi giải quyết quyền lợi. Việc khiếu nại kéo dài, đã gây mệt mỏi, tốn kém tiền của, thậm chí đình trệ cả lao động, SX nhưng tới nay vẫn chưa được giải quyết. Trong khi đó cho đến thời điểm này, hiện trạng xây dựng và sử dụng đất thu hồi tại KCN Tàu thủy tại Lai Vu vẫn “án binh bất động”, với diện tích hoang hóa ước vẫn chiếm tới 2/3 tổng diện tích – tương đương với trên 100 hecta đất nông nghiệp màu mỡ suốt 8 năm qua vẫn bỏ hoang cho cỏ dại mọc. 

Báo NNVN, ngay từ những ngày đầu nhận được phản ánh bức xúc của người dân xã Lai Vu khi Dự án bắt đầu triển khai, cho tới khi sự kiện “con tàu Vinashin” ngụp lặn, phá sản cũng đã có nhiều bài báo phản ánh thực tế về tâm tư của người dân ở đây. Một năm nữa lại sắp trôi qua, và trong những ngày cuối năm này, mong mỏi của những nông dân mất đất ở Lai Vu, đó không phải là mơ về một cái Tết sung túc, mà suốt 8 năm qua, họ vẫn từng ngày mong muốn được các cấp có thẩm quyền của tỉnh Hải Dương cùng nhau “ngồi lại” với người dân để bàn bạc phương án xử lí thấu tình đạt lí, đúng luật đối với việc thu hồi đất.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm