| Hotline: 0983.970.780

Sĩ tử “méo mặt” vì phòng trọ đội giá mùa thi

Chủ Nhật 01/07/2012 , 09:31 (GMT+7)

Chuyện "đến hẹn giá lên" năm nào cũng thế đã khiến hàng ngàn sĩ tử cùng người thân "méo mặt" vì chỗ ăn, chỗ ở...

Các xóm nhà trọ ở mọi ngõ ngách Hà Nội lại bước vào những ngày sôi sục nhất năm. Chẳng cần so với giá phòng của năm ngoái, nhiều chủ nhà trọ đã mạnh tay đẩy giá lên từng ngày. Chuyện "đến hẹn giá lên" năm nào cũng thế đã khiến hàng ngàn sĩ tử cùng người thân "méo mặt" vì chỗ ăn, chỗ ở cho vài ngày “lai kinh” ứng thí.

Thấm thía từ lần thi đại học của cậu cả, năm nay chị Nguyễn Thị Tĩnh (Hoằng Hóa-Thanh Hóa) lên Hà Nội trước ngày thi đến cả tuần. Hai năm trước, hai mẹ con chị Tĩnh được một phen hết hồn vì cái tội ung dung sát ngày thi mới lên Hà Nội tìm chỗ trọ. Lếch thếch cả nửa ngày, hai mẹ con phải thuê một gã xe ôm kiêm cò nhà trọ dẫn đi xem phòng.


Gần đến ngày thi đại học, giá nhà trọ đang tăng từng ngày

Chỗ đắt thì mẹ con chị Tĩnh có móc hết tiền trong người cũng chỉ đủ ở hai hôm. Chỗ rẻ thì giá chấp nhận được ở quãng 50.000-60.000 đồng/ngày nhưng 3-4 người chen chúc trong phòng nhỏ chỉ hơn chục mét vuông. Mệt mỏi, hai mẹ con phải chấp nhận nghỉ lại ở cái lò nung cách trường đến gần ba cây số ấy.

“Năm nay lên sớm nhưng giá cả thậm chí còn đắt gần gấp đôi đợt trước. Chủ nhà bảo hai mẹ con được ở phòng riêng, giá 100.000 đồng/ngày nhưng chẳng biết thế nào, mấy hôm nữa có khi lại nhồi người thì mình cũng chịu,” chị Tĩnh lắc đầu.

Đây cũng là mức giá chung ở nhiều nhà trọ khu vực gần trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Học viện Báo chí-Tuyên truyền…

Hơn tuần này, tờ rơi cho thuê nhà được dịp hoành hành làm khổ không biết bao nhiêu bức tường ở những khu vực này. Người ta thấy những mảnh giấy được đánh máy vuông vắn chằng chịt đè lên cả những tờ rơi nguệch ngoạc chữ viết tay.

Mức giá phần lớn đều dao động từ 100.000 đồng tới 150.000 đồng/ngày. Chỗ nào “mềm” hơn thì có giá chỉ 80.000 đồng/ngày nhưng chủ nhà cũng chả giấu, mức giá ấy thì phòng trọ chắc chắn phải ken khoảng 4 người trong diện tích chừng 10 m2.

Mức giá ấy cũng đủ khiến sĩ tử và phụ huynh từ nhiều miền quê bị một phen "đỏ mắt." Nhẩm tính, anh Nguyễn Văn Minh (Phú Thọ) bảo, mỗi ngày ở Hà Nội hai bố con anh mất đứt gần nửa triệu đồng. Riêng tiền ở của hai bố con đã tốn hơn 300.000 ngày/ngày, đó chưa tính tới tiền ăn, uống, di chuyển.

Anh Minh bộc bạch, đó là bố con anh lên Hà Nội tìm chỗ trọ từ cuối tuần, nếu để vài ngày nữa, có khi số tiền 2 triệu đồng cả nhà vừa bán được vụ nấm chắc cũng không đủ. Anh Minh nhờ người quen xem chỗ thuê phòng trên mạng thì giá chỉ hơn 100.000 đồng/người/ngày nhưng đến nơi chủ quán cơm kiêm nhà trọ khu vực phường Dịch Vọng Hậu đã quát lên tới 150.000 đồng/ngày. Con trai anh thi ở trường Đại học Sư phạm cách đó chỉ vài trăm mét. Tiếc chỗ, anh đành nhắm mắt rút tiền.

“Thế mà, có người hôm nay hỏi giá đã nhích lên 160.000-170.000 đồng rồi,” anh Minh nói.

Đối phó với chuyện giá tăng từng ngày ấy, nhiều phụ huynh đã phải cắn răng thuê phòng trọ cả tháng chỉ để ở vài ngày lên Hà Nội. Hiểu được nhu cầu ấy, mức giá thuê phòng vốn được hâm nóng từ sau Tết lại một lần nữa lại được thổi bùng lên ở nhiều khu trọ.

Gần một triệu đồng là mức giá rẻ nhất được nhiều chủ nhà ra rả thét cho phòng trọ “thâm canh” vụ hè ngắn ngày.

Kể về hành trình tìm nhà trọ, chịu Dịu nói, chị đã lặn lội từ nhà ra sớm vài bữa để khảo sát địa điểm thi của con đồng thời cũng tìm chỗ ăn ở cho mấy ngày thi đại học.

Chị đã vào gần 10 nhà trọ nhưng chưa nhà nào chị ưng ý bởi có nhà thì rộng nhưng nước sinh hoạt bẩn, lối đi tối tăm; có nhà giá rẻ nhưng lại ẩm thấp… Cuối cùng, qua lời giới thiệu của cò mối giới chính là những chủ nhà trọ chị vừa qua thì chị đã tìm được một căn phòng ở thuận tiện sinh hoạt.

“Ngoài hơn một triệu đồng tiền thuê nhà, mình còn phải thêm tiền cho người môi giới 50.000 đồng và 300.000 đồng cho cậu sinh viên ở khu trọ Phùng Khoang để giữ phòng. Mất thêm không ít nhưng cháu nó yên tâm chỗ ăn chỗ ở, làm bài thi mới tốt,” chị Dịu, quê Hải Dương thật thà.

Một nhà trọ tốt với giá hợp lý đối với những người đã từng sống nhiều năm ở Hà Nội đã là một vấn đề, đối với các sĩ tử lần đầu tiên “chân ướt, chân ráo” đến đây lại càng khó bội phần. Và, gần đến kỳ thi, phụ huynh vẫn nhọc nhằn tìm nơi gối đầu để thỏa chí học hành cho con trong mỗi lần vượt vũ môn.

(Theo Vietnam+)

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.