| Hotline: 0983.970.780

“Nữ tướng” đồng xanh

Thứ Ba 24/01/2012 , 11:30 (GMT+7)

Bà là Dương Thị Cương (60 tuổi), ấp Nước Mặn 2, thị trấn Long Phú, huyện Trần Đề, Sóc Trăng, hiện đang sở hữu tới 260 công đất ruộng.

Bà Dương Thị Cương và chàng rể kiêm tài xế chiếc Ford Everest

Bà là Dương Thị Cương (60 tuổi), ấp Nước Mặn 2, thị trấn Long Phú, huyện Trần Đề, Sóc Trăng, hiện đang sở hữu 260 công đất ruộng.

 

Trồng lúa đi xe Ford Everest

Có lẽ không quá lời khi có không ít người gọi bà là “nữ tướng” đồng xanh khi nhìn lại cả quá trình cầm cuốc, khiển đất của bà. Từ một nông dân chân lấm tay bùn mang nặng bao nỗi sầu riêng bởi cuộc sống gặp nhiều khắc nghiệt, thoáng một thời gian, cư dân địa phương đã xem bà là một đại gia, trong tay có lắm tiền nhiều của thuộc bậc nhất nhì ở vùng đất nghèo có đến 78% hộ dân tộc là đồng bào Khmer.

Sự thật được chứng minh khi cuối năm ngoái, hương lộ 8 nối từ thị trấn Long Phú, huyện Long Phú đến thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) xuất hiện một chiếc Ford Everest phiên bản 2009 mới coóng thường xuyên qua lại. Thoạt đầu, người dân sở tại cứ nghĩ đó là xe của đại gia nào về đầu tư làm ăn tại vùng đất thuộc xã Long Phú nhưng khi nhận rõ từ nơi xe bắt đầu lăn bánh đi và trở về thì "xuất xứ" của chiếc xe trị giá gần 40.000 USD kia chính từ ngôi nhà của bà Dương Thị Cương.

Vậy mà khi có ai đó hỏi về bí quyết làm giàu, người phụ nữ nông dân người Khmer này chối nguầy nguậy: “Tui có làm gì đâu mà, tất cả là do tụi con tui làm đó. Tui chỉ là người bày ra cách rồi động viên tụi nhỏ ráng làm thôi chứ có bí quyết gì đâu…”. Như chợt nhớ ra, bà Cương nói tiếp: “Tui có cái may mắn rất lớn là dạy biểu tụi nhỏ biết nghe lời, nên ít khi công chuyện làm ăn bị thất bại. Năm nào ruộng nương thất bát lắm cũng có lời chút ít chứ chưa bao giờ bị lỗ”.

Khi nhắc tới chiếc xe bốn bánh đậu bên hông nhà, bà Cương nói: "Lúc đầu bàn chuyện sắm xe hơi cũng rất phân vân. Nào là đường sá còn chật hẹp, nhu cầu sử dụng của gia đình cũng không ở mức cấp thiết. Trong khi đó trong nhà mỗi người đều đã có một phương tiện 2 bánh – từ xe máy SH tới xe Wave 110 phân khối đều có đủ. Tuy nhiên, quyết định sắm xe không phải giải quyết nhu cầu sử dụng, mà đó chính là phần thưởng cho cả gia đình sau nhiều năm vật lộn với đồng ruộng, tính toán làm ăn, tích cóp dành dụm”.

Đặc biệt, với quyết định sắm xe hơi, bà Cương muốn nhấn mạnh với các con ruột, con rể, cháu chắt… rằng, chiếc xe hơi đó chính là kết quả của sự vâng lời trong công ăn việc làm cũng như trong sinh hoạt thường nhật.

Một tay chèo chống

Để có được cái duyên may mắn như bây giờ, bà Cương đã phải trải qua những ngày ít may mắn nhất so với chị em cùng trang lứa khác ở xứ này. Sinh ra tại vùng đất khó, hàng năm quê bà có 3 – 4 tháng bị xâm nhập mặn. Thời ấy, cả xứ Long Phú chỉ có trường cấp 1, muốn học lên cấp 2 phải khăn gói ra tận thị xã Sóc Trăng. Con đường học vấn khó đi xa, nghĩ vậy cô học trò Dương Thị Cương sớm kết thúc thời học sinh của mình khi vừa xong lớp 4. Năm 1983, khi vừa qua tuổi 30, điều không may đã ập đến với gia đình bà Cương. Chồng bà – ông Thạch Sinh, bắt đầu có dấu hiệu tâm thần phân liệt.

Từ đó, với hai bàn tay trắng, bà phải vừa bươn chải lo bệnh cho chồng vừa chăm sóc, nuôi nấng 2 con nhỏ. Năm 1990, có chủ trương xoá hình thức sản xuất theo tập đoàn tại địa phương, cũng là lúc nông dân được trở về trực tiếp sản xuất trên nền đất cũ. Như người đang trôi dạt vớ được phao cứu sinh, 17.000 m2 đất ruộng thuộc sở hữu của gia đình bà được nhà nước trao trả lại. Cùng lúc đó có chính sách nhường cơm sẻ áo giữa người nhiều đất chia sẻ cho người nghèo, không đất canh tác. Theo bà Cương, 1.500 m2 đất cấp cho một nhân khẩu ở vùng này vào thời điểm đó có thể tạm giải quyết được cuộc sống. Nhưng đa phần những hộ được nhường ruộng không hề biết làm ruộng hoặc không chịu cực chịu khổ, bám đồng ruộng nên nghèo vẫn cứ nghèo rồi lại tiếp tục cầm cố hoặc bán đất.

Dù phận nữ chỉ một mình phải chèo chống với 1,7 ha ruộng, nhưng bà Cương xem đây là dịp để mở rộng diện tích đất canh tác của mình với hy vọng có thêm lợi tức để lo cho gia đình đã “què quặt” một cánh tay của mình. Bà Cương nói: Muốn khá giả chỉ cần ráng làm cho nhiều và xài ít thôi thì sẽ có dư để tích luỹ. 

Những cánh đồng vàng dưới bàn tay chỉ huy của bà Cương luôn được nhiều người đến tham quan

Với suy nghĩ và hành động như vậy con số dư được bà Cương chuyển đổi dần theo từng năm thành diện tích đất qua việc cầm cố. Quay đi quay lại, đến năm 1994, bà có trong tay diện tích đất ruộng khoảng 8 ha. Cuối năm 2011, cả gia đình bà Cương đã sở hữu 260 công đất ruộng. Trong đó, người con trai lớn đã lập gia đình, ra ở riêng, nhờ học được bài học vỡ lòng từ mẹ mình – muốn có dư thì phải làm nhiều xài ít, giờ cũng có 80 công đất, gieo trồng được 2 vụ lúa mỗi năm.

Nhà nông kiểu mới

Những ngày cuối năm 2011, chúng tôi về lại xã Long Phú, ông chủ tịch UBND huyện Long Phú - Nguyễn Thanh Hùng cho biết: Toàn huyện có 15.000 ha đất trồng lúa, sản lượng bình quân đạt 276.000 tấn, trong số này có khoảng 40% diện tích lúa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Theo ông Hùng, vùng đất nông nghiệp giáp với biển mà có được kết quả này là điều đáng mừng. Nói về trường hợp của nông dân Dương Thị Cương ở xã Long Phú, ông Hùng cho rằng: Đây là người nông dân kiểu mới, rất hiếm thấy trong cộng đồng dân tộc Khmer. Trong khi đó, bà Cương thì khiêm tốn: “Tui chỉ làm theo lời chỉ dạy của mấy lớp người đi trước, các cụ vẫn nói một người lo bằng kho người làm, chứ có mới mẻ gì đâu”.

Hiện tại, ở một xã nghèo như Long Phú, có thể nói bà Cương đang ở đỉnh cao của tiền bạc, của cải và lòng nhân ái. Tuy vậy, trong phạm vi nhỏ của gia đình, bà Cương vẫn còn mang nặng nỗi ưu tư. Thuở hàn vi, chàng trai trẻ Thạch Sinh đã cùng bà cảm thông, chia sẻ, còn bây giờ, đứng trước sản nghiệp lớn, người chồng tội nghiệp kia vẫn cứ hay cười nói trong vô thức. 

Thật ra bài toán trên đồng lúa của bà Cương không dễ cho nông dân nào cũng học được. Mỗi vụ lúa tối đa chỉ sử dụng 3 loại giống trên cả diện tích gieo cấy. Bà Cương nói, làm nhiều giống quá khó bán lúa, xử lý, bảo quản cũng không dễ. Hiện tại, dù mỗi vụ thu hoạch tổng lượng lúa thu được trên 1.000 tấn nhưng bà Cương không bao giờ bán lúa tươi ngay tại ruộng. Theo bà, làm ruộng mà bán lúa tươi thì chỉ từ nghèo tới mạt vì giá lúa luôn tăng sau mùa thu hoạch rộ. Chính vì vậy, từ mấy năm trước bà đã đầu tư xây một lò sấy công suất 8- 10 tấn/mẻ, kho trữ trên 300 tấn để giải quyết lượng lúa của riêng mình.

Bà Cương chia sẻ: “Tui chỉ bán lúa khi nào nó lên cao tới mức lời ưng ý, giá thấp thì tiếp tục trữ lại. Đừng sợ lúa ế”. Rất nhiều lái buôn lúa ở các tỉnh Tiền Giang, Long An, An Giang, Hậu Giang, Trà Vinh… đã trở thành khách mua lúa thân thiết của bà Cương. Khi bán lúa chỉ cần điện thoại qua một vòng lái buôn các tỉnh để nắm giá, sự lựa chọn cuối cùng đương nhiên sẽ dành cho lái nào báo mức giá cao nhất. Những tính toán giá trị kinh tế trên lĩnh vực nông nghiệp của bà Cương chỉ gói ghém trong những phép tính từ trường cấp 1 nhưng đem lại hiệu quả rất lớn. Ông Kim Chí Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Long Phú tự hào, kinh tế hộ ổn định giúp bà Cương càng có điều kiện tốt trong việc hỗ trợ tài chính cho địa phương hay chí ít cũng là các hoạt động tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm