NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) về vấn đề này.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) |
Trước đợt xả nước tăng cường lần 1 của các hồ chứa thủy lợi phía Bắc, phục vụ đổ ải vụ ĐX 2017 - 2018, nhiều hệ thống thủy lợi bị ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Tổng cục Thủy lợi có phương án gì để giải quyết bài toán ô nhiễm, cung cấp nước đảm bảo an toàn cho sản xuất nông nghiệp, thưa ông?
Vào đầu tháng 1/2018, thông qua kết quả giám sát chất lượng nước trong hệ thống thủy lợi sông Nhuệ do các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN-PTNT thực hiện, chúng tôi nhận thấy nguồn nước tại Duy Tiên không bảo đảm chất lượng cung cấp cho sản xuất nông nghiệp, nhất là tại trạm bơm Chợ Lương (tình trạng ô nhiễm tại đây đã được một số cơ quan truyền thông phản ảnh).
Ngoài ra, các tuyến sông chính và nhánh của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải cũng bị ô nhiễm do phải tiếp nhận nguồn nước thải cưỡng bức từ hệ thống sông Cầu Bây qua cống Xuân Thụy (huyện Gia Lâm, Hà Nội, nơi có nhiều làng nghề, khu công nghiệp). Tại các “điểm nóng” này, nước có màu đen đục, bốc mùi hôi tanh, nếu đưa vào đồng ruộng thì chắc chắn ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng và sức khỏe của con người.
Sau khi kiểm tra thực tế, Tổng cục Thủy lợi lập tức có văn bản nghị UBND các tỉnh có nguồn nước bị ô nhiễm chỉ đạo các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ chất lượng nước. Sử dụng nguồn nước được bổ sung từ các hồ chứa thủy điện trong đợt 1 lấy nước để thau rửa hệ thống thủy lợi. Chỉ vận hành công trình cung cấp cho sản xuất nông nghiệp khi chất lượng nguồn nước bảo đảm yêu cầu theo quy định hiện hành.
"Trong ngày 17/1, chúng tôi đã đi các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam kiểm tra các hệ thống thủy lợi điểm ô nhiễm nguồn nước. Kết quả phân tích các chỉ tiêu nước tưới cho thấy, chất lượng nước đã tốt hơn rất nhiều sau nhiều ngày thau rửa. Đến ngày 18/1, tất cả các trạm bơm có thể yên tâm lấy nước phục vụ đổ ải, sản xuất nông nghiệp", ông Nguyễn Văn Tỉnh. |
Cùng với đó, Tổng cục Thủy lợi cũng phối hợp với Cục Phòng chống tội phạm về Môi trường (C49) - Bộ Công an và các đơn vị khác kiểm tra đột xuất, xử nghiêm các cơ sở lợi dụng, xả trộm chất thải độc hại vào hệ thống thủy lợi trái pháp luật.
Năm nay, công tác lấy nước được đánh giá là chủ động hơn so với những năm trước. Nhiều “điểm nóng” khó khăn về nguồn nước đã được cải thiện rõ rệt. Vậy nguyên nhân do đâu?
Có thể nói, điểm nhấn đáng chú ý trong công tác thủy lợi thời gian qua, đó là nhiều công trình cấp nước quan trọng đã được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động. Đặc biệt là các tỉnh khó khăn về nguồn nước.
Ví dụ, tỉnh Bắc Ninh xây dựng mới các trạm bơm Phú Mỹ, Kênh Vàng 3, Yên Hậu để thay thế các trạm bơm dã chiến; các trạm bơm này có khả năng bơm nước chủ động. Tỉnh Hưng Yên lắp đặt 20 tổ máy bơm cột nước thấp (công suất từ 2.500 - 4.000 m3/h) để bơm trữ nước trong hệ thống kênh mương, tạo nguồn cấp nước lên ruộng sau khi kết thúc đợt xả nước bổ sung, góp phần chủ động về nguồn nước và đẩy nhanh tiến độ lấy nước hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nội đưa vào hoạt động từ năm nay các trạm bơm có khả năng bơm khi mực nước sông Hồng xuống thấp… qua đó giảm phụ thuộc vào nguồn nước bổ sung từ các hồ chứa thủy điện.
Trạm bơm dã chiến Phù Sa (Hà Nội) vận hành 21 tổ máy cấp nước phục vụ đổ ải |
Vụ ĐX 2017 - 2018 sẽ có 3 đợt xả nước phục vụ đổ ải, gieo cấy. Để lấy nước tiết kiệm và hiệu quả, Tổng cục Thủy lợi đã bố trí lịch xả nước ra sao? Các địa phương cần chú ý những vấn đề gì, thưa ông?
Để lựa chọn phương án lấy nước, Tổng cục Thủy lợi đã phối hợp với Cục Trồng trọt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thống nhất các tiêu chí xây dựng lịch lấy nước, tính toán các kịch bản bằng mô hình toán (do Viện Quy hoạch Thủy lợi thực hiện) để lựa chọn phương án tốt nhất.
Bảo đảm đủ nước phục vụ gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất. Các địa phương vùng ven biển (Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng...) thường có nhu cầu lấy nước sớm, khoảng 20 - 30 ngày trước thời gian gieo cấy, là vì cần phải ngâm ải, nước trong hệ thống kênh tồn tại lâu ngày nên có hàm lượng mặn, chua phèn vượt quá mức cho phép và đất vùng ven biển cần phải rửa mặn, chua trước khi gieo cấy.
Ngược lại, các địa phương trong vùng không ảnh hưởng triều (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh…) có nhiều diện tích cây vụ đông thu hoạch muộn nên không có thời gian ngâm ải, thường làm đất và gieo cấy trong 5 - 10 ngày nên nhu cầu lấy nước muộn hơn.
Chính vì vậy, khung thời vụ được khuyến cáo là từ ngày 5/2 - 28/2/2018. Và để tiết kiệm tối đa nguồn nước nhưng vẫn đảm bảo dâng đủ mực nước trên các hệ thống sông cho các công trình thủy lợi lấy nước thuận lợi, chúng tôi đã tính toán để bố trí lịch xả nước các đợt phải trùng với kỳ triều cường.
Xin cảm ơn ông!