| Hotline: 0983.970.780

Nuôi tôm công nghệ biofloc mùa mưa

Thứ Năm 23/02/2017 , 14:05 (GMT+7)

Anh Lê Minh Chính, chủ trang nuôi trồng thủy sản Chính Mỹ, xã Ninh Phú, TX Ninh Hòa (Khánh Hòa) áp dụng thành công mô hình nuôi tôm theo công nghệ biofloc.

Để khẳng định hiệu quả thực sự của mô hình, anh Chính tiếp tục thử nghiệm nuôi tôm trong mùa mưa (nghịch vụ). Đầu tháng 12 anh đã tiến hành thả 1 triệu con giống trên 5 ao với tổng diện tích 6.600m2.

14-15-13_1
Thu hoạch tôm tại trang trại của anh Chính
 

Mô hình đã phát huy hiệu quả nhất trong thời gian qua khi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa liên tục mưa lũ, làm ngọt hóa nhiều vùng nuôi gây chết thủy sản hàng loạt. Trong khi đó, tại vùng nuôi trồng thủy sản Chính Mỹ của anh Chính lại không hề thiệt hại. Tôm sinh trưởng, phát triển tốt và cho đến nay các ao nuôi đã cho thu hoạch với tổng sản lượng gần 20 tấn. Do nuôi trái vụ nên giá tôm anh bán ra rất cao, trên 130.000 đ/kg, sau khi trừ chi phí vụ này anh lãi hơn nửa (chỉ số lợi nhuận đạt gần 35%).

Cũng theo anh Chính, bí quyết nuôi tôm theo công nghệ biofloc sử dụng hệ thống ngoài trời (không có mái che), sử dụng các sản phẩm chức năng (men vi sinh Chính Floc) và sản phẩm xử lý triệt để chất thải, khí độc (EMG) nhằm cân bằng giữa sự phát triển của biofloc và tảo, kiểm soát được chất lượng nước và quần xã vi sinh vật như: Tảo, sinh vật tự dưỡng, sinh vật dị dưỡng, động vật phù du và đối tượng nuôi, từ đó chủ động loại bỏ chất thải để giảm tải cho môi trường nuôi. Đồng thời hạn chế bùng phát các tác nhân có thể gây bệnh cho đối tượng nuôi (tôm), hướng đến sự phát triển bền vững và lợi nhuận trong nuôi trồng thủy sản.

14-15-13_2
Nuôi tôm theo công nghệ biofloc màu nước giống như mật

 

Với “bí kíp” nuôi này, từ năm 2014 đến nay, mô hình nuôi tôm theo công nghệ biofloc được anh và Công ty TNHH Mekong Tomlad TP.HCM, vừa áp dụng vừa nghiên cứu cho phù hợp với thực tế từng vụ nuôi đã dần ổn định và hoàn thiện bài bản. Chính vì vậy hiện nay anh đặt tên cho công nghệ nuôi này là Chính Floc (The Real Floc).

Từ thực tiễn sản xuất và kết quả ứng dụng khoa học công nghệ mới đã giúp người nuôi kiểm soát bệnh tôm và chi phí sản xuất; tôm lớn nhanh (75 ngày, size 40+), chi phí sản xuất < 60.000đ/kg; năng suất ổn định 30 - 35 tấn/ha/vụ; đặc biệt sản phẩm thu hoạch chất lượng, sạch được thương lái ưa chuộng.

“Qua 6 vụ nuôi liên tiếp, kể từ năm 2015, công nghệ nuôi tôm Chính Floc của tôi nuôi luôn ổn định. Trong năm 2016, với tổng diện tích ao nuôi chỉ 6.600m2, nhưng tổng sản lượng tôi thu hoạch hơn 70 tấn, sau khi trừ chi phí lãi hàng tỷ đồng”, anh Chính chia sẻ.

Nhờ nuôi tôm hiệu quả và bền vững hiện anh Chính đã có tiếng tăm, được nhiều nông hộ, cán bộ nghiên cứu trong và ngoài nước đến tham quan học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm. Mới đây đoàn cán bộ của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 3 và Trường Đại học Bergen (Na Uy) đến tham quan tìm hiểu.

14-15-13_5
Anh Chính đam mê nghề nuôi tôm

 

14-15-13_6
Nuôi tôm công nghệ mới cho sản phẩm sạch

 

Được biết, thời gian qua Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp Trại nuôi trồng thủy sản Chính Mỹ và Công ty TNHH Mekong Tomlad TP.HCM tổ chức nhiều lớp đào tạo thực hành công nghệ Chính Floc cho cán bộ và người nuôi thông qua dự án CRSD- Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững.

 

Xem thêm
Phương châm '3 đủ' trong phòng chống đói, rét cho gia súc

Thái Nguyên Tại huyện Phú Lương, công tác phòng chống đói, rét được thực hiện với phương trâm '3 đủ' là đủ ấm, đủ no, đủ vacxin và thú y phòng dịch.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.