| Hotline: 0983.970.780

Tương lai sáng dâu tằm tơ miền núi phía Bắc [Bài 3]: Hồi sinh sau thiên tai

Thứ Tư 26/03/2025 , 15:26 (GMT+7)

YÊN BÁI Vựa dâu tằm tại các huyện Trấn Yên, Văn Yên đang tiếp tục nhân rộng diện tích, đổi mới kỹ thuật chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị kén tằm.

Những cánh đồng dâu tằm ở huyện Trấn Yên đã hồi sinh mạnh mẽ sau đợt thiên tai năm 2024. Ảnh: Thanh Tiến.

Những cánh đồng dâu tằm ở huyện Trấn Yên đã hồi sinh mạnh mẽ sau đợt thiên tai năm 2024. Ảnh: Thanh Tiến.

Vựa dâu tằm trù phú trở lại

Bài liên quan

Sau những tháng ngày tan hoang vì trận đại hồng thủy hồi tháng 9/2024, cánh đồng dâu tằm ở huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái lại vươn lên mơn mởn. Những ruộng dâu bát ngát trải dài 2 bên bờ sông Hồng, nối nhau thành những mảng màu xanh rì, căng tràn sức sống. Chỉ nửa năm trước, nơi đây còn hoang tàn, ngổn ngang bùn đất, dâu tằm xác xơ. Bằng sự cần cù, người dân đã nhanh chóng bắt tay khôi phục, từng bước đưa vùng trồng dâu tằm trù phú trở lại.

Từ sáng sớm, gia đình bà Trần Thị Liên ở thôn Phúc Đình, xã Thành Thịnh (huyện Trấn Yên) đã có mặt trên ruộng dâu, cặm cụi làm cỏ, vun gốc cho những luống dâu non. Gần 20 năm gắn bó với cây dâu, chưa bao giờ bà chứng kiến trận lũ nào khủng khiếp đến thế, hàng chục ha dâu ven sông bị bùn đất vùi lấp sâu gần 1 mét, chỉ còn trơ lại những cành khô gãy rạp. Nhà bà có 1 mẫu dâu bị chết trắng phải trồng lại. Gần hai tháng sau khi lũ rút, bà Liên và những hộ dân bị thiệt hại được hỗ trợ cây giống, phân bón, cải tạo đất để hồi sinh những ruộng dâu.

Bà Liên chăm sóc diện tích dâu mới trồng lại sau cơn bão số 3 năm trước. Ảnh: Thanh Tiến.

Bà Liên chăm sóc diện tích dâu mới trồng lại sau cơn bão số 3 năm trước. Ảnh: Thanh Tiến.

Bài liên quan

Bà Liên cho biết, diện tích dâu mới trồng lại từ trước Tết phải đến vụ tằm mùa thu mới có thể thu hái lá. Với 1,5 mẫu dâu tằm, mỗi năm gia đình bà thu được từ 600 - 700kg kén, mang lại nguồn thu hơn 120 triệu đồng. Trước đây nuôi tằm bằng nong tre phải bưng bê thủ công rất vất vả. Sau này, nhờ cán bộ khuyến nông hướng dẫn, gia đình bà chuyển sang nuôi tằm trên nền bê tông, giảm đáng kể công chăm sóc.

Đến năm 2022, nhà bà tiếp tục đầu tư giàn khay trượt, đây là tiến bộ kỹ thuật mới được đưa vào áp dụng ở địa phương. Việc nuôi tằm trở nên nhẹ nhàng hơn và hạn chế dịch bệnh. Giờ đây nuôi tằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nên sau trận lũ năm trước, những diện tích dâu thiệt hại nhẹ đã được khắc phục ngay để nuôi tằm vụ xuân này với hi vọng sẽ có vụ tằm thắng lợi.

Do thiên tai, hơn 700ha dâu tằm của huyện Trấn Yên bị ngập úng, bùn đất vùi lấp, khoảng 100ha bị chết trắng phải cải tạo đất trồng lại. Cây dâu tằm mang lại thu nhập vượt trội so với các cây trồng khác như lúa, ngô, rau màu... nên nông dân ở các địa phương nỗ lực khắc phục sau đợt bão lũ. Đến nay, những diện tích thiệt hại nhẹ gần như đã hồi sinh hoàn toàn, khoảng 10% diện tích phải trồng lại sẽ tái sản xuất vào vụ thu.

Hiện người dân ở Yên Bái đã bắt đầu nuôi tằm lứa đầu tiên trong năm nay. Ảnh: Thanh Tiến.

Hiện người dân ở Yên Bái đã bắt đầu nuôi tằm lứa đầu tiên trong năm nay. Ảnh: Thanh Tiến.

Nhiều tiến bộ kỹ thuật được đưa vào sản xuất

Sau hơn 20 năm bén rễ trên đồng đất Trấn Yên, đến nay, vùng đất này đã hình thành vựa dâu tằm rộng lớn hơn 1.000ha ở nhiều xã dọc hai bên sông Hồng như Tân Đồng, Báo Đáp, Thành Thịnh, Y Can, Quy Mông, Minh Quân. Một số xã vùng cao như Hưng Khánh, Hồng Ca, Lương Thịnh cũng tập trung mở rộng diện tích trên đất vườn tạp và đất bờ bãi ven suối. Những cánh đồng dâu không chỉ mang lại màu xanh cho vùng đất này mà còn giúp cải thiện đời sống của gần 2.000 hộ dân gắn bó với nghề dâu tằm.

Nghề trồng dâu nuôi tằm từ manh mún, lạc hậu, giờ đây đã cơ bản hoàn thiện quy trình sản xuất tiên tiến. Những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới được áp dụng đồng bộ giúp nông dân giảm được chi phí đầu tư, giảm công lao động, tăng năng suất, sản lượng và chất lượng kén tằm.

Nhiều tiến bộ kỹ thuật được áp dụng trong nuôi tằm mang lại năng suất cao. Ảnh: Thanh Tiến.

Nhiều tiến bộ kỹ thuật được áp dụng trong nuôi tằm mang lại năng suất cao. Ảnh: Thanh Tiến.

Trước đây, các hộ dân chủ yếu nuôi tằm trên nong đan bằng tre, nứa, sau đó chuyển sang nuôi tằm dưới nền nhà, do diện tích nuôi nhỏ hẹp, khó chăm sóc, khó dọn vệ sinh nên tằm dễ mắc bệnh. Khoảng 4 năm trở lại đây, nhiều hộ dân trong huyện chuyển từ nuôi tằm dưới nền nhà sang áp dụng mô hình nuôi tằm trên giàn khay trượt, vừa tiết kiệm được diện tích làm nhà tằm, hạn chế dịch bệnh, vừa tăng được năng suất, chất lượng kén tằm.

Bà Nguyễn Thị Hồng Lê ở xã Việt Thành (huyện Trấn Yên) chia sẻ, việc áp dụng nuôi tằm bằng giàn khay trượt cho hiệu quả vượt trội so với cách nuôi truyền thống, giúp giảm được công lao động, giải phóng được cường độ lao động, không phải bê nong lên xuống, đảm bảo độ thông thoáng, dễ vệ sinh, giảm dịch bệnh, giúp tằm phát triển tốt, tăng năng suất trong cùng một diện tích phòng nuôi.

Theo ông Trần Ngọc Thư, Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên, những năm qua, hàng trăm nhà nuôi tằm con, tằm lớn của người dân đã được nhà nước hỗ trợ xây dựng mới hoặc nâng cấp, sửa chữa bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp của tỉnh. Đa phần các hộ dân có nhà tằm đảm bảo quy mô, quy cách phù hợp, đảm bảo các yếu tố kỹ thuật nuôi tằm.

Các nhà nuôi tằm thường có diện tích từ 60 - 100m2 trở lên, nền bê tông, mái lợp kiên cố, đảm bảo thoáng mát và vệ sinh môi trường. Đặc biệt hiện nay một số hộ đã áp dụng nuôi tằm trong nhà kín có điều hòa nhiệt độ để có thể chủ động điều chỉnh nhiệt độ cho tằm phát triển, phòng tránh dịch bệnh và kéo dài thời gian nuôi tằm, từ đó nâng cao thu nhập.

Việc thay thế né tre bằng né gỗ ô vuông giúp kén tằm có chất lượng tốt hơn. Ảnh: Thanh Tiến.

Việc thay thế né tre bằng né gỗ ô vuông giúp kén tằm có chất lượng tốt hơn. Ảnh: Thanh Tiến.

Một số dụng cụ nuôi tằm tiên tiến như giàn khay trượt, né gỗ ô vuông, máy gỡ kén đã được người nuôi tằm trong huyện áp dụng ngày càng phổ biến. Hiện gần 100% hộ dân đã sử dụng né gỗ ô vuông thay thế các loại né tre trước đây, giúp giảm công lao động, giảm tình trạng kén đôi, tăng tỷ lệ kén tốt, kén trắng và bán được giá cao.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện đã hình thành 12 chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất - thu mua - chế biến do các HTX đứng ra làm cầu nối cung ứng cây giống, vật tư, tằm giống cho nông dân, sau đó thu mua kén bán cho doanh nghiệp chế biến.

Mỗi năm mở rộng hàng trăm ha dâu tằm thay ngô, lúa

Nhờ có nhà máy chế biến kén tằm quy mô lớn đặt tại địa phương, người dân tại các huyện Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) đã yên tâm phát triển, mở rộng diện tích vùng nguyên liệu. Những diện tích soi bãi trồng ngô, mía, chuối hay đất gieo cấy lúa một vụ kém hiệu quả đang tiếp tục được chuyển đổi thành vùng dâu tằm. Tại huyện Trấn Yên, trung bình mỗi năm trồng mới khoảng 100ha dâu tằm.

Riêng tại huyện Văn Yên, trong năm 2024 đã trồng hơn 150ha dâu, năm 2025 tiếp tục phấn đấu trồng mới 180ha tại các xã Xuân Ái, Yên Thái, Đại Phác, An Thịnh, Đông Cuông, Đông An, Mậu Đông, nâng tổng diện tích toàn huyện lên gần 400ha.

Trong 2 năm gần đây, huyện Văn Yên trồng mới hơn 300ha dâu tằm. Ảnh: Thanh Tiến.

Trong 2 năm gần đây, huyện Văn Yên trồng mới hơn 300ha dâu tằm. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Phạm Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết, với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả của chương trình trồng dâu, nuôi tằm, huyện chỉ đạo các địa phương tập trung vận động, hỗ trợ nông dân mở rộng vùng nguyên liệu. Từng bước áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, sản lượng lá dâu và kén tằm. 

Huyện Trấn Yên đặt mục tiêu nâng mức thu nhập của người trồng dâu nuôi tằm lên từ 3,5 - 4 lần so với trồng lúa và các loại rau màu khác. Đồng thời tạo việc làm cho người lao động, thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa.

Xem thêm
'Bão' giá lợn càn quét: [Bài 4] Nông hộ 'hụt hơi', doanh nghiệp chiếm sân chơi

Khi nhiều hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ 'hụt hơi', chỉ riêng năm 2024, Bình Định thu hút 7-8 dự án chăn nuôi lợn, quy mô mỗi dự án từ 24.000-36.000 con lợn thịt/lứa

Hai trường hợp tử vong ở Đồng Nai liên quan tới bệnh dại

Trước tình hình dịch bệnh dại tăng cao, gây tử vong ở người, UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành văn bản chỉ đạo xử lý triệt để dịch bệnh dại trên địa bàn.

Không để hết tiền là hết dự án

Nhìn từ dự án tăng cường chuỗi cây trồng an toàn phối hợp cùng JICA, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia gợi mở một số điểm khi xây dựng mô hình sắp tới.

Doanh nghiệp là hạt nhân phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Ninh Thuận Những năm qua, với nhiều chính sách ưu đãi cùng khí hậu rất thích hợp phát triển nông nghiệp công nghệ cao nên hàng loạt doanh nghiệp đã đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận.

Có kế hoạch tạo đột phá về khoa học công nghệ từng lĩnh vực, từng năm

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết sẽ xây dựng kế hoạch tạo đột phá về khoa học công nghệ, chuyển đổi số cho từng lĩnh vực, từng năm.

Cuốn sổ nợ 'ghi' nỗi buồn người nuôi tôm hạ nguồn sông Sa Lung

Ngành chức năng khuyến cáo chưa nên thả tôm giống vào thời điểm này. Nhưng tôm giống ương dèo đã gần 1 tháng nay, người nuôi tôm Vĩnh Sơn đang rất băn khoăn.

Bàn giao hơn 15.000 cây giống phục hồi rừng

TP. HUẾ Hơn 15.000 cây giống sẽ được trồng để làm giàu rừng bản địa và rừng ngập mặn, qua đó nâng cao nhận thức của người dân trong việc vệ môi trường, bảo vệ rừng.