| Hotline: 0983.970.780

Ông Guiness sinh vật cảnh

Chủ Nhật 02/05/2010 , 08:30 (GMT+7)

Ai đến Bình Dương muốn tìm hiểu về sinh vật cảnh xin cứ hỏi “Năm cây cảnh” khắc giới sành nghệ thuật ai cũng biết...

Khát vọng lớn nhất của ông Năm là khám phá thêm “kỳ hoa dị thảo” ẩn mình trong tự nhiên

Ai đến Bình Dương muốn tìm hiểu về sinh vật cảnh xin cứ hỏi “Năm cây cảnh” khắc giới sành nghệ thuật ai cũng biết. Và từ tháng 3/2010 ông lại có cái tên mới “Năm guiness sinh vật cảnh” vì được vinh danh tới 223 lần trong suốt hơn 10 năm đi tìm “kỳ hoa dị thảo” bốn phương trời, thiết lập nên một khu vườn đầy hoa thơm, cỏ lạ, bonsai đẹp mê hồn…

Khoảng 10 năm trước, chẳng ai có thể ngờ ông kỹ sư cầu đường Nguyễn Văn Năm lại là người VN đầu tiên có tên trong Niên giám kỷ lục VN với thành tích “Người đạt huy chương nhiều nhất trong lĩnh vực sinh vật cảnh”. Câu chuyện về “ông guiness” nghe cứ như đùa, bởi lẽ, hai cái “nghiệp” cầu đường đầy bụi bặm và sinh vật cảnh đầy chất thơ chẳng hiểu sao lại tồn tại rất “hoà bình” trong con người này.

Ông nói rằng, nghề cầu đường giúp ông sống bằng lý trí, giải quyết tất tật chuyện cơm, áo, gạo, tiền. Nhưng cái chất nghệ sĩ thì tận sâu trong tâm hồn, nó luôn trỗi dậy mỗi khi có cơ hội. Số là từ nhỏ, ông đã nhiễm cái thú chơi hoa, cây cảnh đến tiêu cực của người cha và những năm tháng theo cha đi sưu tầm cây rừng gốc lạ đem về uốn nắn thành cây cảnh đã giúp ông có “vốn” nghệ thuật lận lưng khá dày. Sau khi lập gia đình, công việc xây dựng cầu đường rất tất bật, nhưng niềm đam mê với hoa, lá, cỏ cây, kỳ lạ thay lại chẳng hề thuyên giảm. Cứ rảnh rỗi (hay lấy cớ bận chuyện này kia) là ông lại khăn gói lên đường, đi khắp các miền rừng núi từ Nam chí Bắc để tìm những giống cây hoang dã như si, sanh, sung, cần thăng, kim quýt… bị lãng quên trong rừng sâu với dáng vẻ xấu xí, còi cọc không hơn gì gỗ mục. Nhưng với ông, chẳng hiểu sao những thứ tưởng bỏ đi đó lại có sức quyến rũ mãnh liệt. Dưới bàn tay thô ráp của vị kỹ sư cầu đường, đống gỗ mục đã dần được hồi sinh, và ông còn thổi hồn để chúng trở thành những tác phẩm nghệ thuật cuốn hút đến mê hoặc người xem.

Ông cho biết, duyên nợ cũng bắt đầu từ tác phẩm đầu tay ông thực hiện năm 1998: Tác phẩm bonsai Nguyệt Quới dáng trực, được Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bình Dương đánh giá cao khiến ông vô cùng phấn khích và theo đuổi con đường nghệ thuật này. Những năm đầu khởi nghiệp biến cỏ cây thành những tác phẩm mang yếu tố “kỳ hoa dị thảo”, ông đã nếm biết bao thăng trầm, nhiều lúc tưởng như muốn gục ngã. Rào cản lớn nhất lúc đó lại là người bạn trăm năm, dù bà là người tốt bụng, thương chồng nhưng khi thấy ông bỏ vài triệu đồng chỉ để mua một cây nguyệt quế có bề ngoài chẳng khác với cây “mọc hoang”, bà đã giận đến sôi máu.

Đầu năm 2009, ông Nguyễn Văn Năm đăng ký với Trung tâm sách kỷ lục Vietkings (thuộc tổ hợp Vietbooks) xin thẩm định kỷ lục VN về các nội dung liên quan đến hoạt động sinh vật cảnh của mình. Với kết quả gặt hái được liên tiếp trong 10 năm qua, ông Năm trở thành nghệ nhân số 1 VN về các giải thưởng sinh vật cảnh, với tổng số giải thưởng lên đến con số 223. Ông cũng là người Bình Dương đầu tiên được ghi danh vào danh sách Kỷ lục gia - Kỷ lục Guiness VN tháng 3/2010.

Thậm chí có lúc bà còn thượng cẳng chân, hạ cẳng tay đập bể vài chậu cảnh vì thấy chúng… ngứa mắt quá. Về sau, thấy chồng thực sự say mê và tạo ra được nhiều tác phẩm nghệ thuật được mọi người chú ý, ca ngợi, bà dần nguôi ngoai và chuyển sang ủng hộ hết mình cho công việc của chồng. Ông Năm cho biết, những cây si, sam, xanh, đa, mai chiếu thuỷ… ai cũng biết, xuất hiện nhan nhản khắp nơi, nhưng nếu ta thực sự yêu quý và thổi hồn cho chúng thì chắc chắn vẻ thô mộc ban đầu sẽ biến thành một tác phẩm nghệ thuật ấn tượng và làm thay đổi cả suy nghĩ những người khó tính nhất.

Với sự đam mê và lòng nhiệt huyết, muốn giới thiệu cái đẹp, cái tinh tuý tiềm ẩn bên trong những tác phẩm hoa cảnh, chiều sâu triết lý và chiều sâu tâm hồn mà người nghệ nhân muốn gửi gắm, ông đã tập trung sáng tạo dáng hoa kiểng bằng phương pháp xén tỉa cành lá nhiều hơn là sử dụng dây chằng hoặc các phương pháp khác. Ông luôn tìm đến sự sáng tạo trong các kiểu thế: dáng trực, dáng bay, dáng đổ, dáng tự do, thác đổ, song thụ, tùng lâm, khô mộc, phu thê, mẫu tử… Những kiểu thế do chính đôi tay ông làm nên đầy sáng tạo và khoáng đạt. Nhờ vậy, kiểu dáng từ các tác phẩm nghệ thuật của “Năm cây cảnh” không khô cứng, gò bó, đơn điệu mà rất mềm mại, tự nhiên, sống động. Đây cũng là điểm khác biệt đặc sắc và có tính thẩm mỹ cao nên cứ thi là ông lại… giật giải. Năm 2003 ông được Hội Sinh vật cảnh VN phong tặng nghệ nhân. Năm 2006 ông vinh dự được Bộ NN-PTNT chọn đem tác phẩm đi dự Festival Hoa Quốc tế tại Euroflora ở Italia.

Nói về ước mơ, ông chẳng nghĩ cao sang mà chỉ muốn có thật nhiều thời gian để tiếp tục tìm tòi, khám phá và chinh phục vẻ đẹp tiềm ẩn của những “kỳ hoa dị thảo” đang ẩn mình trong tự nhiên, làm giàu thêm bộ sưu tập sinh vật cảnh đẹp mê hồn và phong phú bậc nhất VN mà ông đã kỳ công gây dựng hơn 10 năm qua.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm