| Hotline: 0983.970.780

Phải tăng trần bội chi ngân sách

Thứ Năm 24/10/2013 , 09:48 (GMT+7)

Theo báo cáo của Chính phủ, thu cân đối NSNN năm 2013 ước đạt 752.370 tỷ đồng, giảm 63.630 tỷ đồng so với dự toán. Mặc dù đã cố gắng tiết kiệm chi khoảng 13 ngàn tỉ đồng nhưng Chính phủ vẫn phải đề nghị QH tăng trần bội chi NS năm 2014...

+ Tinh giảm biên chế, thu gọn mục tiêu

+ Siết chặt quản lý tài chính, thắt chặt quản lý đầu tư công

Theo báo cáo của Chính phủ, thu cân đối NSNN năm 2013 ước đạt 752.370 tỷ đồng, giảm 63.630 tỷ đồng so với dự toán. Mặc dù đã cố gắng tiết kiệm chi khoảng 13 ngàn tỉ đồng nhưng Chính phủ vẫn phải đề nghị QH tăng trần bội chi NS năm 2014...

Thu ngân sách không phù hợp tốc độ tăng trưởng kinh tế

Về nguyên nhân hụt thu NSNN năm 2013, Ủy ban Tài chính Ngân sách (UB TC-NS) QH cơ bản tán thành các nguyên nhân Chính phủ nêu: Tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch; hoạt động SXKD của các tổ chức, cá nhân nộp thuế gặp nhiều khó khăn; thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn một số khoản thu theo Nghị quyết của QH; số nợ thuế lớn và có xu hướng tăng đột biến ở nhiều địa phương... vì vậy QH cho rằng, Chính phủ ước thu cân đối NSNN chỉ đạt 92,2% so với dự toán (hụt thu 63.630 tỷ đồng) là khá sát tình hình.

Tuy nhiên, QH nhận định vẫn còn dư địa tăng thu từ việc tăng cường đôn đốc thu hồi nợ thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu; thu vào NSNN một số khoản còn để ngoài NSNN. Do đó, cần tiếp tục rà soát, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào NSNN, đồng thời bảo đảm bố trí đủ số tiền hoàn thuế GTGT năm 2013, không để phát sinh nợ mới.


Ảnh minh họa

Qua phân tích tình hình thực hiện, UB TC-NS cho rằng, còn nhiều vấn đề chưa được Chính phủ làm rõ. Theo đó, trong thu ngân sách, cụ thể là thu nội địa, trong khi tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt 5,4% nhưng báo cáo số liệu hụt thu nội địa khá lớn là không phù hợp.

“Đề nghị Chính phủ đánh giá đúng thực chất hơn về mức tăng trưởng kinh tế trong mối quan hệ với thu NSNN” – Chủ nhiệm UB TC-NS Phùng Quốc Hiển nói.

Đối với nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu (XNK), Chính phủ cho biết ước đạt 84,6% so với dự toán. Tuy nhiên, theo UB TC-NS, số liệu này chưa tính đủ số hoàn thuế giá trị gia tăng và đề nghị tính đủ số hoàn thuế GTGT phát sinh trong năm 2013 để phản ánh đúng tình hình thu NSNN, riêng số nợ Quỹ hoàn thuế còn lại của 2 năm 2011, 2012 sẽ được xử lý dần vào các năm sau.

Thu ít nhưng chi nhiều

Đánh giá hoạt động điều hành dự toán thu – chi của Chính phủ, UB TC-NS chỉ ra nhiều hạn chế như: thu NSNN giảm nhiều nhưng chi đầu tư phát triển vẫn tăng; phân bổ, bố trí vốn xây dựng cơ bản chưa khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, thi công kéo dài, gây lãng phí nguồn lực. Vẫn còn nhiều dự án triển khai chậm tiến độ, phân bổ vốn không đúng cơ cấu, chương trình hỗ trợ được giao; còn tình trạng một số cơ quan, đơn vị thiếu kiên quyết trong cắt, giảm đầu tư công; khởi công dự án mới trái quy định.

“Qua giám sát, UB TC-NS nhận thấy, một thực trạng là việc ban hành nhiều chế độ, chính sách mới làm tăng chi NSNN, song chưa cân đối với nguồn lực NSNN; một số chế độ, chính sách chi an sinh xã hội triển khai chậm hoặc khi trình Quốc hội phê chuẩn dự toán chi NSNN nhưng chưa xác định rõ đối tượng thụ hưởng dẫn đến dư chi NSNN, có khả năng tăng số chi chuyển nguồn lớn sang năm sau” – ông Phùng Quốc Hiển chỉ rõ.

2014: Tinh giảm biên chế, thu gọn mục tiêu

Trong giai đoạn khó khăn nhưng dự toán chi NSNN của Chính phủ cho năm 2014 vẫn đề nghị tăng 2,9% so với dự toán năm 2013 là chưa thể hiện rõ thông điệp triệt để tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu. Vì vậy, UB TC-NS đề nghị Chính phủ không ban hành chính sách chi an sinh xã hội mới khi chưa thể cân đối được nguồn thực hiện; tiết kiệm chi tiêu, giảm tối đa chi hội nghị, khánh tiết, không bố trí mua xe công, hạn chế bố trí kinh phí chi đoàn ra…

Đồng thời, cần rà soát tinh giảm biên chế khu vực hành chính, sự nghiệp theo hướng không tăng biên chế (trừ biên chế thật cần thiết cho giáo dục, y tế), làm tăng gánh nặng cho NSNN, siết chặt kỷ luật tài chính trong quản lý chi tiêu. Về chi Chương trình Mục tiêu Quốc gia, UB TC-NS nhất trí phương án giảm chi của Chính phủ nhưng phải bảo đảm nguyên tắc phân bổ kinh phí tập trung, có trọng tâm, trọng điểm. Đảm bảo giữ danh mục 16 chương trình MTQG và chỉ thu gọn mục tiêu, giảm chi sự nghiệp.

Tăng trần bội chi ngân sách

Trong bối cảnh hụt thu lớn, UB TC-NS cơ bản nhất trí với việc Chính phủ báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc điều chỉnh dự toán theo quy định tại Điều 49 của Luật NSNN, theo đó, cắt, giảm một số khoản chi và nâng mức bội chi đã được Quốc hội quyết định từ 4,8 GDP lên 5,3% GDP.

Đề nghị thực hiện cơ chế thu vào NSNN 75% tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà được chia;

Thu cổ tức của Nhà nước tại các DNNN chưa nộp tập trung vào Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC);

Cho phép một số địa phương không đủ nguồn bù đắp hụt thu được sử dụng không quá 70% Quỹ dự trữ tài chính để bù vào số hụt thu như Chính phủ trình.

Những mất cân đối như chưa bố trí đủ nguồn trả nợ đến hạn, bù lãi suất cho hai ngân hàng chính sách, nợ Quỹ bảo hiểm xã hội, thu hồi đủ số vốn ứng trước, số nợ Quỹ hoàn thuế của các năm trước sẽ xử lý vào các năm sau để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến trong UB TC-NS không nhất trí cắt giảm 5.000 tỷ đồng liên quan đến chính sách chi cho một số lĩnh vực (trong đó có chi cho giáo dục, y tế và bảo đảm xã hội) và đề nghị Chính phủ làm rõ hơn việc bù hụt thu cho một số địa phương gặp nhiều khó khăn.

Ông Phùng Quốc Hiển: Chính phủ cần báo cáo QH kế hoạch chủ động trả nợ

Thưa ông, UB TC-NS nhất trí với đề xuất tăng trần bội chi NS của Chính phủ, tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến quan ngại về quyết định này có thể làm lạm phát quay trở lại?

Chính phủ đề nghị năm 2014 bội chi ở mức 5,3% GDP (tương ứng 224.000 tỷ đồng). Ủy ban TC-NS cho rằng, tỷ lệ bội chi này mặc dù chưa phù hợp với lộ trình giảm dần bội chi đã được Quốc hội quyết định. Song trong bối cảnh khai thác nguồn thu gặp nhiều khó khăn, nhu cầu chi vẫn ở mức cao.

Chúng ta thấy rằng, một phần bội chi là do Chính phủ bị hụt thu tới 63 ngàn tỉ đồng. Hơn nữa, dự toán chi đầu tư phát triển của Chính phủ vào năm 2014 đã phải cắt giảm chỉ còn 163 ngàn tỉ đồng thấp hơn hẳn so với năm 2013 là 175 ngàn tỉ đồng. Chi đầu tư phát triển đã phải bố trí giảm thì chưa thể giảm mức bội chi ngân sách theo lộ trình.

Để bảo đảm cân đối, bố trí vốn NSNN đáp ứng các nhiệm vụ chi, đa số ý kiến trong Ủy ban TC-NS đề nghị Quốc hội cho phép bội chi NSNN năm 2014 là 5,3% GDP và không chỉ dành cho chi đầu tư phát triển như quy định của Luật NSNN mà cần dành một phần chi trả nợ.

Chính phủ đề xuất phát hành thêm 170 ngàn tỉ đồng vốn trái phiếu như vậy chắc chắn sẽ gia tăng thêm gánh nặng nợ công mà nền kinh tế của chúng ta đang phải chịu sức ép?

Hiện nước ta đã không còn ở trong danh sách nước nghèo để có thể tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, ODA lãi suất thấp nên để đảm bảo nhu cầu vốn đầu tư của các dự án đang đầu tư dở dang bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và các nhu cầu cấp bách của các bộ ngành và địa phương Chính phủ mới trình QH cho phép phát hành bổ sung 170 ngàn tỉ đồng vốn trái phiếu cho giai đoạn 2014-2016.

Mức chi và phát hành thêm trái phiếu của Chính phủ không vượt quá trần nợ công đến năm 2015 là 65% GDP nhưng thực tế khả năng huy động và trả nợ rất khó khăn, đòi hỏi Chính phủ phải có những giải pháp tích cực để xử lý, đó là: Khối lượng huy động vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm rất lớn, mức huy động vốn TPCP trong 3 năm tới bình quân khoảng trên 400.000 tỷ đồng/năm, bằng khoảng 8-9% GDP, bao gồm huy động để bù đắp bội chi, đảo nợ, phát hành trái phiếu để đầu tư.

Trong khi việc huy động trong nước chủ yếu là vay ngắn hạn và trung hạn chiếm tới 80%, vay dài hạn chỉ chiếm 20%, theo đó, tần suất, mức trả nợ sẽ rất cao. Mặt khác, việc huy động hoàn toàn phụ thuộc vào các định chế tài chính như ngân hàng thương mại chiếm 86%, các định chế tài chính khác như công ty bảo hiểm, chứng khoán chiếm 12%, có thể sẽ dẫn đến việc dòng tiền chỉ tập trung vào TPCP mà thu hẹp đầu tư vào sản xuất.

QH cũng nhận thấy nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ đang có xu hướng tăng cao. Càng gần tới năm 2015 thì sức ép về thời hạn và cường độ trả nợ càng cao nên UB TC-NS đã đề nghị Chính phủ có kế hoạch chủ động trả nợ và báo cáo QH.

Ông Trần Du Lịch: Cần phân biệt giữa chi thường xuyên và chi đầu tư

Hoạt động thắt chặt chi tiêu của Chính phủ chưa thực sự hiệu quả, theo ông Chính phủ cần phải làm gì để giảm bội chi ngân sách?

Tôi cho rằng chính phủ phải nhìn nhận lại các khoản chi thường xuyên. Đúng là phần lớn khoản chi thường xuyên tập trung ở lương nhưng vẫn còn rất nhiều khoản chi khác có thể cân đối. Ví dụ, chi đầu tư xây dựng công sở, mua ô tô không thể là chi thường xuyên được. Đây cũng là những khoản tiền rất lớn.

Quan điểm của ông thế nào đối với đề xuất tăng trần bội chi NS của Chính phủ?

Về việc Chính phủ xin QH được tăng trần bội chi NS để đảm bảo đầu tư phát triển kinh tế tôi tán thành nhưng cần phải thắt chặt quản lý đầu tư công đặc biệt đối với công trình Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm