| Hotline: 0983.970.780

Phát triển nông nghiệp đô thị

Thứ Tư 20/05/2015 , 06:20 (GMT+7)

Bình Dương là một trong những tỉnh đi đầu phát triển nông nghiệp đô thị (NNĐT) mang lại hiệu quả kinh tế cao

Điển hình là mô hình canh tác trong nhà lưới, nhà kính; trồng rau thủy canh; sử dụng hệ thống chuồng lạnh trong chăn nuôi...

Khởi nghiệp từ đam mê

Ghé thăm mô hình trang trại hoa lan của chị Nguyễn Ngọc Thùy Trang (ấp 6, xã Vĩnh Tân, huyện Tân Uyên), một trong những trang trại trồng lan lớn nhất ở Bình Dương. Chị Trang tâm sự: “Mặc dù gia đình có khoảng 4 ha đất, nhưng lúc đầu tôi chỉ dám trồng thử nghiệm 1 ha. 

Khi làm gặp không ít khó khăn do cây lan giai đoạn đầu còn yếu, tôi chưa nắm vững đầu ra cũng như còn thiếu kinh nghiệm về kỹ thuật trồng, chăm sóc. Hơn nữa, xung quanh trang trại lan là các vườn cao su. Khi cao su rụng lá, các loại sâu hại quay sang tấn công vườn lan”.

Từ niềm đam mê chơi hoa lan từ nhỏ, cùng với sự động viên của người thân, gia đình, năm 2010 khi vẫn còn là cô sinh viên năm nhất ngành Marketing của một trường đại học tại TP.HCM, Trang đã quyết định thành lập trang trại chuyên trồng hoa lan có tổng diện tích gần 2 ha, vốn đầu tư ban đầu gần 4 tỷ đồng. Trang trại trồng hơn 52.000 gốc lan các loại như Mokara, Denro, Cattleya... do chị trực tiếp tìm kiếm, tuyển chọn giống từ Thái Lan.

Hiện chị đã mở rộng trồng 2 ha lan, mỗi ngày thu hoạch khoảng 10.000 cành, cung cấp cho các tỉnh, thành phía Nam với giá 12.000 đ/cành. Với sức tiêu thụ trên, mỗi tháng chị có thu nhập từ 60 - 80 triệu đồng, giải quyết cho cả chục lao động thường xuyên với mức lương trên 4 triệu đ/người.

Bước đầu trang trại đạt được thành công. Hiện chị cùng gia đình đầu tư thêm 4 tỷ đồng mở rộng trang trại để trồng trên 120.000 gốc lan các loại. Theo chị Trang, việc xây dựng, phát triển mô hình trồng lan đang có nhiều điều kiện thuận lợi. Sắp tới chị sẽ tập trung xây dựng thương hiệu, tiếp cận thị trường để tiếp tục đưa trang trại lan của mình phát triển tốt hơn.

Về chăn nuôi, phải kể đến chị Trần Ngọc Hiền ở xã Chánh Mỹ, TP Thủ Dầu Một. Sau khi tốt nghiệp ngành thú y năm 2007, chị quyết định chọn mô hình nuôi gia súc, gia cầm để khởi nghiệp. Cũng vì thiếu kinh nghiệm, nên ban đầu chị gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, chính vì những khó khăn đó khiến chị càng đam mê và quyết tâm theo đuổi các mô hình. Từ nuôi trâu, heo, gia cầm... chưa đạt hiệu quả kinh tế, chị đã chuyển sang nuôi dê và bước đầu có hiệu quả.

Theo Sở NN-PTNT Bình Dương, toàn tỉnh có gần 200 ha SX nông nghiệp công nghệ cao, trong đó cây cảnh 78,7 ha, hoa lan 16,2 ha, nấm, rau mầm 3,8 ha, rau thủy canh, rau an toàn 73 ha. Bình Dương cũng có 433 hộ đầu tư chăn nuôi theo mô hình NNĐT với số lượng trên 247.000 con cá sấu, cá cảnh, ba ba, chim yến, trĩ, nhím…

Theo chị Hiền, nuôi dê đơn giản, chi phí đầu tư thấp, ít tốn công lao động. Thêm vào đó là thời tiết ở Bình Dương mát mẻ, phù hợp với sự sinh trưởng của loài dê; nguồn thức ăn chủ yếu lại là các loại cây cỏ, dây leo... có nhiều trong tự nhiên. Từ vài con dê ban đầu, hiện nay trang trại của chị Hiền đã phát triển lên đàn dê gần 200 con.

Chuyển đổi phù hợp

Những năm qua, các mô hình NNĐT đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá, tạo nguồn thu nhập cao cho nông dân. Tuy nhiên, diện tích đất nông nghiệp đang dần bị thu hẹp do đô thị hóa. Vì vậy, các mô hình NNĐT, nông nghiệp công nghệ cao đang được tỉnh Bình Dương khuyến khích với nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ nông dân.

Ông Huỳnh Văn Khải, chủ cơ sở SX rau mầm Khải Yến (phường Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một) cho biết, ông có ý tưởng làm rau sạch và đã chọn mô hình trồng rau mầm. Mong muốn sẽ mang lại môi trường sạch, tạo ra các loại sản phẩm bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.

14-52-11_nh-4
Mô hình NNĐT giúp người dân Bình Dương có thu nhập cao

SX không quá khó khăn, điều quan trọng là cần đầu tư và áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào SX. Hiện cơ sở SX rau mầm của ông Khải luôn phát triển ổn định. Hàng năm cho thu trên 500 triệu đồng và tạo việc làm thường xuyên cho người lao động.

Còn gia đình ông Nguyễn Văn Thích (phường Phú Hòa) cũng đang tập trung xây dựng mô hình trồng hoa lan công nghệ cao và trồng được 7.000 gốc lan/2,5 ha. Tuy mới chỉ thu hoạch khoảng 1/3 diện tích lan, nhưng bình quân mỗi tuần cho ông thu 7 triệu đồng. “Trước đây gia đình khởi nghiệp bằng nghề nuôi gà, nhưng vì dịch bệnh thường xuyên bị thua lỗ nặng nên tôi đã quyết định chuyển sang trồng lan thấy phù hợp hơn và cho thu nhập cao”, ông Thích chia sẻ.

Ông Nguyễn Hữu Hiền, Tổ trưởng Tổ SX rau an toàn thị trấn Uyên Hưng (Tân Uyên) cho biết: “Hiện trong tổ chúng tôi có hơn 20 hội viên canh tác trên diện tích khoảng 10 ha. Do từng bước ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào SX nên năng suất rau của các tổ viên đã tăng từ 30 - 40% so với những năm đầu. Tuy nhiên, người dân vẫn còn canh cánh lo về đầu ra cho nông sản nên rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành để mô hình NNĐT phát triển ổn định".

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân thắng lớn, giá tăng 2.000 đồng/kg so với năm trước

Lúa đông xuân năm nay tại Trà Vinh được mùa, hiện giá lúa cũng đang ở mức cao, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất