| Hotline: 0983.970.780

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng

Nghề mới lên đời

Thứ Tư 24/04/2024 , 08:11 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, phong trào nuôi thú cưng ở phố thị theo đó cũng nở rộ, kéo theo nghề điều trị, làm đẹp cho thú cưng phát triển.

Khách hàng mua thức ăn, dầu gội cho thú cưng tại Phòng Khám thú cưng Quang Dung ở thành phố Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Khách hàng mua thức ăn, dầu gội cho thú cưng tại Phòng Khám thú cưng Quang Dung ở thành phố Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, những năm gần đây, tuy chưa phát triển mạnh như ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng, nhưng ở thành phố Quy Nhơn thú cưng cũng đã xuất hiện nhiều.

Theo đó, phòng khám, điều trị bệnh và các dịch vụ chăm sóc, làm đẹp cho thú cưng cũng phát triển theo. Hiện, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã có khoảng gần 20 phòng khám thú cưng, riêng thành phố Quy Nhơn đã chiếm hơn 1 nửa.

Các dịch vụ dành cho thú cưng ngày càng ăn nên làm ra vì đã là thú cưng nên chúng có chế độ chăm sóc rất đặc biệt. Ví như con cún ngoài được mang những đồ trang sức nổi bật như chuông, vòng cổ và mặc áo đẹp, mỗi ngày nó còn được ăn vài cây xúc xích, 1 tuần ăn vài ba miếng sườn hoặc đùi gà, hàng tuần còn được chủ cho đi đến dịch vụ tắm gội, cắt tỉa móng, nhuộm lông, nhuộm tai…

Khi gia đình chủ nhà đi du lịch hoặc đi công việc xa dài ngày, thú cưng được đưa đến gửi tại dịch vụ lưu trú. Nhiều dịch vụ có diện tích đất sử dụng lớn còn mở cả “khách sạn thú cưng”.

Ông Nguyễn Thanh Bình (bên phải), Trưởng Phòng Chăn nuôi (Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định) trao đổi với anh Nguyễn Xuân Hoàng, người chuyên làm đẹp cho thú cưng của Phòng khám thú cưng Quang Dung. Ảnh: V.Đ.T

Ông Nguyễn Thanh Bình (bên phải), Trưởng Phòng Chăn nuôi (Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định) trao đổi với anh Nguyễn Xuân Hoàng, người chuyên làm đẹp cho thú cưng của Phòng khám thú cưng Quang Dung. Ảnh: V.Đ.T

“Tại đây, thú cưng sẽ được dịch vụ chăm sóc, cho ăn đúng chế độ thường ngày như khi ở nhà. Tối, con cún được ngủ phòng máy lạnh, nghe nhạc không lời. Ban ngày được nhân viên dịch vụ dẫn đi bộ để tắm nắng… chi phí khá nhiều tiền. Những cơ sở dù nhỏ đến mấy cũng có vài phòng lưu trú để thú cưng lưu trú điều trị bệnh”, ông Huỳnh Ngọc Diệp cho biết thêm.

Thị xã An Nhơn, nơi hiện cũng đang rộ lên phong trào nuôi thú cưng nên ở đây cũng đã xuất hiện 4 dịch vụ điều trị, chăm sóc thú cưng. Những dịch vụ này không chỉ cung cấp thức ăn, thuốc dinh dưỡng, phụ kiện mà còn nhận lưu trú, tắm sấy, cắt tỉa lông, làm đẹp và nhận điều trị, phẩu thuật, xét nghiệm, tiêm phòng vacxin cho thú cưng.

Theo anh Huỳnh Văn Thạnh, cán bộ thú y của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Nhơn, 4 dịch vụ thú cưng trên địa bàn chủ yếu tắm gội, cắt tỉa móng, nhuộm lông…, còn về điều trị mới chỉ có 2 dịch vụ có trang bị máy móc thiết bị, nhưng chưa đầy đủ. Về phẩu thuật, các dịch vụ nói trên chủ yếu chỉ tiểu phẩu, chứ chưa thể phẩu thuật được những ca bệnh như gãy xương, thay khớp cho thú cưng.

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, thú cưng mà người dân Bình Định thường nuôi chủ yếu là chó và mèo. Những loài chó được nuôi nhiều nhất là: Pooddle, Golden, Rohweiler, Phú Quốc, Pitbull. Mèo có các giống: Mèo Xiêm, mèo Anh, mèo Ba Tư…

Cũng theo ông Diệp, riêng về loài chó thường bị các bệnh do vi khuẩn và virus gây ra. Bệnh về vi khuẩn dễ điều trị, còn bệnh do virus vì chưa có thuốc đặc trị, biệp pháp duy nhất là nâng sức đề kháng cho thú để chúng tự vượt qua bệnh.

Dịch vụ thú cưng An Nhơn PET tại khu vực Kim Châu, phường Bình Định (thị xã An Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Dịch vụ thú cưng An Nhơn PET tại khu vực Kim Châu, phường Bình Định (thị xã An Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

“Bệnh do virus gồm: Viêm gan, Care, Parvo, nhưng bệnh dại là nguy hiểm nhất. Nuôi chó tốn kém lắm, vacxin phòng các loại bệnh Parvovirus, Care có liều 5 trong 1 ngừa 1 lúc 5 bệnh, có liều 3 trong 1, mỗi lần tiêm có chi phí cả trăm ngàn đồng/liều.

Người nuôi mua con chó năm ba triệu thì mua được nhưng lại lơ là việc tiêm phòng dại cho thú cưng dù chi phí rất rẻ, chỉ từ 30.000 - 50.000đ/liều. Đến khi con chó cắn người rồi mới đưa người bị cắn đi tiêm phòng mất cả tiền triệu”, ông Diệp chia sẻ.

“Tiêm phòng dại cho chó ở Bình Định được xã hội hóa. Mỗi năm ngành chức năng phát động 1 đợt tiêm phòng dại, người nuôi đăng ký thú có nhu cầu tiêm. Khu vực trưởng hoặc trưởng thôn tập họp danh sách, ngành chức năng thành lập điểm, hẹn ngày đưa thú đến để cán bộ thú y địa phương tổ chức tiêm”, ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Phòng Chăn nuôi (Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định) cho biết.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Hàng trăm ha lúa có nguy cơ thiệt hại hoàn toàn do hạn mặn

SÓC TRĂNG Xâm nhập mặn thời gian qua khiến hàng trăm ha lúa hè thu 2024 đã xuống giống ở xã Vĩnh Quới (thị xã Ngã Năm) không có nước tưới, nguy cơ thiệt hại hoàn toàn.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.