Từ huyện về xã, từ xã về ấp, nhiều tuyến đường liên ấp thông thoát phục vụ nhu cầu đi lại và giao thương hàng hóa của người dân. Những địa danh như Vĩnh Viễn, Lương Tâm, Lương Nghĩa, Xà Phiên đã từng “nổi tiếng” về sự xa xôi, cách trở… từ những con đường phum sóc Khmer Long Mỹ bừng sáng tạo ra mạng lưới giao thông liên hoàn khang trang sạch đẹp, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Diện mạo nông thôn xã Lương Tâm đang khởi sắc, cảnh quan môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp
Những năm gần đây, thực hiện Chương trình 135, những tuyến đường liên thôn, liên xã huyện Long Mỹ liên tục được đầu tư xây dựng, sửa chữa, góp phần đem lại diện mạo mới cho vùng quê này.
Theo ông Trần Văn Bườn, Phó phòng Dân tộc huyện Long Mỹ, thụ hưởng Chương trình 135 (giai đoạn 2010 – 2015), huyện đã triển khai xây dựng được 28 tuyến lộ giao thông, tổng chiều dài 42.550m, xây mới 3 cây cầu ở 11 ấp, tổng số vốn thực hiện là 12 tỷ đồng.
“Từ đầu năm nay 2016, thực hiện Chương trình 135, huyện Long Mỹ được T.Ư hỗ trợ xây dựng 4 tuyến đường thuộc 2 xã đặc biệt khó khăn Lương Nghĩa và Xà Phiên, với tổng kinh phí 3,2 tỷ đồng. Từ khi chính quyền triển khai xây dựng, người dân ở đây rất phấn khởi, háo hức. Hơn thế nữa, ở mỗi tuyến đường sau khi khánh thành, diện mạo nông thôn thêm khởi sắc, mở ra cơ hội mới để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân” – ông Bườn chia sẻ.
Đang trồng hoa kiểng trước nhà, anh Danh Nhượn (ngụ ấp 10, xã Lương Nghĩa), phấn khởi: “Bây giờ có đường thông thoáng, đi lại thuận lợi, mình phải làm cho nó đẹp hơn, không chỉ làm đẹp cho tuyến đường mà còn tạo được cảnh quan sạch đẹp”.
Diện mạo phum sóc ấp 3, xã Vĩnh Viễn đang khởi sắc, đường GTNT được đầu tư xây dựng, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của bàn con đồng bào dân tộc Khmer
Theo người dân ấp 10, tuyến đường này trước đây là đường đất, người dân chỉ đi xe gắn máy vào mùa nắng, mùa mưa thì phải gửi nhà người quen. Vất vả hơn, mấy cháu học sinh đi học phải có phụ huynh đưa rước bằng ghe, xuồng, còn không thì đi trơn trượt, quần áo lấm lem; việc sinh hoạt, vận chuyển hàng hóa của bà con gặp nhiều khó khăn. Còn bà Thị Bảnh, (cùng ngụ ấp 10 xã Lương Nghĩa) nói trong niềm vui: Trước đây, do đi lại khó khăn nên nhiều học sinh vùng này đành nghỉ học giữa chừng, nay có đường mới sẽ chắp cánh cho các em “nuôi con chữ”, làm thay đổi cuộc đời, quê hương.
“Khi tuyến đường này bắt đầu xây dựng, người dân mừng lắm, người thì hiến đất, hoa màu để giải phóng mặt bằng, người thì phụ giúp trộn hồ… Ngày khánh thành, ở đây vui như mở hội, từ nay trở đi học sinh không còn sợ cảnh lầy lội mỗi lần đến trường” – bà Bảnh nói.
Bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, Long Mỹ tập trung triển khai nhiều chương trình phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững nhằm hỗ trợ hộ nghèo trên mọi phương diện đời sống, như đề án cải tạo vườn tạp, đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật…
Ông Lư Thành Như, ở ấp 3 (xã Vĩnh Viễn) đang chăm sóc vườn cây ăn trái, đó là hiệu quả Long Mỹ mở mới đường vào khu sản xuất, đầu tư đê bao khép kín…góp phần giảm nghèo bền vững cho hộ Khmer ở Long Mỹ
Ông Lư Thành Như, ở ấp 3, xã Vĩnh Viễn, chia sẻ: “Nhờ được Nhà nước đầu tư đê bao khép kín, việc sản xuất lúa của bà con nơi đây thuận lợi hơn khi chủ động được nguồn nước, xuống giống đồng loạt, làm cùng một loại giống nên bán lúa rất thuận lợi mỗi khi vào vụ thu hoạch, giảm chi phí đầu tư, tăng nguồn lợi nhuận so với trước đáng kể”.
Trong xây dựng NTM, Long Mỹ đặc biệt ưu tiên cho phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc làm đổi thay quê hương. Đến nay, hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển, thông thương giữa các vùng.
Sau hơn 5 năm, Long Mỹ huy động được hơn 3.964 tỉ đồng để đầu tư xây dựng NTM, trong đó doanh nghiệp và người dân đóng góp hơn 124 tỉ đồng. Một số xã thực hiện phối hợp hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư của các chương trình, dự án và đóng góp của người dân làm đường giao thông nông thôn hiệu quả, góp phần thay đổi bộ mặt địa phương rõ rệt: Vĩnh Viễn, Thuận Hưng, Vĩnh Thuận Đông, Lương Tâm…
Diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc Khmer ở huyện Long Mỹ khởi sắc khi có đường mới
Phó Trưởng ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Long Mỹ, Lê Hồng Việt cho biết, hơn 5 năm qua, huyện đã nhựa hóa đường trục xã, liên xã được 49km, cứng hóa đường trục thôn, xóm được 69km, làm sạch và không lầy lội đường ngõ xóm được 36km. Cho đến nay, hệ thống đường làng, ngõ xóm dần được bê tông hóa, một số còn lại ít nhất cũng đã được mở rộng, nâng cấp đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân ở khu vực nông thôn. Một trong những cách để thoát nghèo cho nhân dân là tập trung đầu tư hạ tầng thiết yếu, trong đó ưu tiên cho phát triển giao thông nông thôn luôn được Long Mỹ quan tâm.
“Những năm qua, Long Mỹ còn lồng ghép các nguồn vốn khác nhau để mở mới đường vào khu sản xuất, mở rộng, nâng cấp đường bê tông nông thôn, nhờ thế đến nay, Long Mỹ có hệ thống đường giao thông nông thôn đi lại khá thuận lợi, hầu hết có điện thắp sáng, có trường học tốt, có nhiều trạm y tế đạt chuẩn…nên bà con rất phấn khởi, diện mạo vùng nông thôn đã khởi sắc, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 28,5 triệu đồng/người/năm, (tăng hơn 8 triệu đồng/người/năm so với năm 2011), tỷ lệ hộ nghèo còn 9,3% (tiêu chí cũ)” – ông Việt nói.