| Hotline: 0983.970.780

QH thảo luận dự toán ngân sách: Lo thất thu, nợ công

Thứ Ba 25/10/2011 , 10:54 (GMT+7)

Thất thu, nguồn thu thiếu bền vững và nợ công là những vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra trong buổi thảo luận sáng 24/10...

Các đại biểu thảo luận tổ sáng 24/10
Sáng 24/10, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2011; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách TƯ năm 2012. Thất thu, nguồn thu thiếu bền vững và nợ công là những vấn đề nhiều đại biểu đặt ra.

 Nhiều nguồn thu “ảo”

 Phát biểu thảo luận, nhiều ĐB cho rằng, việc dự toán nguồn thu không chính xác (dự tính năm 2011 thu ngân sách vượt 11,3%) hay nguồn thu chưa ổn định là điều Chính phủ cần bàn kỹ trong kỳ họp này.  ĐB Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) cảnh báo, hiện nguồn thu ngân sách còn phụ thuộc chủ yếu vào dầu thô, bất động sản. Thế nhưng điều này rất nguy hiểm bởi khi giá dầu thô thế giới có biến động thì Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng lớn.

ĐB Lò Văn Muôn (Điện Biên) thì e ngại về các nguồn tăng thu dự kiến năm nay của Chính phủ sẽ khó đạt được bởi có nhiều khoản sẽ thất thu, thậm chí là thu “ảo”- nguồn thu chưa có kết quả. Ông nêu ví dụ việc Chính phủ vừa đồng ý giãn thuế cho DN. Điều này mới thực hiện, hình hài chưa rõ ràng nên chắc chắn sẽ giảm thu hoặc chưa thu được. Ngoài ra, ĐB Muôn cũng cho rằng, để cán cân kinh tế được cân đối, Chính phủ tăng thu nhưng phải giảm bội chi ngân sách xuống còn 4,5- 4,6% (hiện nay là 4,9%).

Một số ĐB khác cũng phân tích thêm rằng, hiện nay thất thoát thuế rất nhiều, nhất là tại các cửa khẩu (cả nước có 28 cửa khẩu). Vì vậy, Chính phủ cũng cần ban hành sớm các chính sách thu thuế chuẩn, ổn định hơn trong các năm tiếp theo.

Nợ công có đáng lo?

 Tại phiên thảo luận, nhiều ĐB cũng bày tỏ lo ngại đối với nợ công hiện nay. Chính phủ khẳng định nợ công vẫn ở trong ngưỡng an toàn, nhưng thế giới lại đưa ra cảnh báo, vì vậy theo ĐB Phạm Văn Cường (Lào Cai) thì: "Chính phủ cần hết sức thận trọng với những dự báo “an toàn” này. Nên chăng năm 2012, nếu tăng thu thì sẽ dành một phần trả nợ nước ngoài, đồng thời tăng dự trữ tài chính quốc gia”- ông Cường đề xuất.

Về sử dụng vốn ngân sách, đa số ý kiến khác cho rằng, cần phải được kiểm soát chặt chẽ hơn, nhất là hiện nay quá nhiều dự án trùng lắp, thậm chí có nhiều dự án các khoản chi thường xuyên đã chiếm tới 80%. Ngoài ra, việc Ngân sách TƯ đầu tư còn dàn trải, thiếu tập trung cũng là e ngại của nhiều ĐB. Cụ thể năm 2012, Chính phủ trình chi cho đầu tư phát triển là 180.000 tỷ đồng, trong đó TƯ chỉ chiếm 33%, như thế là không phù hợp, vì dự án cho địa phương quá nhiều.

+ "Không nên phân bổ ngân sách từng năm mà nên kéo thành 5 năm. Và ai là người quyết định dự án thì người đó phải thu tiền. Không thể có tình trạng địa phương lo dự án nhưng Thủ tướng phải lo tiền. Làm như thế sẽ không tập trung nguồn lực, đầu tư sẽ rất dàn trải", Bộ trưởng GT-VT  Đinh La Thăng kiến nghị.

+ Liên quan đến đề xuất thay đổi giờ làm, giờ học để tránh ùn tắc đường, ngày 24/10 trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải Đinh La Thăng cho hay, qua lấy ý kiến thì nhiều người băn khoăn nếu cha mẹ và con cái lệch giờ học, giờ làm thì gây xáo trộn sinh hoạt rất lớn. Vì vậy, hiện nay kế hoạch đó vẫn đang được Bộ tiếp tục nghiên cứu rồi mới trình lên Chính phủ xem xét, quyết định.

Theo Bộ trưởng Thăng, dự kiến giờ học của học sinh mầm non và tiểu học có thể sẽ điều chỉnh trùng với giờ đi làm của bố mẹ để phù hợp hơn. Bởi nếu chênh nhau thì bố mẹ các cháu vẫn phải ra đường vì phải đưa con đến trường. Cũng theo ông Thăng, kết thúc kỳ họp Quốc hội này, ông sẽ vào họp trong TPHCM để lấy ý kiến.

"TƯ ít thế thì làm sao đủ nguồn lực để phát triển các dự án lớn, trong khi địa phương nào cũng tham vọng trong đầu tư. Nếu cứ giao tiền hết cho địa phương thì không tránh khỏi đầu manh mún, không cái gì ra tấm ra món. Vừa qua quá nhiều dự án ở địa phương phải đình hoãn là do đầu tư kiểu này"- vẫn ĐB Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa) phân tích.

Trái với ý kiến lo ngại của nhiều ĐB về nợ công, Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng lại cho rằng, đất nước muốn CNH- HĐH thì phải đầu tư cho hạ tầng giao thông. "Nếu còn vay được tiền thì cứ vay, chứ không nên hạn chế trần nợ công. Thế giới phải thấy yên tâm thì họ mới cho Việt Nam vay. Đừng quan niệm vay thì con cháu sau này phải trả. Bây giờ không làm thì sau này con cháu chúng ta cũng làm, mà càng làm sớm thì càng rẻ. Nếu cứ đầu tư như hiện nay thì Việt Nam còn lâu mới có đường cao tốc. Trung Quốc bình quân mỗi năm làm hơn 4.000 km đường cao tốc, Việt Nam hiện gần như chưa có mét nào", ông Thăng nói.

Cũng theo ông Thăng, nếu vay được tiền thì chúng ta phấn đấu đến năm 2020 làm xong đường cao tốc Bắc Nam. Còn đầu tư như hiện nay, phấn đấu lắm thì đến 2015 mới có 600 km đường cao tốc (Trung Quốc hiện đã có 74.000 km đường cao tốc).  "Điều quan trọng là làm tốt, quản lý đồng vốn vay có hiệu quả. Và vốn vay chỉ để làm hạ tầng. Đầu tư cho hạ tầng vẫn phải Nhà nước chủ đạo. Đừng sợ nợ công", người đứng đầu Bộ GT-VT chia sẻ.

Xem thêm
Hà Lan sẵn sàng giúp Việt Nam đạt mục tiêu về xuất khẩu nông sản

Trưa 19/3, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan họp song phương với đoàn công tác Hà Lan do Bộ trưởng Chính sách Tự nhiên và Nitơ Christianne van der Wal dẫn đầu.

Đồng Tháp đặt mục tiêu thành tỉnh kiểu mẫu nông nghiệp sinh thái

Mục tiêu là biến Đồng Tháp trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp và trở thành trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Nghệ An thiệt hại hơn 667 tỷ đồng do thiên tai

Đã thành thông lệ, thiên tai thường xuyên rình rập và đe dọa Nghệ An bất kỳ lúc nào. Riêng năm 2023, tỉnh này thiệt hại hơn 667 tỷ đồng do thiên tai.