Người tị nạn Rohingya trú mưa tại lều bạt tạm bợ ở biên giới Bangladesh |
Phát biểu trên BBC, vị tướng này cho rằng, người Rohingya “chưa bao giờ là một sắc dân thiểu số”, đồng thời cáo buộc họ tội danh “quá khích” để nhằm lập nên một chế độ riêng tại bang Rakhine. Trước đó, nhiều luồng dư luận cả trong nước lẫn quốc tế đã đưa ra cảnh báo, việc chính quyền quân sự Myanmar có sử dụng vũ lực với thường dân Rohingya, buộc họ phải tháo chạy khỏi đất nước. Thậm chí, LHQ cũng phải lên tiếng cảnh báo về một cuộc “đàn áp chống lại người Rohingya” như là một sự thanh trừng sắc tộc bởi Rohingya là sắc dân Hồi giáo, trong khi Myanmar có tới 90% dân số theo đạo Phật.
Đích thân Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres còn đề nghị bà Aung San Suu Kyi phải có hành động khẩn để cứu vãn tình hình trước khi sự việc đi quá xa. Tính đến nay đã có tổng cộng 93 vụ bạo lực bùng phát giữa hai bên kể từ ngày 25/8 khiến hàng chục người thiệt mạng. Trong khi đó, chính phủ Bangladesh cho biết đã tiếp nhận khoảng trên 400.000 người Rohingya sang tỵ nạn tại nước này.
Theo AFP, Tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing cũng kêu gọi “toàn dân đoàn kết” chống lại áp lực buộc phải công nhận sắc tộc Rohingya là người Myanmar. Trên Facebook cá nhân, tướng Min Aung Hlaing cho rằng Myanmar đang phải chịu sức ép phải công nhận cộng đồng Hồi giáo Rohingya là người Myanmar, trong khi sắc tộc này là người Bangladesh.
Sau một thời gian im lặng và bị chỉ trích, lãnh đạo chính quyền dân sự Myanmar, bà Aung San Suu Kyi dự kiến sẽ lên tiếng qua một thông điệp toàn quốc vào ngày hôm nay (19/9). Theo giới quan sát, vụ hồ sơ Rohingya luôn được công luận trong nước đứng về phía chính phủ và quân đội nên đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo khiến hàng trăm ngàn người Hồi giáo chạy sang Bangladesh lánh nạn. Quỹ Nhi đồng LHQ (Unicef) thậm chí còn đưa ra cảnh báo, đến cuối năm nay con số tị nạn sẽ lên đến 600.000 người, trong đó phân nửa là trẻ em.
BBC cho hay, bất chấp nguy cơ khủng hoảng nhân đạo lún sâu, tính đến thời điểm hiện tại cộng đồng Phật giáo tại bang khủng hoảng Arakan vẫn không chấp nhận để các tổ chức nhân đạo đến cứu trợ cho hàng trăm ngàn người Rohingya đang bị cô lập. Ông Tin Htoo Aung, lãnh đạo một tổ chức phi chính phủ tại bang Arakan nói: "Không biết trong số họ có ai là khủng bố hay không. Chỉ có chính những kẻ khủng bố mới biết được điều đó".
Kể từ khi nổ ra khủng hoảng, tại bang Arakan, các tổ chức phi chính phủ và báo chí quốc tế bị giới hạn đi lại hoặc được nhân viên chính quyền tháp tùng khi tác nghiệp. Theo chính phủ Myanmar thì việc này là một điều bình thường, khi có nguồn tin cho rằng, nhiều tổ chức phi chính phủ và LHQ đều giúp đỡ những tên khủng bố. “Chúng tôi phát hiện những gói lương thực của Liên Hợp quốc phát cho quân khủng bố. Ở đây mọi việc đều phức tạp. Trong hoàn cảnh đó, tốt hơn hết nên ngăn chặn các hoạt động cứu trợ nhân đạo", một người dân Myanmar cho hay.
Theo nguồn tin chính phủ thông báo hôm qua, bà Aung San Suu Kyi cho biết sẽ không tham dự hội nghị của Đại hội đồng LHQ tại New York trong tuần này, đồng thời cáo buộc, vấn đề tại Myanmar đang bị bóp méo và thổi phồng bởi các tin tức giả phục vụ cho mục đích của phe khủng bố.