| Hotline: 0983.970.780

Ông Kim Jong-un tuyên bố tăng cường kiểm soát nhà nước đối với nông nghiệp

Thứ Sáu 03/03/2023 , 10:16 (GMT+7)

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố sẽ tăng cường vai trò kiểm soát của nhà nước đối với nông nghiệp và nỗ lực hết sức nhằm tăng sản lượng lương thực.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đi thăm một trang trại gà đang được xây dựng ở huyện Hwangju nhưng không rõ thời gian nào. Ảnh: KCNA

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đi thăm một trang trại gà đang được xây dựng ở huyện Hwangju nhưng không rõ thời gian nào. Ảnh: KCNA

Động thái mới nhất được Bình Nhưỡng loan đi sau khi Hàn Quốc đồn đoán, quốc gia láng giềng đang thiếu 20% nguồn cung lương thực hàng năm.

Trước đó, truyền thông nhà nước Triều Tiên dẫn lời ông Kim Jong-un tại hội nghị trung ương đảng Lao động Triều Tiên kéo dài 4 ngày tại thủ đô Bình Nhưỡng bế mạc hôm thứ Tư, tiết lộ kế hoạch sẽ can thiệp nhiều hơn của nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp.

"Để đạt được mục tiêu dài hạn to lớn về phát triển nông thôn, cần phải tăng cường mạnh mẽ sự lãnh đạo của đảng đối với nông nghiệp và cải thiện công tác đảng ở nông thôn", truyền thông nhà nước trích dẫn bài phát biểu của ông Kim.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên cho biết, chính phủ của ông coi phát triển nông nghiệp có tầm quan trọng “chiến lược” và các mục tiêu nông nghiệp nên được giải quyết chắc chắn, theo hãng thông tấn Triều Tiên KCNA. Ông Kim cũng yêu cầu các quan chức các cấp chấn chỉnh “hướng dẫn canh tác” và tập trung vào việc tăng sản lượng nông nghiệp.

Trong cuộc họp vừa qua, ông Kim Jong-un cũng kêu gọi xây dựng nhanh hơn các hệ thống thủy lợi mới để giúp đất nước đối phó với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu. Ông cũng kêu gọi các nhà sản xuất chế tạo và cung cấp các loại máy nông nghiệp hiệu quả hơn, đồng thời kêu gọi người lao động đẩy nhanh nỗ lực chuyển đổi nhiều vùng đất ven biển thành đất nông nghiệp.

Kwon Tae-jin, nhà kinh tế cấp cao tại Viện GS & J ở Hàn Quốc cho biết: “Theo quan điểm của chúng tôi, họ đang đi giật lùi và quay về quá khứ. Để giải quyết vấn đề lương thực, họ nên để thị trường đóng vai trò lớn hơn. Nhưng họ đang quay trở lại nền kinh tế kế hoạch”.

Hệ thống khẩu phần ăn nhà nước ở Triều Tiên phần lớn bị thất bại kể từ khi nạn đói giết chết ước tính hàng trăm nghìn người vào giữa những năm 1990. Kể từ đó, đất nước này đã chấp nhận một số mức độ hoạt động thị trường mở, giúp đất nước đạt được mức tăng trưởng kinh tế khiêm tốn.

Các chuyên gia cho rằng, những khó khăn kinh tế kinh niên và tình trạng mất an ninh lương thực của Triều Tiên ngày càng trầm trọng hơn do các lệnh trừng phạt cứng rắn của Liên Hợp Quốc, đại dịch COVID-19 đã làm suy giảm các giao dịch thương mại với bên ngoài cùng với sự quản lý yếu kém trong nước.

Tình trạng thiếu lương thực ngày một trầm trọng hơn là nỗ lực bất thành của Bình Nhưỡng trong việc cung cấp lương thực thông qua các cơ sở do nhà nước điều hành, trong khi hạn chế hoạt động giao dịch tư nhân tại các chợ. Ông Kwon cho biết thêm, các yếu tố khác gây ra tình trạng thiếu lương thực bao gồm thu nhập cá nhân giảm và các biện pháp hạn chế đại dịch.

“Những người tham gia thị trường vẫn hành động rất thận trọng nên lượng ngũ cốc tại các chợ không tăng nhiều. Một khi các nhà chức trách nhìn thị trường một cách tiêu cực, thì vấn đề sẽ không thể được phục hồi một cách đúng đắn”, ông Kwon nói.

Theo đánh giá của Hàn Quốc, sản lượng ngũ cốc năm 2022 của Triều Tiên ước đạt 4,5 triệu tấn, giảm 3,8% so với một năm trước đó. Trong thập kỷ trước, sản lượng hàng năm của nó ước tính khoảng từ 4,4 triệu đến 4,8 triệu tấn. Cơ quan tình báo Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên hàng năm phải cần ít nhất 5,5 triệu tấn lương thực để nuôi sống 25 triệu dân.

Leif-Eric Easley, giáo sư tại Đại học Ewha ở Seoul, nói: “Thật khó để lạc quan về nguồn cung lương thực chừng nào Bình Nhưỡng vẫn khăng khăng thực hiện mô hình cũ và cô lập đất nước khỏi thương mại và hỗ trợ quốc tế trong khi theo đuổi chương trình tên lửa hạt nhân”.

Chuyên gia phân tích Kwon nhận định, trong khi Triều Tiên thiếu hụt khoảng 1 triệu tấn ngũ cốc hàng năm, nhưng mức độ thiếu hụt như vậy sẽ không dẫn đến nạn đói hàng loạt như trong quá khứ, bởi thực phẩm vẫn có sẵn ở chợ dù với giá đắt đỏ. “Giống như những người rất nghèo đang thiếu đói nhưng chính phủ sẽ không để họ chết đói. Mọi thứ có thể sẽ tiếp tục như vậy”, ông Kwon nói.

Các biện pháp của Kim công bố trong cuộc họp bốn ngày gần đây phần lớn là sự lặp lại các chính sách trước đây của ông. Triển vọng giải quyết nhanh chóng tình trạng mất an ninh lương thực của nước này là mờ mịt khi Triều Tiên hạn chế hoạt động của các khu chợ và dành phần lớn nguồn lực khan hiếm cho chương trình hạt nhân.

Sáng kiến ​​của Chủ tịch Kim Jong-un là động thái mới nhất trong chiến dịch cấp thiết của đất nước nhằm thiết lập một nền kinh tế kế hoạch nhất quán hơn, theo mô hình của người cha và ông nội quá cố của ông.

Trong mấy tuần gần đây, Bình Nhưỡng gia tăng các hành động quân sự với một loạt các vụ thử chương trình hạt nhân khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Hàn Quốc gọi Triều Tiên là "kẻ thù của chúng ta" lần đầu tiên sau sáu năm, trong báo cáo quốc phòng hai năm một lần được công bố vào tháng Hai.

(FoxNews; ABCNews)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.