| Hotline: 0983.970.780

Rét đậm, rét hại và vụ lúa xuân 2014

Thứ Hai 24/02/2014 , 10:52 (GMT+7)

Vụ lúa xuân 2014, khi thời vụ mới bắt đầu đã phải đối mặt với những biến động thất thường của khí hậu thời tiết.

* Đợt rét vừa qua lợi nhiều hơn hại!

Vụ lúa xuân 2014, khi thời vụ mới bắt đầu đã phải đối mặt với những biến động thất thường của khí hậu thời tiết. Gần 20 ngày từ trước tiết Đại hàn (20/1) đến qua tiết Lập xuân (9/2) nền nhiệt ở miền Bắc khá cao, trung bình nhiệt độ ngày đêm giai đoạn này biến động 22 - 25 độ C.

Đây cũng là thời điểm vào vụ, một số địa phương đã gieo cấy các giống dài và trung ngày; trà lúa xuân muộn được tập trung gieo cấy trước và ngay sau Tết Nguyên đán, tức là xoay quanh trục Lập xuân mạ nền sau gieo lên nhanh “vù vù” nếu nền nhiệt không biến động, chỉ trên dưới 10 ngày mạ đã được trên 3 lá và là tuổi cấy hợp lý.

Nếu diễn biến ấm tiếp tục, các địa phương miền Bắc sẽ gieo cấy xong trước 20/2. Từ 9/2 một đợt không khí lạnh mạnh tràn xuống, có 4 - 5 ngày nhiệt độ trung bình giảm sâu ở mức rét đậm, rét hại, vùng núi phía bắc như Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Sa Pa (Lào Cai) có băng tuyết.

Diện tích lúa xuân 2014 ở miền Bắc đến 20/2 theo tổng hợp của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho thấy: Các tỉnh Bắc Trung bộ cơ bản đã gieo cấy xong 339.000/344.000 ha, đạt 98% kế hoạch; các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng gieo cấy được 335.000/559.000 ha, đạt gần 60% kế hoạch; các tỉnh miền núi phía Bắc gieo cấy 135.000/240.000 ha đạt trên 70% kế hoạch.


Nhiều ruộng cấy mạ non ở Hải Dương bị chết rét

Lợi nhiều hơn hại

Diện tích lúa xuân bị thiệt hại do rét đậm rét hại theo thống kê nhanh là trên 11.000 ha, có khoảng trên 2.000 ha lúa cấy vào giáp đợt rét, một số diện tích gieo sạ, gieo vãi để khô nước sẽ bị chết rét phải gieo cấy lại.

Thời tiết hiện đang ấm dần và các dự báo dài hạn cho thấy ít khả năng còn rét hại. Nhận định về tác động của đợt rét này, chúng tôi cho rằng, cái lợi được nhiều hơn cái hại. Số thiệt hại là không đáng kể so với tổng diện tích toàn miền. Vì sao như vậy?

Thứ nhất, nếu không có đợt rét này, lúa xuân chắc đã gần kín đồng và cấy đến đâu, lúa lên xanh đến đấy, mạ gieo đã ấm và mạ khỏe, tuổi cấy hợp lý, do vậy lúa sinh trưởng sẽ rất nhanh và nguy cơ một vụ lúa xuân trổ sớm từ giữa và cuối tháng 4 là có thật.

Và như vậy kéo theo nó là áp lực sâu bệnh với cả đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông; các yếu tố cấu thành năng suất cũng sẽ bị tác động do khoảng thời gian hình thành Hydrat Carbon (chất khô) ngắn; Tất cả các vụ xuân ấm, lúa trổ sớm đều không cho năng suất cao.

Các nghiên cứu và tổng kết các vụ xuân ấm trước đây cho thấy, càng các giống trà dài ngày thì mức thụt giảm năng suất càng sâu, mất mùa càng đau hơn. Các giống ngắn ngày cũng bị ảnh hưởng thụt giảm năng suất, nhưng mức giảm không nhiều, với lúa ưu thế lai thì mức ổn định được đánh giá là khá tốt với dạng hình biến động kiểu này. Vụ xuân 1987, vụ xuân 1991 và gần nhất là 2007 năng suất lúa trung bình toàn miền Bắc đều sụt giảm do thời tiết nghiêng ấm.

Thứ hai: Với lúa chiêm (trước đây) và lúa xuân hiện nay, câu tổng kết của ông cha ta về kinh nghiệm SX nông nghiệp là “chiêm ba giá, mùa cá chết” chứa đựng cả những giá trị về khoa học và thực tiễn.

Đợt rét này lúa xuân được “tôi luyện” thừa 3 giá; trà đã cấy thì lúa chựng lại, còn đang mạ thì được “luyện” cho đanh cho cứng thêm. Sâu hại thì gặp trận rét này cũng sẽ bị hạn chế một phần do vừa ngủ dậy sau nghỉ đông, lại gặp đợt ấm dài trước tết, gặp rét chuyển đột ngột cũng sẽ bị tiêu diệt.

Rét sẽ điều chỉnh và để tích đủ tích ôn hữu hiệu cần phải nhiều ngày hơn cho sinh trưởng dinh dưỡng, điều này cũng đồng nghĩa với kéo dài thời gian tích lũy chất khô và “nguồn” cho tích lũy vào hạt sau này sẽ dồi dào hơn, năng suất có cơ cao hơn, nhất là với những giống cân đối về “nguồn” và “sức chứa”. Rét cũng góp phần điều chỉnh dinh dưỡng trong đất, phân bón nhả chậm hơn, và như vậy hiệu suất cao hơn, mức thất thoát cũng sẽ ít hơn.

Về mặt tổng kết thực tiễn thì ai cũng phải thấy rằng, phàm những năm rét, rét chết mạ, chết lúa sẽ là những năm được mùa. Vụ xuân 2008 toàn miền Bắc chết rét hàng trăm ngàn ha lúa, đến cuối tháng 2 mà nhiều vùng còn trắng băng chưa cắm được cây mạ nào; năm đó có diện tích còn cấy đến cuối tháng 3 dương lịch, ấy thế mà lại là một trong những vụ có năng suất cao nhất trong gần 1 thập niên trở lại đây.

 Vụ xuân 2011 cũng lại một vụ rét nữa chứng minh điều này… Xa nữa theo chuỗi số liệu thống kê thì chưa bao giờ năm rét mà năng suất lúa lại thấp. Như vậy rõ ràng là “lợi” nhiều hơn “hại”, cũng có những đợt mưa lớn, nhiều đợt lợi nhiều hơn hại là vậy.

Cần lưu ý gì?

Trước hết, vụ xuân 2014, lượng giống SX theo cấp và qua chế biến của các Cty hầu như đã bán hết từ trước tết, vì vậy những địa phương, hộ gia đình có lúa cấy, gieo vãi bị chết không còn cơ hội để mua lại được giống tốt đã qua chế biến.

Trong trường hợp này bà con phải sử dụng giống dự phòng, thậm chí là thóc thịt để gieo cấy bổ sung, tuy nhiên thóc thịt hiện nay về độ thuần cũng có thể chấp nhận; cần lưu ý, lượng thóc bổ sung không nhiều nên bà con cần sàng sảy, đãi kỹ hạt trong khi ngâm ủ.

Nước được ví như “áo” của lúa xuân và các cụ xưa cùng dạy “chiêm chết khô, mùa chết úng” có nghĩa là vụ chiêm xuân, gặp rét mà để khô thì lúa sẽ chết còn vụ mùa thì là mùa mưa nên lại ngược lại. Do vậy bằng mọi giá phải giữ được nước đều trên mặt ruộng để làm áo cho lúa xuân, lúa xuân rất cần giai đoạn tưới dưỡng vì mùa mưa chưa tới. Điều này càng quan trọng hơn với vùng khô hạn.

Thời vụ: Kết thúc gieo cấy trong tháng 2 và không quá 5 - 10/3 ở vùng đồng bằng sông Hồng, vùng trung du và Tây Bắc, vùng Đông Bắc có địa phương kết thúc muộn hơn.

Phân bón: Phương châm vẫn là lót sâu, thúc sớm, nhưng hết sức chú ý sử dụng đúng chủng loại phân bón, lân dễ tiêu giai đoạn mạ và sau cấy rất cần để cây lúa tăng cường ra rễ mới và chống rét. Vì vậy cần sử dụng phân NPK chuyên lót hoặc NPK có hàm lượng lân cao để bón lót hoặc sẽ phải sử dụng bổ dung bằng cách phun thêm phân qua lá “siêu lân” hoặc các chất hỗ trợ sinh trưởng giúp cây ra rễ mạnh hơn như ET, 3M, PennacP…

Các loại phân NPK bón thúc phải có hàm lượng đạm cao cùng với lượng kali hợp lý, chỉ bón khi trời ấm và lúa xuân có lá “tỏi” - lá nõn trắng xanh, hoặc khi nhổ khóm lúa lên quan sát thấy các rễ lúa đâm ra trắng và mập.

Diện tích gieo sạ, gieo vãi cần giữ và điều tiết nước hợp lý, nếu sau gieo để khô, gặp rét chỗ khô chết rét còn chỗ trũng hơn nước dồn, đọng chua cũng sẽ chết vì “co nguyên sinh”, giai đoạn 3 và trên 3 lá cần giữ lớp nước nông, tỉa dặm kịp thời và bón thúc để lúa đẻ sớm, đảm bảo mật độ trên ruộng.

Xuân 2014, khó khăn đầu vụ, nhưng hy vọng là một vụ được mùa.

Sử dụng thuốc cỏ cần hết sức lưu ý với một số loại có tính chọn lọc và một số dạng huyền phù nếu nước ngập trên đỉnh sinh trưởng sẽ bị tác động và dẫn đến hiện tượng xoăn lá, chùn cây gần giống với lùn sọc đen.

Các địa phương, nhất là Chi cục BVTV cần hướng dẫn kỹ bà con sử dụng các loại thuốc trừ cỏ này, trời rét dưới 15 độ C không nên phun thuốc trừ cỏ.

Theo dõi chặt chẽ sâu bệnh hại, nhất là đạo ôn lá với những giống chất lượng, nhiễm và nhạy cảm với đạo ôn như BT7, T10, BC15… Phát hiện và phòng trừ kịp thời, diệt trừ ngay ổ bệnh.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm