| Hotline: 0983.970.780

Sự thật về thuốc chữa lợn tai xanh tại Long An

Thứ Tư 11/08/2010 , 11:20 (GMT+7)

Trước thông tin thuốc chữa bệnh heo tai xanh do một Việt kiều “xách tay” từ bên Mỹ về đang xuất hiện ở Long An, gây bán tín bán nghi cho nhiều hộ chăn nuôi, NNVN đã đi tìm hiểu sự thật.

Chế phẩm BVR-402 được quảng bá có thể chữa “tai xanh” thực chất là một dạng thuốc sát trùng

Trước thông tin thuốc chữa bệnh heo tai xanh do một Việt kiều “xách tay” từ bên Mỹ về đang xuất hiện ở Long An, gây bán tín bán nghi cho nhiều hộ chăn nuôi, NNVN đã đi tìm hiểu sự thật.

XỊT THUỐC, HEO BỆNH VẪN CHẾT

Không đúng như thông tin gần đây cho rằng, hai hộ chăn nuôi tại Long An có heo bị dịch “tai xanh” đang sử dụng một loại thuốc của Mỹ có tên BVR-402 đã cho kết quả rất tốt. Chiều ngày 9/8, PV NNVN đã có mặt tại trại chăn nuôi của 2 hộ này để xác minh thì kết quả lại khá bi đát. Anh Lê Minh Quảng (ấp Bình Nam, xã Bình Tâm, TP Tân An) buồn rầu cho biết, vào ngày 15/7 bỗng dưng có 4 con heo lăn đùng ra chết, lập tức anh báo thú y xuống kiểm tra và phát hiện đàn heo 58 con của mình đã dính bệnh “tai xanh”. Từ thời điểm đó cho đến ngày 31/7, đàn heo tiếp tục chết rải rác với tổng số trên 10 con.

Đang trong lúc thất vọng, anh được một người tên Nguyên đi cùng thú y viên xuống cung cấp thuốc trị bệnh tai xanh miễn phí có tên BVR-402. “Họ nói đây là loại thuốc được xách tay từ bên Mỹ về, có khả năng phòng chống và chữa trị bệnh heo “tai xanh” rất hiệu quả. Đang lúc quá lo lắng và được cấp miễn phí, tôi đã dùng thử xem có thay đổi được không” – anh Quảng nói. Anh Quảng cũng được hướng dẫn sử dụng thuốc BVR-402 như sau: Bước 1, pha thuốc với nước theo hàm lượng 1/500 xịt toàn trại; bước 2, pha thuốc theo tỷ lệ 3% rồi xịt từ 30-50 CC thẳng vào mũi, mồm, mắt và tai heo bệnh. Hàng ngày đều phải làm như thế cho đến khi heo xuất chuồng. Tuy nhiên, sau 9 ngày phun xịt chai thuốc BVR-402 (dạng bột, nặng 1kg), heo của anh Quảng vẫn tiếp tục chết rải rác tổng cộng 24 con chết vì bệnh tai xanh.

Tương tự, tại trại heo của chị Nguyễn Thu Vân (ấp 3, xã Bình Tâm, TP Tân An), tình trạng heo chết vẫn rải rác diễn ra khi phun xịt thuốc BVR-402 (miễn phí). Chị Vân cho biết, ngày 31/7 khi thấy 1 con heo thịt và 5 heo con lăn ra chết, chị báo thú y kiểm tra thì phát hiện mắc bệnh tai xanh. “Ngay trong chiều hôm đó, có một anh tên Nguyên đi cùng thú y viên xuống cấp miễn phí cho chai thuốc BVR-402 và khẳng định có thể ngăn ngừa và chữa trị được bệnh nên tôi đã dùng thử” – chị Vân nói. Tuy nhiên, sau 9 ngày phun loại thuốc này, đã có thêm 1 con heo thịt và 5 heo con (trong tổng số gần 30 con heo mắc bệnh) tiếp tục chết. Chị Vân cũng khẳng định, ngoài xịt thuốc BVR-402, đàn heo cũng được tăng cường tiêm kháng sinh nhưng hiện tượng heo chết vẫn diễn ra.

ĐĂNG KÍ LÀM THUỐC…SÁT TRÙNG

Trao đổi với NNVN về chuyện ông Trần Văn Nguyên mang chế phẩm BVR-402 thông qua Chi cục Thú y Long An để “chữa trị” bệnh heo tai xanh, ông Đinh Văn Thế - Chi cục trưởng Thú y Long An cho biết: Do một lãnh đạo UBND tỉnh Long An đề nghị cho ông Nguyên thử nghiệm chế phẩm này, vì thế Chi cục mới cử một cán bộ thú y dẫn xuống hai hộ có đàn heo mắc tai xanh dùng thử xem sao. “Tuy nhiên, tôi khẳng định đây chỉ là một dạng thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại, không thể là thuốc đặc trị bệnh tai xanh vì chưa hề được thử nghiệm, cũng chưa có đánh giá khoa học nào cả” – ông Thế nói.
Theo tìm hiểu của NNVN, sản phẩm BVR-402 do Cty Stanford Technology Network (trụ sở tại 639 Suite L Tully Road, San Jose, CA 95111-USA ) do ông Trần Văn Nguyên (Việt kiều Mỹ) đứng tên GĐ SX. Tại trụ sở làm việc của ông Nguyên trên đường số 21 (quận Bình Tân, TPHCM), PV được ông Nguyên đưa cho xem một chai thuốc BVR-402 bên trong chứa 1 kg chế phẩm dạng bột trắng đục, có mùi chua như chanh, bên ngoài dán một nhãn màu trắng in chữ đen giới thiệu tên chế phẩm, số đăng ký, trụ sở và nơi sản xuất bên Mỹ (ảnh). Ông Nguyên cũng đưa ra bản báo cáo kết quả thử nghiệm có tên: “Tác dụng của chế phẩm BVR-402 trên gà thịt giống Ross 500 và heo con sau cai sữa” do TT Nghiên cứu và Huấn luyện chăn nuôi Bình Thắng (Viện KHKTNN miền Nam) thử nghiệm từ tháng 11/2009 đến tháng 2/2010.

Tuy nhiên, sau khi đọc hết bản báo cáo này, PV không nhận thấy bất kỳ dòng nào khẳng định chế phẩm này có thể chữa trị được bệnh heo tai xanh. Kết quả thử nghiệm trên chỉ cho rằng, chế phẩm BVR-402 với thành phần chính là axít Sulfamic (5,3%), Sodium Alkyl Benzene (0,13%) với mục đích khử trùng môi trường nước, không khí, thức ăn chăn nuôi, hạn chế tác nhân gây bệnh cho vật nuôi bằng cách phun xịt trong chuồng nuôi (trực tiếp cho con vật và môi trường xung quanh) hoặc bổ sung vào nước uống cho heo, gà với mục đích hạn chế sự phát triển và gây bệnh của nhiều loại vi khuẩn…

Đặc biệt, khi PV hỏi chế phẩm này đăng ký bên Mỹ dùng vào mục đích gì, ông Nguyên đã khẳng định: BVR-402 được bán bên Mỹ từ gần 10 năm nay, chủ yếu cho các…bệnh viện và salon làm đẹp, dùng phun xịt diệt khuẩn, làm sạch môi trường. Riêng câu hỏi của PV, căn cứ vào đâu lại khẳng định chế phẩm này có thể chữa được bệnh tai xanh? Ông Nguyên đã không thể giải thích được gì. Đặc biệt, sau khi không thể chứng minh được công dụng chữa bệnh tai xanh, ông Nguyên đành phải nói thật: Chế phẩm BVR-402 hiện đang được Cty bổ túc hồ sơ để xin đăng ký lưu hành tại Việt Nam với công dụng là…thuốc sát trùng!

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm