| Hotline: 0983.970.780

Tập trung phòng chống thiên tai

Thứ Hai 30/03/2015 , 08:48 (GMT+7)

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đặt ra nhiều vấn đề cấp bách cần phải khẩn trương thực hiện nhằm đối phó với nhiều hình thái thiên tai khó lường thời gian tới./ 'Lũ quái' giữa mùa khô hạn quét phăng nhiều tỷ đồng

Cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì hội nghị trực tuyến cùng BCĐ Trung ương về Phòng, chống thiên tai. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn (TKCN) cùng 63 tỉnh, thành trên cả nước tổng kết công tác phòng chống lụt bão và TKCN năm 2014, triển khai công tác năm 2015.

16-57-12_dscn1539
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị trực tuyến

Năm 2014, số lượng cơn bão ảnh hưởng đến nước ta giảm 60% so với trung bình các năm, tuy nhiên, ảnh hưởng của cơn bão số 2 và cơn bão số 3 kéo theo lũ quét, sạt lở đất đã khiến hơn 40 người chết và mất tích.

Mặc dù không xảy ra lũ lớn, nhưng cả nước đã có hơn 30 trận lũ quét và sạt lở đất, 170 trận lốc sét, mưa đá, 17 đợt nắng nóng, 25 đợt không khí lạnh, hàng chục đợt triều cường tại các tỉnh Nam bộ và mưa lớn diện rộng ở Bắc bộ và Tây Nguyên.

Năm 2014, thiên tai đã làm 133 người chết và mất tích, 145 người bị thương, gần 2.000 nhà đổ, sập, hơn 42 nghìn nhà bị ngập, hư hại, tốc mái, hơn 230 nghìn ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại, hàng triệu m3 đất đá giao thông, thủy lợi bị sạt lở bồi lấp... Ước tính thiệt hại khoảng 2.830 tỷ đồng.

Đánh giá về công tác phòng chống thiên tai năm qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, số lượng người chết vì thiên tai nhìn chung đã giảm mạnh trong những năm qua, đặc biệt số trường hợp chết trên biển vì bão hiện đã gần như không còn xảy ra.

Công tác điều hành trong phòng chống thiên tai đã nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, có sự phối hợp giữa các bộ ngành, giữa TƯ và địa phương nhịp nhàng, nghiêm túc, có trách nhiệm.

“Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, xin được biểu dương các Bộ, ngành, địa phương đã bước đầu ứng phó được với thiên tai, TKCN, giảm thiểu được thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân” – Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu.

Bên cạnh đó, BCĐ Trung ương về Phòng chống thiên tai cũng chỉ rõ nhiều tồn tại trong công tác đối phó với thiên tai, bão lụt năm 2014 như để tình trạng người dân đi qua sông, suối khi có mưa bão và lũ quét dẫn tới thiệt mạng đáng tiếc. 

16-57-12_lu1
Trong khi hạn khốc liệt đang xảy ra tại Ninh Thuận thì lũ bất thường ngay giữa mùa hè lại đang càn quét tại Quảng Nam (Trong ảnh: Người dân huyện Đại Lộc vớt dưa hấu chạy lũ). Ảnh: Đắc Thành

Cụ thể đợt ảnh hưởng của bão số 2 khiến tới 17 người chết do đi qua ngầm, tràn. Nhiều nơi triển khai phòng chống bão lụt mang tính hình thức, chưa chuẩn bị kỹ theo phương châm “4 tại chỗ”…

Năm 2015, Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương cảnh báo, bên cạnh tình hình hạn diễn ra gay gắt tại Nam Trung bộ tới ít nhất khoảng tháng 8/2015, tình hình thiên tai khác, đặc biệt là diễn biến bão sẽ phức tạp hơn năm 2014 rất nhiều.

Ngay từ tháng 1 đến tháng 4/2015, sẽ xảy ra từ 1-2 cơn bão sớm. Mặt khác, hiện tượng El Nino hoạt động mạnh trở lại với dự báo nhiều bất thường, trong đó khả năng xảy ra bão lớn rất cao…

Phó Thủ tướng lưu ý: Tinh thần đối phó với thiên tai năm 2015 là sẽ luôn chủ động với tình huống bất thường. Các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung đặc biệt vào công tác tuyên truyền.

“Dù các dự báo có nâng cấp lên bao nhiêu thì sẽ vẫn xảy ra bất thường không thể lường được. Ngay đầu năm, các tỉnh Nam Trung bộ, đặc biệt là Ninh Thuận đang đối mặt với hạn hán khốc liệt nhất trong 10 năm trở lại đây.

Tổng lượng nước dự trữ của Ninh Thuận hiện chỉ còn khoảng 12%, vụ ĐX này tỉnh sẽ mất 20% diện tích phải bỏ hoang và 50% diện tích sẽ biến thành khô cằn trong vụ hè thu tới, gia súc đã bắt đầu chết vì không có nước uống, tình hình vô cùng gay go” – Phó Thủ tướng lo lắng. 

Phó Thủ tướng chỉ rõ, hiện cả nước còn khoảng 120 hồ chứa có nguy cơ hư hại nghiêm trọng cần phải bổ sung vốn sửa chữa và Chính phủ sẽ huy động Ngân hàng Thế giới để có vốn thực hiện ngay trong năm 2015.

Chúng ta chỉ có 8.300 tỉ m3 nước mặt, bình quân 9.800 m3/người/năm, thuộc diện thiếu nước, trong khi 65% lưu vực sông nằm ở nước ngoài nên không chủ động được nguồn.

Vì vậy chỉ còn cách là phải duy trì, chủ động đảm bảo cân bằng nguồn nước.

Cả nước hiện có khoảng 7.000 hồ thủy lợi với khoảng 11,5 tỉ m3 và khoảng 57 tỉ m3 nước ở hồ thủy điện, tổng cộng là khoảng gần 70 tỉ m3. Đây là lượng không đủ để chúng ta phát triển bền vững, vì vậy việc tiếp tục đầu tư hồ chứa sẽ là hết sức cần thiết.

Về phương án đối phó siêu bão, hiện đã có 23/28 tỉnh đã được cung cấp bản đồ ngập lụt. Từ nay đến tháng 4/2015, đề nghị Bộ NN-PTNT hoàn thành nốt 5 tỉnh còn lại để chủ động ứng phó với siêu bão, tới cuối tháng 6/2014 các địa phương phải hoàn thành phương án đối phó, đây là việc rất cấp bách.

 

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thừa nắng, thiếu mưa, cả nước chuẩn bị đón mùa hè rực lửa

Nhiệt độ và nắng nóng thời điểm tháng 5/2024 trên phạm vi toàn quốc trung bình phổ biến cao hơn từ 1-2 độ C; tháng 6/2024, cao hơn từ 0,5-1,5 độ C.

Bình luận mới nhất