Mục đích của thông điệp năm nay là tuyên truyền đến người dân khắp các châu lục cùng bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này, đồng thời gia tăng nhận thức cũng như cải thiện hệ thống quản lý nước tại từng quốc gia để đến năm 2030 đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Theo Reuters, hơn 3.200 chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách từ khắp nơi trên thế giới đã tề tựu về Stockholm để bàn bạc về chủ đề môi trường đang được cho là ngày càng trở nên nóng bỏng nhằm đảm bảo mục tiêu tất cả mọi người đều được tiếp cận nguồn nước sạch.
Thông điệp bảo vệ nguồn nước ngắn gọn gồm bốn chữ R đã được nhiều chuyên gia cũng như cộng đồng hưởng ứng là: giảm lượng sử dụng nước hàng ngày; đổi mới chính sách; tái chế và phục hồi nguồn nước. Hãng AFP cho biết, mục tiêu bảo đảm cho toàn nhân loại đều có nước sạch vào năm 2030 tỏ ra khó đạt bởi hiện còn đến 633 triệu người dân không có đủ nước dùng hàng ngày và tình trạng này sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn ở khắp nơi trên Trái đất. Đây là kết luận được rút ra từ rất nhiều nghiên cứu, báo cáo đã tiến hành trong thời gian qua.
Theo các chuyên gia thuộc mạng lưới EcoWatch, nguyên nhân đầu tiên là do tình trạng biến đổi khí hậu theo chiều hướng nóng lên, các đợt khô hạn ngày càng gay gắt và thường xuyên. Thậm chí là bất thường như tại một số nơi ở châu Âu, cụ thể là thành phố Roma của Italia cũng đã bắt đầu thiếu nước sinh hoạt trong mùa hè năm nay.
Nguyên nhân thứ hai là thời tiết đang ngày càng trở nên khó lường dễ gây sốc, việc phân bổ lượng mưa trên toàn cầu cũng rất khó dự báo. Cụ thể như tại các vùng xích đạo ở châu Phi nam sa mạc Sahara hay Nam Mỹ và Trung Đông lượng mưa ngày càng ít hơn, trong khi hiện tượng mưa lũ lại xảy ra khốc liệt hơn tại một số vùng ở khu vực châu Á. Nguyên nhân thứ ba được các chuyên gia cảnh báo là trữ lượng nước trong các mạch nước ngầm đã sụt giảm nghiêm trọng trong thời gian qua. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hệ thống các mạch nước ngầm chiếm tới 30% lượng nước dự trữ của hành tinh, tuy nhiên ở nhiều nơi lượng nước bị khai thác đã vượt quá lượng nước bổ sung nhờ mưa. Dự báo tại Ấn Độ, trong vòng 20 năm tới sẽ có khoảng 60% mạch ngầm khan hiếm nước do bị suy kiệt. Trong khi đó nhân loại hiện 7,5 tỷ người sẽ phải đối phó với mức tăng dân số vô cùng lớn, dự kiến thêm 2,3 tỷ người vào năm 2050, tức hơn 20% , khiến nhu cầu nước sẽ tăng vọt.
Theo một nghiên cứu của mạng lưới bảo vệ nguồn nước ở Mỹ mang tên Americain Water Works Association, tại Mỹ mỗi ngày có gần 23 tỉ lít nước bị lãng phí do hệ thống đường ống dẫn nước bị rò rỉ,. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nếu chỉ thực hiện giải pháp tiết kiệm nước thôi là chưa đủ bởi mà phải nhìn thẳng vào các nguyên nhân chính, cụ thể là bảo vệ rừng trên các lưu vực. Bên cạnh đó là giải pháp mang tính chính sách là lập biểu giá nước sao cho phù hợp với giá thành thực sự của nguồn tài nguyên này. Đây chính là động lực để nhiều khu vực, thành phần kinh tế đẩy mạnh đầu tư.