| Hotline: 0983.970.780

Thủy lợi Bắc Vàm Nao - "phao" chống lũ

Thứ Năm 22/11/2012 , 10:11 (GMT+7)

Công trình thủy lợi Bắc Vàm Nao (BVN) ở An Giang đã phát huy, kiểm soát lũ hiệu quả, phục vụ hơn 24.000 ha đất SXNN...

Công trình thủy lợi Bắc Vàm Nao (BVN) ở An Giang đã phát huy, kiểm soát lũ hiệu quả, phục vụ hơn 24.000 ha đất SXNN; nhất là đời sống, sinh hoạt của các hộ dân sống xa sông Tiền, sông Hậu...

SX ổn định

Dự án kiểm soát lũ BVN được Chính phủ Úc tài trợ 17,5 triệu USD và nguồn vốn Chính phủ Việt Nam là 18,2 triệu USD. Tháng 6/2009, đại diện Chính phủ Úc tiếp tục ký kết thỏa thuận bổ sung 950.000 AUD để kiểm tra vận hành hệ thống đến tháng 11/2010.

Khu vực dự án có diện tích 30.836 ha, trong đó diện tích đất SX chủ yếu trồng lúa nếp và cây màu 24.039 ha (chiếm 78%) phân bố trên địa giới hành chính của 19 xã và 3 thị trấn. Ông Đỗ Vũ Hùng, PGĐ Sở NN-PTNT An Giang, Trưởng BQL hệ thống thủy lợi BVN cho biết: “Dự án được vận hành phía cù lao BVN theo cách quản lý nước bền vững, làm lợi về xã hội, môi trường và kinh tế, thông qua đó giảm nghèo cho cư dân”.

Hệ thống đê bao kép của dự án là thành lũy của cả vùng trũng giữa sông Tiền và sông Hậu vốn có nước ngọt quanh năm, gồm 100 km đê vành đai và 300 km đê nội đồng. Chức năng chính của hệ thống đê bao là ngăn nước lũ bảo vệ SX kết hợp làm đường giao thông.

Nói thêm về công trình, ông Hùng cho biết: “Vành đai kiểm soát lũ có 16 cống chính và 40 cống bộng. Hệ thống dẫn nước từ sông chính vào nội đồng cũng được sử dụng để tiêu thoát nước từ đồng ruộng ra sông trong mùa lũ. Cùng với hệ thống đê bao, một hệ thống kênh khép kín được khai thông với 91 tuyến, dài 321 km, đảm bảo nguồn nước trải khắp vùng.


Hệ thống kiểm soát lũ BVN ở huyện Phú Tân (An Giang)

Trong đó, kênh Thần Nông chảy hướng Bắc - Nam giữa vùng trũng, là tuyến kênh cấp I quan trọng nhất nhận nước từ sông Tiền, sông Hậu thông luồng cho hệ thống kênh cấp II để cấp nước tưới cho cả vùng. Kênh Thần Nông còn là trục dẫn nước tiêu thoát chính từ nội đồng ra rạch Cái Tắc. Còn 11 kênh cấp II, phần lớn chạy theo hướng Đông - Tây, chia khu vực dân cư thành nhiều vùng SX.

Cách bố trí này giúp duy trì SX ổn định và tạo nguồn thu nhập, cải thiện đời sống dân nghèo. Hệ thống kênh cấp III cùng với kênh nội đồng là các tuyến kênh phân phối nguồn nước để tưới và tiêu thoát nước úng từ nội đồng trong mùa mưa lũ. Vào mùa lũ hàng năm, các kênh này còn tải lượng phù sa dồi dào từ hai sông chính bồi đắp cho đồng ruộng và cũng dẫn nguồn lợi thủy sản tự nhiên từ sông vào sâu trong nội đồng.

Như vậy, hệ thống kênh của dự án kiểm soát lũ BVN đã tạo thành một loại dịch vụ đặc trưng ở vùng ĐBSCL: Cung cấp nước tưới, nước sinh hoạt, tiêu thoát nước và là mạng lưới giao thông nội vùng. Hệ thống đê bao và cửa cống mới được hình thành đã làm tốt dịch vụ thủy lợi nội đồng và giúp địa phương quản lý chất lượng, kiểm soát mực nước theo chu kỳ... vừa giúp cho các thành phần hữu cơ và dinh dưỡng bồi lắng trên mặt ruộng, đồng thời xả rửa các tuyến kênh hàng năm.

An dân

Ông Trần Văn Thương, nông dân ở xã Phú Thọ, huyện Phú Tân, vui mừng: “Từ khi có hệ thống kiểm soát lũ BVN, gia đình tôi biết cách sống chung với lũ, làm ăn khá hơn, con cái đều được đến trường. Lúc chưa có hệ thống này, mùa lũ về ngập hết ruộng đồng nhà cửa, 1 năm chỉ SX được 2 vụ lúa.

Nay có hệ thống này đã SX được 3 vụ, năng suất rất cao nhờ có đủ nước và yên tâm canh tác không sợ bị mất mùa do lũ. Vụ TĐ này tôi vừa thu hoạch 4 công lúa nếp đạt gần 6 tấn/ha, bán giá tại ruộng 7.000 đồng/kg, lãi hơn 15 triệu đồng”.


Từ khi có hệ thống kiểm soát nước lũ BVN, người dân đã SX thêm 1 vụ lúa

Ông Nguyễn Văn Đực, Trưởng BQL Tiểu vùng 18, huyện Phú Tân nói: “Đây là vùng được xem là rốn lũ quanh năm gây khó khăn cho SXNN. Từ khi có hệ thống quản lý nước lũ, cống Phú Hiệp đã phục vụ nước tưới tiêu cho các xã Phú Thọ, Phú Hưng và thị trấn Phú Thọ với 1.600 ha của 4.200 hộ dân.

Nhờ được cung cấp nguồn nước ổn định, nông dân tiết kiệm chi phí đầu tư trong nuôi thủy sản và trồng lúa 3 vụ/năm. Năng suất lúa ĐX từ 5,5 tấn/ha nay lên 7-8 tấn, còn vụ TĐ từ 5 tấn lên 6 tấn/ha. Hệ thống kiểm soát lũ BVN đã giúp các tuyến vành đai bờ bao Phú Tân trở thành đường giao thông thuận lợi, trước đây chỉ đi lại bằng xuồng ghe".

Tại khu vực cống Mương Tri, xã Lê Chánh, thị xã Tân Châu, nông dân Trịnh Văn Ấn đang thu hoạch lúa bày tỏ: "Có vùng đê bao BVN mừng lắm! Năm 2000 nước lũ lên, đứng trước sân còn lút đầu chứ nói chi tới chuyện làm lúa vụ 3 an toàn như hiện nay. Lũ năm nay nhà cửa, ruộng vườn không bị ngập do cống đã đóng ngay lúc nước bắt đầu lên cao. Chúng tôi thật sự an tâm nhờ dự án kiểm soát lũ".

Nông dân Phạm Văn Rùm, ấp Phú Mỹ Thượng, xã Phú Thọ chia sẻ: "Mấy ngày nay, chúng tôi cũng theo dõi trên đài, báo thấy lũ làm vỡ đê, ngập lụt, nhưng ở đây chuyện lũ lớn, lũ nhỏ hầu như chẳng thấy. SX rất an toàn, nhà cửa không ngập lụt, mừng lắm".

Ông Nguyễn Hữu Trí, Phòng NN-PTNT huyện Phú Tân phát biểu: “Dự án kiểm soát lũ BVN là mô hình mẫu về công trình nhà nước và nhân dân cùng làm. Trong đó, sự đóng góp hàng trăm tỷ đồng của nhân dân để xây dựng hệ thống đê bao tiểu vùng, láng nhựa lộ giao thông nông thôn, xây dựng hệ thống trạm bơm điện… đã góp phần quan trọng cho thành công chung của dự án.

Thông qua hoạt động hội thảo, tập huấn, dự án đã góp phần nâng cao năng lực quản lý, lãnh đạo cho một bộ phận cán bộ cơ sở và những nông dân là thành viên các BQL tiểu vùng”.

Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: “Sau thành công của dự án BVN, tỉnh đang xây dựng thêm hệ thống kiểm soát lũ Nam Vàm Nao ở huyện Chợ Mới. Dự án sẽ khởi công đầu quý I/2013, với tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu của Chính phủ.

Dự án mở ra cơ hội tiết giảm chi phí bơm tưới thông qua việc vận hành cống để tích nước mùa khô. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi sự tác động của biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Mặt khác, nếu việc vận hành để “rửa hệ thống” thực hiện được thì chất lượng nước kênh sẽ từng bước được cải thiện". 

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm