| Hotline: 0983.970.780

Tiêu Bình Phước lại chết hàng loạt, người dân chỉ biết than trời

Thứ Sáu 13/04/2018 , 09:51 (GMT+7)

Những ngày qua, hàng loạt vườn tiêu trên địa bàn xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước chết bỗng chết khô, chỉ còn trơ lại trụ và vài dây tiêu khô bám trụ như vừa bị trận hỏa hoạn tràn qua, khiến nông dân chỉ biết than trời.

Nhiều vườn mất trắng

Gặp chúng tôi, ông Vũ Đình Môn ở thôn 10, xã Đắk Ơ than trời khi vườn tiêu 2.400 trụ 12 năm tuổi của gia đình đã chết hơn 1 nửa và hàng loạt trụ khác đang có nguy cơ chết theo.

16-39-44_nh_1
Ông Vũ Đình Môn (bìa trái) cùng cán bộ Khuyến nông huyện trong vườn tiêu bị chết của gia đình

“Mọi năm vườn tiêu này tôi thu gần chục tấn hạt khô. Từ tháng 6/2017 và niên vụ 2017 - 2018, tôi thấy vườn tiêu bắt đầu có hiện tượng chết hàng loạt, năng suất hiện chỉ còn khoảng hơn 2 tấn. Nhiều vườn tiêu khác trong vùng cũng có chung hiện tượng. Chúng tôi đã mời chuyên gia, kỹ sư nông nghiệp về kiểm tra, chữa trị tại vườn nhưng tình trạng không giảm”, ông Môn nói.

Ông Môn cho biết, với diện tích tiêu bị thiệt hại, sắp tới gia đình ông sẽ trồng cây khác, chờ hai đến ba năm sau mới có thể trồng lại tiêu. Nhìn những trụ tiêu đang chết dần chết mòn, ông Môn xót xa: “Đây là hiện tượng chưa từng có trên địa bàn xã từ trước đến nay. Việc tiêu chết nhanh khiến gia đình tôi không kịp trở tay, dù đã thực hiện áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật. Đến thời điểm hiện tại, ước tính thiệt hại do tiêu chết của gia đình tôi lên đến tiền tỷ rồi.

Hiện nay, trên diện tích tiêu chết, gia đình tôi đang trồng mướp, bầu bí để “lấy ngắn nuôi dài”, có nguồn thu tạm thời trước khi trồng lại tiêu. Với tình trạng này, sắp tới không chỉ gia đình tôi mà rất nhiều gia đình trồng tiêu khác sẽ rất khó khăn xoay sở miếng ăn hàng ngày”.

Tương tự, vườn tiêu của gia đình ông Vũ Văn Hòa (ở cùng thôn) cũng bị thiệt hại 500 trụ. Ông Hòa cho biết: “Trước tình trạng tiêu chết như vậy chúng tôi không biết làm sao nữa. Nhà tôi đã sử dụng một số hóa chất theo khuyến cáo nhưng vẫn không thể ngăn bệnh lây lan. Ban đầu chỉ thấy lá tiêu hơi héo vàng, nhưng cây xuống sắc rất nhanh, chỉ 3 ngày sau là cả trụ tiêu khô héo hoàn toàn. Khi đào phần gốc thì thấy rễ thối từ mặt đất xuống 20 - 30 cm”.

Cách đó không xa là gia đình bà Nguyễn Thị Thay, có 4 sào tiêu với hơn 1.400 nọc, đến nay đã được 6 năm tuổi. Sau 3 mùa thu hoạch, đến tháng 5/2017, bất ngờ hàng loạt nọc tiêu bị rũ lá, rồi rụng từ ngọn đến gốc, sau đó lan nhanh. Khoảng hơn 1.000 trụ tiêu đã chết.

Mặc dù cũng như các gia đình khác trong vùng, bà Thay đã áp dụng mọi biện pháp chữa trị nhưng không ăn thua. Gia đình bà Thay thuộc hộ nghèo, vôn liếng đầu tư vườn tiêu đều đi vay, gần như mất trắng. Bà lo lắng không biết khi nào mới trả hết nợ.

Nhìn những trụ tiêu khô quắt, bà Thay nghẹn ngào nói: “Đó là toàn bộ nguồn sống của gia đình tôi và hai vợ chồng con gái tôi. Giờ tiêu chết gần hết rồi, không biết sắp tới gia đình tôi sống sao đây?”.
 

Do trồng ồ ạt, chưa tuân thủ kỹ thuật

Nhiều hộ dân bị thiệt hại do tiêu chết hàng loạt cho biết: Ở địa phương này, những năm trước những vườn tiêu nào bị chết cao lắm thì cũng chỉ từ 10 - 20 trụ. Nhưng năm nay hiện xuất hiện tiêu chết hàng loạt, chết nhanh như dịch bệnh lan rộng từ trụ này sang trụ  khác. Nhiều gia đình gần như mất sạch. Điều này sẽ làm đảo lộn đời sống rất nhiều hộ dân trong thời gian tới.

16-39-44_nh_2
Tiêu chết hàng loạt ảnh hưởng đến cuộc sống nhiều hộ dân

Theo đánh giá của ngành chức năng huyện Bù Gia Mập, một số nguyên nhân tiêu chết là do trong thời điểm giá tiêu tăng cao đột biến, bà con trồng ồ ạt và chăm sóc không chưa đúng kỹ thuật, không phù hợp với sự phát triển, sinh trưởng của cây tiêu.

Bên cạnh đó, các hộ dân chủ quan không kiểm tra, kiểm soát tốt giống cây trồng, có một số loại giống không đảm bảo phát triển lâu dài, chỉ phát triển vào một thời điểm nhất định. Đặc biệt, năm vừa qua do thời tiết mưa quá nhiều, nước không thoát kịp làm rễ tiêu bị ngập úng dẫn đến thối rễ khi chuyển mùa.

Ngoài ra do mưa nhiều, độ ẩm trong không khí cao, đó là môi trường tốt tạo điều kiện cho dịch bệnh, nấm bệnh bùng phát lay lan nhanh, làm tiêu chết hàng loạt.

Ông Phan Văn Hà, Trạm phó Trạm Khuyến nông huyện Bù Gia Mập cho biết: “Trước tình hình bệnh cây tiêu, sau khi khảo sát thực tế chúng tôi cũng đã tập huấn, hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc vườn; khuyến cáo bà con có những biện pháp chăm sóc khi cây đã bị nhiễm bệnh; dùng đúng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Đặc biệt, bà con cần xử lý đất, khi đất trồng tiêu đã bệnh rồi thì phải xử lý đất từ 1 - 2 năm mới trồng lại được. Những cây chết cần phải thu gom lại và đào cả gốc rễ mang ra ngoài vườn để đốt, tránh lây lan cây bên cạnh. Khi đào gốc xong phải thả vôi xung quanh để xử lý nấm”.

Theo thống kê, huyện Bù Gia Mập có 150,8ha tiêu chết; trong đó, xã Đắk Ơ bị nặng nhất với tổng diện tích lên đến 143 ha. Các xã còn lại chỉ chỉ chết từ 1 - 2 ha/xã.

Trước việc cây tiêu chết trên địa bàn, huyện Bù Gia Mập đã đề nghị cấp trên xem xét hỗ trợ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và các hộ cận nghèo bị ảnh hưởng do tiêu chết. Đồng thời, kiến nghị lấy mẫu phân tích tìm ra nguyên nhân để có biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho bà con.

 

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm