| Hotline: 0983.970.780

Tôi sang châu Phi dạy dân trồng lúa

Thứ Sáu 19/11/2010 , 11:05 (GMT+7)

Là một trong những chuyên gia Việt Nam sang châu Phi theo chương trình hợp tác hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật trồng lúa, tháng 4/2010, tôi đến Liberia 4 tháng.

Châu Phi - thiên đường hoang mạc, rừng già, cỏ cây mênh mông. Điều kiện tự nhiên phong phú, một số nước có điều kiện khí hậu thổ nhưỡng tương đồng với Việt Nam. Đất đai, nguồn nước có thể trồng lúa tươi tốt. Tuy nhiên nghịch lý kéo dài triền miên, nhiều quốc gia ở châu lục này luôn đối mặt thiếu lương thực.

Những năm gần đây châu Phi nỗ lực tiếp cận kỹ thuật canh tác lúa, hướng đến tự túc lương thực. Là một trong những chuyên gia Việt Nam sang châu Phi theo chương trình hợp tác hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật trồng lúa, tháng 4/2010, tôi đến Liberia 4 tháng. Nơi đó là một miền đất mới tươi nguyên đầy tiềm năng phát triển nghề trồng lúa, đáng tiếc dân Liberia vẫn phải ăn toàn gạo nhập.

Một Liberia tiềm năng

Tôi làm việc tại một Trại thực nghiệm trồng lúa nằm bên thung lũng hoang vắng cạnh rừng già thuộc vùng Madina cách thủ đô Monrovia 150 km. Nơi đây không có điện lưới, văn phòng làm việc chỉ có một máy phát điện. Với người dân địa phương, phương tiện duy nhất nắm bắt thông tin hàng ngày là chiếc radio nhỏ nhắn lúc nào cũng mang theo kè kè bên mình. Trong ánh nhìn đầu tiên của những người bạn nông dân Liberia cùng làm việc với tôi, ai cũng thân thiện. Họ nói, chuyên gia từ Việt Nam sang đây để giúp họ trồng lúa.

Trước năm 1989, Liberia là một đất nước thanh bình, đất trồng lúa rộng lớn và được một số quốc gia giúp đào kênh dẫn nước, xây đập thủy lợi. Nhưng rồi đất nước này lại rơi vào khói lửa nội chiến. Những công trình xây xong bỏ phế, hư hao, cỏ mọc ngút ngàn. Trước khi tôi tới đây đã có hai tổ chức tới trồng lúa, nhưng không thành công.

Trong 4 tháng kế hoạch làm việc của tôi là xây dựng mô hình trồng lúa trên 3ha ruộng thực nghiệm. Ban đầu tôi cho phát hoang làm đất, cứ nửa tháng làm 0,5ha theo kiểu “cuốn chiếu”. Khó khăn nhất là điều kiện làm đất nơi đây hầu như không có gì cả, phải cuốc đất bằng tay, dùng chân đạp đất. Tuy nhiên, nhờ đất đai, khí hậu Liberia gần giống như ở vùng ĐBSCL của ta, với 6 tháng mùa mưa, lượng mưa 1.600mm/năm. Tháng 8 ngày nào cũng mưa dầm. Đến tháng 2, 3 vào mùa nắng gay gắt, không khí khô nhưng không ảnh hưởng tới cây lúa.

Canh tác lúa ở Liberia có thể làm được quanh năm, 2-3 vụ. Giống lúa được chọn thuần là các giống bản địa cùng giống lúa Nerica nhập về từ Hiệp hội lúa gạo Tây Phi (WARDA) và du nhập thêm các giống lúa cạn từ IRRI, Việt Nam. Đặc biệt trong số 13 giống lúa Việt Nam đưa qua, các giống lúa OM 3536, OM 6906, OM 8923… chịu được phèn, phát triển rất tốt. Ngày tôi trở về nước, lúa ngoài đồng đã đơm bông đầy đồng sắp vào mùa thu hoạch.

 Tiếp sau mô hình ruộng thực nghiệm 3ha này, chúng tôi kịp lập kế hoạch, phương án sản xuất lúa mở rộng qui mô 200ha. Một dự án tiền khả thi chuẩn bị cho kế hoạch 2.000ha song hành cùng các dự án khai hoang, đầu tư xây dựng thủy lợi, sản xuất chế biến lúa gạo sau này.

Vẫn phải ăn gạo từ nhiều nước

Nhờ chính sách Chính phủ trợ giúp giống lúa tốt, thiết bị nông cụ cho nông dân cùng với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, một số quốc gia châu Phi đã thực hiện nhiều chương trình sản xuất, tự túc lương thực. Dù vậy hiện nay trong 26 quốc gia có trồng lúa ở châu Phi, năng suất trung bình còn thấp, khoảng 1,7 tấn/ha. Riêng Liberia năng suất lúa chỉ 1,3 tấn/ha lúa. Tình trạng thiếu hụt gạo ăn vẫn còn diễn ra. Đó cũng là thực trạng từ nhiều thập kỷ qua.

Liberia có nhu cầu cần 500.000 tấn gạo/năm cho 3,5 triệu người, trong đó gạo nhập khẩu và viện trợ Quốc tế chiếm 41%, phần còn lại là sản xuất trong nước. Liberia chủ yếu nhập khẩu gạo từ các nước Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ; không thấy gạo Việt Nam. Dân Liberia phần lớn ăn gạo đồ. Gạo đồ Thái Lan xuất sang loại gạo hạt dài đựng trong bao 50kg, giá bán tính ra khoảng 14.000 đồng/kg; gạo đồ Trung Quốc bán tại đây 16.000-17.000đ/kg. Riêng gạo sản xuất tại địa phương hạt gãy, chất lượng kém, không ngon nên giá bán chỉ 12.000đ/kg. Dân Phi nói, họ thích ăn gạo châu Á vì nấu cơm nở nồi, xốp, ngọt.

+ Liberia là một quốc gia Tây Phi xa xôi thuộc vùng khí hậu mưa rừng nhiệt đới Bắc bán cầu. Diện tích 111.370 km2, chiếm phần lớn là rừng nhiệt đới và một phần là đồng cỏ savannah. Dân số 3,5 triệu người, trong đó 52% sống ở nông thôn và hiện còn là một nước nghèo.

+ Nhiều nước châu Phi ngày nay bắt đầu chú trọng phát triển nông nghiệp, trồng lúa được xem là lĩnh vực ưu tiên. Nhờ đó sản lượng lúa gạo của châu Phi đã có bước cải thiện. Trong vụ mùa 2008-2009, tại Burkina Fasso sản lượng lúa gạo đã tăng 240%, tại Senegale tăng 90% so với vụ mùa trước. Theo FAO, sản lượng gạo của châu Phi đã tăng trung bình 18%.

Đến bao giờ châu Phi tự túc được lương thực? Một câu hỏi cũng là câu chuyện dài chưa có hồi kết. Từ điểm nhìn Liberia, nơi có tiềm năng đất đai, điều kiện khí hậu, nguồn nước làm lúa có thể đạt năng suất 7-8 tấn/ha, tôi nghĩ rằng Chính phủ Liberia đang quyết tâm tự túc lương thực. Người nông dân tính cần cù, chịu khó và Liberia hoàn toàn có khả năng làm được. Nhiều năm qua một số nước đã có chương trình giúp châu Phi trồng lúa, nhưng chưa làm tới nơi, tới chốn.

Mô hình đi qua xong là xong, nông dân không làm theo nữa. Có lẽ người dân châu Phi tuy chịu khó nhưng ý chí tự lực vươn lên chưa đủ mạnh để thay đổi cuộc sống hiện tại. Hiện nay một số quốc gia đang đầu tư, trúng thầu nhiều công trình xây dựng ở châu Phi. Cùng đồng hành là các công ty tư nhân kinh doanh lúa gạo. Ở Việt Nam có một vài chương trình dự kiến đưa nông dân sang trợ giúp kỹ thuật trồng lúa ở châu Phi. Công ty Hữu Nghị lập dự án sang châu Phi sản xuất lúa gạo. Việc này được châu Âu khích lệ, vì sản phẩm nông sản từ châu Phi xuất khẩu vào các nước EU sẽ dễ dàng hơn.

Nước ta vốn có thế mạnh về kinh nghiệm và tri thức trong nghiên cứu và sản xuất lúa gạo. Hoạt động trợ giúp châu Phi tự lực sản xuất có thể bằng nhiều cách: giúp chuyên gia tư vấn hỗ trợ khoa học kỹ thuật hay một tập đoàn kinh tế đủ mạnh sang đầu tư sản xuất lúa gạo hoặc lập công ty tư vấn, quảng bá thương hiệu lúa gạo và cử chuyên gia sang châu Phi.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm