| Hotline: 0983.970.780

Trò chuyện cùng "vua" tôm

Chủ Nhật 30/12/2012 , 14:12 (GMT+7)

Theo lời giới thiệu của một số vị lãnh đạo Sở NN-PTNT Nghệ An thì ông Vũ Văn Đức đang được coi là người nuôi tôm giỏi nhất xứ Nghệ, còn người nuôi tôm lại gọi ông là “vua” tôm.

"Vua" tôm Vũ Văn Đức
Theo lời giới thiệu của một số vị lãnh đạo Sở NN-PTNT Nghệ An thì ông Vũ Văn Đức (trú tại xóm 7, xã Quỳnh Xuân, huyện Quỳnh Lưu), đang được coi là người nuôi tôm giỏi nhất xứ Nghệ, còn người nuôi tôm lại gọi ông là “vua” tôm.

Ông không chỉ là người luôn “bất khả chiến bại” trong việc nuôi tôm suốt 14 năm qua mà quan trọng hơn ông chính là người đã phổ biến kinh nghiệm quý báu của mình giúp hàng trăm hộ nuôi tôm ở Quỳnh Lưu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để vươn lên làm giàu trên mảnh đất chua phèn, nhiễm mặn.

Nuôi tôm bất bại

Tôi tìm đến nhà ông Đức trong thời điểm ông và gia đình đang bộn bề chuẩn bị cho vụ tôm mới. Thoạt nhìn thấy ông trong căn nhà 3 tầng rất khang trang bước ra, tôi đã không đoán được ông năm nay bao nhiêu tuổi. Bởi ông có nét mặt khá khắc khổ và da đen sạm giống như một lão nông tri điền thứ thiệt ở quê tôi.

Tôi buột miệng nói ra nhận xét ấy, ông đã cười xoà: “Thì tôi cũng là một lão nông tri điền đấy chứ! Thế chú tưởng tôi là một ông chủ, chuyên ngồi xe hơi và hàng ngày chỉ tay năm ngón hay sao? Chú nhầm rồi. Tôi tay làm và lo quán xuyến hết mọi công việc trên các đầm tôm của mình đấy chứ!".

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Đức kể: Trước đây, thời còn bao cấp, ruộng ở Quỳnh Xuân chỉ dùng để SX lúa 2 vụ. Nhưng đất cát ở đây toàn chua phèn, nhiễm mặn năng suất lúa chả đáng bao nhiêu nhưng vẫn phải làm. Mãi đến khi thực hiện khoán 10, mới có một số hộ có ruộng nhiễm mặn mạnh dạn đào ao đầm nuôi tôm sú nhưng phải vào tận miền Nam mua giống.

Hồi ấy, nghề nuôi tôm còn tự phát, không có kiến thức KHKT nên dịch đốm trắng hầu như năm nào cũng xuất hiện trên các vuông tôm. Người nuôi tôm sú ở Quỳnh Lưu một vụ thắng thì mất 2 vụ thua khiến nên ai nấy đều chán nản. Bản thân tôi đã một thời lam lũ ở vùng sông nước chua phèn, nhiễm mặn nên cũng hiểu được ít nhiều những đặc tính sinh trưởng, phát triển của loài tôm sú. Nhưng do phải tham gia công việc của chính quyền ở cơ sở như đại biểu HĐND xã, làm Trưởng thôn nên dù trong người rất “máu” nuôi tôm nhưng vẫn không có cơ hội để thử vận may.

Năm 2000, khi đã ngoài ngũ tuần, tôi bàn với vợ và các con rồi xin nghỉ chức Trưởng thôn để thực hiện giấc mơ làm giàu bằng nghề nuôi tôm sú. Thời đó, trong xã đã có một số hộ nuôi, do không có vốn nên phải tôm sú quảng canh nhưng kỹ thuật không có nên hầu hết đều thất bại.

Quyết tâm của tôi thì rất lớn nhưng đêm về nghĩ lại vẫn cứ trăn trở mãi không yên: Đồng trũng, đất cát quanh năm nhiễm mặn, nhiễm phèn, trồng lúa có lúc không mọc lên được khỏi mặt đất, ao đầm của HTX để lại bỏ hoang hoá, thả con cá cũng còi cọc mãi không lớn lên được. Tôm sú vốn là con nuôi khó tính thì phải làm sao đây? Phải học hỏi kỹ thuật, nếu không muốn mình bị trắng tay vì nó.

Xác định như vậy nên tôi bắt đầu tham gia đầy đủ, nghiêm túc các lớp tập huấn kỹ thuật về nuôi tôm do Trung tâm Khuyến ngư tỉnh mở. Ở thời điểm đó, những lớp tập huấn có chuyên gia nước ngoài về trực tiếp giảng dạy, chúng tôi mỗi ngày phải đóng 200 nghìn đồng mới được ngồi nghe giảng... Điều đó với nhiều người quả là một sự xa xỉ nhưng riêng tôi vẫn kiên trì không bỏ một buổi nào".

Lãi ròng

Trở về từ lớp tập huấn, ông Đức mạnh dạn vay vốn ngân hàng tự triển khai mô hình nuôi thâm canh tôm sú trên diện tích 3.700 m2. Mẻ tôm đầu tiên, ông Đức thu được 2 tấn tôm thương phẩm, thu lãi ròng trên 100 triệu đồng. Thành quả đó khiến cả gia đình ông vui mừng khôn xiết mà cả xã Quỳnh Xuân cũng thấy bất ngờ.

Ba năm liên tiếp (2001, 2002, 2003), trên vuông tôm của gia đình ông vẫn giành thắng lợi lớn, năng suất tôm thương phẩm cứ tăng dần. Ông trở thành một điển hình nuôi tôm giỏi của tỉnh Nghệ An. Từ đó năm nào ông Đức được mời đi dự lễ tổng kết nuôi trồng thủy sản, được đăng đàn báo cáo mô hình nuôi tôm điển hình của mình tại Hà Nội, Thái Bình.

"Các cụ ngày xưa bảo “đi một ngày đàng, học một sàng khôn” với tôi điều đó thật chí lý"- ông Đức nói - "Năm 2007, nhờ được ra dự lễ tổng kết nuôi trồng thuỷ sản tại Thủ đô Hà Nội tôi mới có cơ hội để học hỏi thêm những điều mới lạ. Lần đó, tôi đã nuốt từng lời khi nghe Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đăng đàn kể về những điều tốt đẹp mà người nông dân ở các nước Nam Mỹ gặt hái được khi mạnh dạn đầu tư tiền của vào nuôi thâm canh loài tôm thẻ chân trắng.

Trở về quê tôi quyết định thử khăn gói lên tàu vào miền Nam để học hỏi kỹ thuật và tìm đối tác cung cấp tôm giống cho mình. Mừng vô kể khi vụ tôm thẻ chân trắng đầu tiên tôi đã thắng đậm. Thời gian nuôi ngắn hơn, năng suất tăng gấp 2,5 lần so với nuôi tôm sú. Từ những thành công của gia đình tôi, bắt đầu từ năm 2003 đến nay tôi chỉ tập trung vào việc nuôi tôm thẻ chân trắng và vận động mọi người cùng tham gia với mình. Và tôi trở thành “cán bộ kỹ thuật” trực tiếp của họ tư vấn kỹ thuật, bày vẽ cho họ cách chọn giống, cách vệ sinh ao nuôi…lúc nào không biết. 

"Tôi lọt lòng mẹ vào năm 1946, trong một gia đình nông dân công giáo nghèo tại xã Quỳnh Xuân (Quỳnh Lưu). Năm tôi 16 tuổi thì mồ côi cả cha lẫn mẹ, bỏ lại cho tôi một đứa em còn nhỏ dại. Bơ vơ, không nơi nương tựa, 2 anh em chúng tôi hàng ngày phải bươn chải, mò cua, bắt ốc, làm thuê, làm mướn để có cái gì đó có cái ăn, cái mặc. Chính điều đó đã khiến tôi trở nên mềm lòng và sẵn sàng giúp đỡ người khác khi họ gặp hoạn nạn", ông Đức khẳng định.

Trong suốt 14 năm làm nghề nuôi tôm, tôi có một nửa thời gian nuôi tôm sú. Nói thật là giờ nhìn lại quãng thời gian khá dài mới thấy ngán ngẩm. Nuôi tôm sú, năm nào không bị dịch bệnh đốm trắng, thời tiết thuận lợi, được mùa tôm thì cuối vụ cũng dắt lưng được vài trăm triệu đồng. Nhưng sang vụ sau chỉ cần xuất hiện dịch đốm trắng là phút chốc các hộ nuôi tôm trong toàn xã có thể trắng tay.

Thế là nỗi lo khoản nợ ngân hàng lại đè nặng lên vai. Vụ sau ai nấy lại gồng mình vay vốn "kéo cày" trên từng vuông tôm để trả nợ ngân hàng. Bản thân tôi suốt 7 năm trời nuôi tôm sú vất vả là thế, mặc dù có đi “làm thầy” cho thiên hạ, nhưng cũng chỉ "vừa húp, vừa thổi" chẳng dư dật được bao nhiêu.

Từ năm 2007 đến nay, khi tôi mạnh dạn chuyển toàn bộ diện tích sang nuôi tôm thẻ chân trắng (5 ha) thì mỗi năm mới thu lãi ròng mới được nhân lên, năm nào thu được ít nhất cũng được trên dưới 1 tỷ đồng, năm thắng lớn thu lãi ròng từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng/năm. Năm 2011, sang đấu thầu đất ở Quỳnh Lương để áp dụng công nghệ mới của Công ty CP Thái Lan, nên vụ tôm năm 2012 chỉ nuôi 3 ha tôm thẻ chân trắng đã thu được 50 tấn tôm thương phẩm, lãi ròng được trên 2 tỷ đồng.

Kết thúc vụ 1, hiện gia đình tôi đang tiếp tục mở rộng hết diện tích đấu thầu tại xã Quỳnh Lương, nhằm nâng tổng diện tích nuôi tôm của gia đình ông lên 12 ha, tạo thêm việc làm cho gần 10 lao động với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng...".

 

 

Theo ông Đức thì diện tích đất thuê tại Quỳnh Lương đang được thiết kế thành một khu vực nuôi tôm thẻ chan trắng liên hoàn, khép kín, tách biệt với bên ngoài. Ông sẽ dùng nó làm nơi đầu tư nuôi tôm thương phẩm bằng công nghệ cao của CP để nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.

Đây cũng sẽ là cơ sở và điều kiện để ông vận hành chu trình khép kín SX tôm thương phẩm sạch, nhằm quảng bá, giới thiệu trong các gian hàng tại các siêu thị và xuất khẩu trong tương lai.

Ông Đức tâm sự: "Để thành công trên các đầm tôm, điều đầu tiên tôi khuyến cáo bà con là phải chọn được giống tôm chất lượng cao, điều thứ 2 là phải xử lý ao thật kỹ lưỡng. Tốt nhất là phải có đầm xử lý nước riêng để cấp trực tiếp cho các ao nuôi. Tuyệt đối không dùng Clomin của Trung Quốc giá rẻ nhưng khi xử lý môi trường nước sẽ không đạt yêu cầu và cuối cùng là phải tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật khi nuôi".

 

Giàu lên từ nuôi tôm thẻ chân trắng, đến nay ông Vũ Văn Đức đã có một cơ ngơi hoành tráng, có của ăn, của để. Ngoài việc sắm cho mình chiếc xe ô tô du lịch trị giá tiền tỉ, xây dựng 2 căn nhà 2 tầng khang trang cho các con, ông còn tạo điều kiện giúp các hộ dân trong xã vươn lên thoát nghèo.

Là đại lý thức ăn cấp 2 của  Cty CP Việt Nam, nên từ nhiều năm nay, ông là người đầu tiên huy động vốn tự có của mình cung ứng thức ăn, thuốc kháng sinh... cho bà con nuôi tôm trong và ngoài xã, đến cuối vụ mới thu hồi. Từ thành công trong việc nuôi tôm thẻ chân trắng, đến nay, riêng xóm 7, xã Quỳnh Xuân đã có 100% số hộ nuôi tôm đã vươn lên trở thành hộ giàu, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo của toàn xã xuống dưới 10%.

Năm nay, ông Vũ Văn Đức đã bước vào tuổi 68 nhưng ông vẫn làm việc bền bỉ, dẻo dai, hễ ai gặp khó khăn nếu tìm đến ông đều được ông tư vấn nhiệt tình. “Mình đã thành công và có chút kinh nghiệm thì cũng phải chia sẻ cho mọi người để họ cùng ứng dụng. Chúng ta phải tạo ra những người nuôi tôm giỏi thì mới có những vùng nuôi tôm bền vững, giảm thiểu bệnh tật vừa tạo được niềm tin cho người tiêu dùng và đối tác xuất khẩu”, ông Đức chia sẻ.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm