| Hotline: 0983.970.780

Trồng mướp hương thu nhập không đến nỗi tồi

Thứ Bảy 12/08/2017 , 07:15 (GMT+7)

Nhiều năm qua, người dân xã Mỹ Trung (huyện Mỹ Lộc, Nam Định) đã chọn mướp hương là cây trồng chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Văn Kiểm ở xóm 11 cho hay: Năm nay mùa mướp như đến muộn hơn mọi năm. Đầu tháng 3, những giàn mướp mới lác đác hoa vàng bói quả. Nhưng khi bước sang tháng 4, hoa mướp đã kịp phủ kín giàn. Hiện mùa mướp ở Mỹ Trung đã ở vào giai đoạn chính vụ.

11-03-06_nh_1
Ông Kiểm vui mừng vì mướp được mùa

Theo ông Kiểm, với chất đất ở nơi này, ít cây nào thích hợp hơn cây mướp. Và, cũng không có nhiều loại cây “dễ tính”, ít sâu bệnh, thích nghi tốt như cây mướp.

Mướp ở Mỹ Trung được người dân trồng dày đặc ở ven ao, vườn nhà, ngoài ruộng, bờ tường… Tuy nhiên, đa phần các hộ gia đình thường trồng mướp ở trên ao, lợi dụng sự mát mẻ của nước để cây dễ sinh trưởng, phát triển.

Với nhiều năm kinh nghiệm trồng mướp hương, đến nay ông Kiểm đã có thể tự nhân giống, tự trồng, đổ mối bán sản phẩm theo một quy trình khép kín. Hiện 4 sào mướp của gia đình ông đã cho thu hoạch.

Ông Kiểm chia sẻ, kỳ công nhất là việc làm giàn cho mướp. Để có được 1 giàn mướp chắc chắn, “gánh đỡ” những gốc mướp qua nhiều mùa vụ, ông phải cẩn thận xuống phố tự tay chọn mua từng gốc luồng, tre già để bắc giàn.

Giống tre, luồng mà ông hay chọn thường là luồng Thanh Hóa, chót vót trên những sườn đồi cao. “Khi ấy, cây đủ độ chắc, dẻo và có thể chống chọi tốt với mối mọt, nước. Cẩn thận như vậy nên giàn mướp của tôi thường có tuổi thọ từ 4 đến 5 năm, nếu không gặp gió bão”, ông Kiểm bộc bạch.

Dẫn chúng tôi đi tham quan những giàn mướp quanh ao, ông Kiểm bảo: Để có được giàn mướp tốt như ngày hôm nay, ông đã phải cùng vợ làm đất, xới tung đất vườn cho đất “hả hơi”, rải một lớp phân chuồng bổ sung dinh dưỡng cho đất.

Cứ cách 30cm ông đào một hốc nhỏ đặt hạt giống. Khi cây mầm được 1 tháng, ông cẩn thận kiểm tra từng cây giống chuẩn bị công đoạn “bắt tay mướp” cho cây leo giàn.

Nơi đây hầu như nhà nào cũng trồng mướp. Nhà ít cũng khoảng 2 - 3 sào, nhà nhiều 6 - 7 sào, thậm chí hàng mẫu.

Tính từ lúc cây leo giàn cho đến lúc thu hoạch là khoảng 3 tháng. Nếu chăm sóc tốt, vườn mướp có thể tận thu đến hết tháng 11. “Tuy có thể cho tận thu đến thời điểm trên, nhưng càng về sau những lứa quả càng thưa thớt dần đi, chất lượng quả cũng kém hơn”, ông Kiểm cho hay.

Ông Kiểm cũng cho biết thêm, vào mùa đông, ruột mướp đặc hơn so với mùa hè. Sau mỗi đợt thu hoạch mướp, ông Kiểm lại tỉa lá già, cắt bớt các dây khô. Cứ như vậy, giàn mướp của ông tự “tái sinh” ra hoa rồi kết quả chờ lứa mới. Giữa các đợt mướp, cứ cách 1 tháng ông Kiểm lại tưới phân tổng hợp, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho cây một lần.

Theo tính toán của ông Kiểm, sau lứa đầu tiên thì cứ cách 2 tháng vườn mướp lại cho thu hoạch một lần. Với giá bán dao động từ 4.000 - 5.000 đồng/quả thì sẽ cho thu nhập khoảng 15 triệu đồng/sào/vụ.

11-03-06_nh_2
Ông Kiểm thu hoạch mướp

“So với trồng một số loại cây ăn quả, cây mướp mang về giá trị kinh tế cao hơn, ổn định hơn. Vì chúng tôi không mất chi phí mua giống, chỉ phải bỏ chi phí ban đầu lúc làm giàn.

Tiền phân, thuốc trừ sâu cũng không đáng kể lắm. Hơn hết, thị trường tiêu thụ rộng mở, giá cả tương đối ổn định so với loại cây khác. Đặc biệt, nếu so với trồng các cây rau màu thì trồng mướp hiệu quả kinh tế hơn nhiều lại không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc”, ông Kiểm vui mừng.

Hiện xã Mỹ Trung cũng đã hình thành được một số điểm thu mua mướp. Ngoài ra, một lượng lớn thương lái từ Thái Bình cũng sẵn sàng đến tận vườn thu mướp cho bà con nông dân.

Bên cạnh bán quả, các hộ gia đình trồng loại cây này còn có thể tận thu nhiều phụ phẩm khác từ cây. Họ thường hái các lá già làm thức ăn cho cá, bán hạt giống ra thị trường…

Xem thêm
Ngành chăn nuôi vẫn canh cánh nỗi lo 'xuất khẩu'

HÀ NỘI Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đang canh cánh việc chưa thể xuất khẩu được nhiều sản phẩm.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...