| Hotline: 0983.970.780

Tự tin vào lương thiện, mình có giá trị dù nghèo, không lo gì cả

Thứ Sáu 24/02/2017 , 06:50 (GMT+7)

Cháu thấy mình ngao ngán chớ không hào hứng. Có lẽ do tuổi thơ cháu bị ám ảnh bởi cuộc sống cay đắng của má nên cháu tê liệt khát vọng hay sao đó cô.

Cô kính mến!

Má con cháu từ LA lên thành phố vì sinh nhai. Một mẹ một con thôi cô. Ba má cháu bỏ nhau vì ba nhậu quá. Má bị sẩy thai mấy lần nên chỉ có mình cháu là con thôi. Hồi trước má để cho cháu lại với ba trên ngôi nhà gần sát bên nhà nội. Sau đó, ba bị ung thư gan mất. Cháu ở lại ngôi nhà đó đi học cho hết trung học, cơm nước thì có nội lo. Mà cháu cũng tự lập quen rồi.

Ai cũng nói má hiền nên gặp may là cháu không hư, học hành đỗ đạt làm má cũng thấy an ủi phần nào. Cô đoán biết má cháu để cháu lại cho ba rồi đi làm gì không? Má đi làm người giúp việc trên thành phố. Ai cũng biết má cần cù mà biết ky cóp nhưng không hạnh phúc tại vì ba bê tha, ba ỷ gần với nhà nội nên ba hay ăn hiếp má.

Má ăn ở được người ta thương nên má không thay đổi chỗ làm lần nào. Người ta coi má như người thân. Má giữ ý lắm cô, không khi nào cho cháu ngủ lại nhà chủ khi cháu lên thăm má. Má nói, lỡ người ta quên hay lạc mất đồ người ta cũng nghĩ mình lấy. Má thì họ biết ý, con của má người ta đâu biết thế nào, con của hai người ly dị, con mồ côi cha, đủ thứ hoàn cảnh để bị thương hại với để ý.

Cháu vô đại học má mừng lắm nhưng tiền lương không đủ cháu đóng tiền học với ăn ở hàng tháng. Má về quê cố đất, có tiền cho học phí nhưng mỗi tháng cháu cũng ăn ở hết tiền lương của má. May là nhà đó hài lòng má, thỉnh thoảng cho quà, cho tiền lễ tết, tiền đó quà đó má đi về quê thăm nội ngoại của cháu, với lo mồ mả cúng bái cho ba, ly dị mà chết một thân một mình, coi như má vẫn là vợ của ba.

Ba năm học cháu không dám yêu ai. Hiện cháu bị một người đơn phương với cháu lâu rồi, năm cuối nầy của cháu cô ấy dí dữ lắm cô. K học sau cháu 1 năm, dễ thương, hiền thục, con nhà. Chính vì K là con nhà nên cháu và má không mạnh dạn được cô. Ba mẹ K là công chức của TP, nhà K chỉ có hai chị em gái, sắp tới cô em sẽ du học, nếu cháu và K cưới nhau thì cháu ở rể đó cô. Má cháu cứ thở dài, má bế tắc, má không gây dựng được kinh tế nhà cửa cho con trai.

Cháu thấy mình ngao ngán chớ không hào hứng. Có lẽ do tuổi thơ cháu bị ám ảnh bởi cuộc sống cay đắng của má nên cháu tê liệt khát vọng hay sao đó cô. Theo cô, K chọn cháu là có thực dụng không?

--------------------

Cháu thân mến!

Trước hết, cô có lời ca ngợi má. Má rất tốt tính và trọng danh dự nên má phải ly dị ba để mình không bị chết chìm với ba. Có ly dị thì ba mới không bám víu và má mới đi làm trên TP được và lo cho tương lai của cháu. Chi tiết về việc má không để cháu ngủ lại ở nhà chủ của má lần nào nghe như có triết lý, cảm động quá.

Cháu thừa hưởng được đức tính và văn hóa sống của má nên chăm ba khi ông lâm bệnh, còn tự lập học hành, coi như đã đến nơi đến chốn rồi. Hai má con cháu là tấm gương sáng cho những người lao động, nhập cư và nuôi mộng làm việc ở TP lớn. Coi như má có mái ấm của gia đình như là kết nghĩa đó, cùng lắm già nữa hết sức thì chuộc lại đất ruộng, về lại với ngôi nhà cạnh nhà nội của cháu đó, sống điền viên như bao người nhau cuống sâu sắc với thôn quê. Không có gì phải lo cho má.

Về K, chắc chắn cô ấy bị cháu đánh gục vì phẩm chất (có thể ngoại hình lành mạnh nữa). Rất nhiều gã sinh viên con nhà giàu lẻo khẻo, khí chất đâu có ra gì. Nếu K thấy và ba mẹ K cũng thấy ở cháu một người chồng tốt và một người rể hiền thì cũng đâu phải là một bài toán đáng chê trách. Lấy chồng xem giống, chọn rể xem đức, họ đã biết rõ về cháu chứ đâu chỉ nghe nói rằng má cháu là ô-sin. Người giúp việc hiện nay như quan chức ấy, cũng có nhiều loại, có loại ăn bẩn, ăn cắp, có loại chân chỉ, cũng có loại hiếm quý, đáng tin và đáng trọng chứ.

Hãy học cho xong, cháu nói với K vậy nếu K “tấn công” trực diện cháu. Bằng cứ vờn nhau thì vờn, cũng còn mấy tháng nữa thôi. Rồi còn xin việc. Nên đi làm thêm, lúc chờ việc, thuê chỗ ở như bao chàng trai đang bám vào TP để mưu cầu tương lai. Cháu càng bình tĩnh, cháu càng có giá. Và khuyên má đừng mặc cảm, mất hay, mất cái sang của cốt cách đi. Tự tin vào lương thiện, mình có giá trị dù nghèo, không lo gì cả.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm