| Hotline: 0983.970.780

Nữ cán bộ xã, 30 tuổi vẫn lúng túng trong tình cảm

Thứ Hai 07/11/2022 , 14:10 (GMT+7)

Dì của cháu làm việc trên thị xã làm mối cho cháu một anh 40 tuổi. Anh này là con một, con bà lẻ của một người đàn ông trên thành phố.

Cô Dạ Hương kính mến!

Cháu làm công việc ở xã, hồi đó ba cháu cũng ở xã và được biếu báo giấy NNVN nên cháu đọc chuyên mục của cô từ năm 10 tuổi. Hai mươi năm rồi cô, bây giờ nhờ Internet mà cháu đọc báo dễ dàng hơn. Xã nhà ngày trước hẩm hiu, có Bưu điện – Văn hóa xã làm vui, nay thì đường bê tông cầu bê tông khép kín, bên kia kênh xáng nhỏ xã cháu lên thị trấn rồi đó cô.

Không biết sao cháu lật bật rồi ba mươi tuổi. Nói chưa yêu ai cũng không phải, tình cảm học trò thời cấp ba rồi người ta lên tỉnh học đại học, rồi người ta làm việc ở trên đó, lấy vợ trên đó. Cháu biết mình chỉ là mối tình hoa phượng, nhưng cây hoa phượng của ngôi trường ở nơi giờ lên thị xã ấy luôn khiến cháu muốn đi qua, luôn khiến cháu bồi hồi.

Anh trai cháu là quân nhân ở Tỉnh đội, chị Ba lấy chồng ở xã bên heo hút còn hơn xã cháu nữa nên nghèo. Cháu sợ cảnh nghèo của chị. Cháu làm việc ở đây, đàn ông con trai ở các cơ quan của xã khá đông, có cán bộ ở huyện hay về nữa, người ta thích cháu mà cháu không thấy rung động gì hết. Từ hồi 25 tuổi tới giờ, cháu không mơ ước hạnh phúc gia đình nữa. Cháu thấy sống với ba má như vầy cũng được rồi.

Mới đây, một người dì của cháu làm việc trên thị xã làm mối cho cháu một anh 40 tuổi. Anh này là con một, con bà lẻ của một người đàn ông trên thành phố, như là con của mẹ đơn thân. Anh rất hiền lành, dì cháu nói mẹ anh cũng hiền lành lắm. Nhà dì ở gần nhà hai mẹ con nên dì biết. Anh ấy là giáo viên cấp hai, mẹ với con tùng tiệm trong nhà lợp tôn, vườn thổ cư ven con lộ liên huyện. Dì có cho cháu xem ảnh anh và mẹ trong điện thoại, thấy cao ráo, hiền ra mặt vậy, bà mẹ trên 60 rồi, rất hiền, giống má cháu.

Nếu cháu ưng thì công việc chuyển đi ra làm sao, ba má ra sao? Dì nói ba má chưa tới sáu mươi, ruộng vườn đây, đã gia đâu mà lo, nếu neo đơn thì kêu chị cháu về cho chồng nó ở rể, làm chỗ dựa cho ba má luôn, quá tiện. Cháu cũng thấy kỳ kỳ, thời nay mà phải chờ làm mối mới có chồng, kỳ không cô?

Cháu thân mến!

Cảm ơn thông tin của cháu về thời thơ bé đã được đồng hành với báo giấy NNVN. Cô cũng yêu thời đó, cô nhớ khi đi viết tiểu thuyết ở Trại sáng tác Đại Lải (Vĩnh Phúc), tòa báo đã phải chuyển thư xin tư vấn (khi ấy toàn thư bưu chính) đến Bưu điện Văn hóa xã gần Đại Lải, cô ra nhận, viết hồi âm bằng tay rồi lại gửi về cho toà soạn làm vi tính (hồi ấy cô chưa có laptop, cũng chưa có e-mail).

Vậy đó, một thời cảm động. Rất mừng là cô gái vùng sâu đã có công việc ở xã, gần ba má mà vẫn có lương, ở thôn quê, vậy là tốt rồi. Nhưng phàm là gái thì phải lấy chồng và theo chồng, ngoài ba mươi thì sẽ rất khó có ai độc thân ở môi trường xã ấy. Ông bà mình nói thời điểm, quãng thời gian là nói không chỉ chuyện xuân sắc, mà còn nói về việc dễ dàng, tươi mới, tốt gen nếu sinh con từ dưới 30 tuổi.

Nhớ nhé cháu, ông bà mình chưa am hiểu khoa học tâm sinh lý nhưng họ rất thuần thục kinh nghiệm để tổng kết và truyền khẩu việc ấy cho thế hệ sau.Không phải “bị” làm mối là kém, nếu sau này các cháu có nhau được, phải xem là được dì chăm sóc. Tìm đâu ra một thầy giáo cấp 2 một mẹ một con mà đã 40 cho cháu? Đầu tiên nên xem đó là món quà trời cho đi. Nghĩ vậy thì đã thấy hào hứng tìm hiểu. Cứ bật đèn xanh cho dì đưa cậu ấy về chơi để mình không mang tiếng “cọc tìm trâu”, đã. Trực tiếp thì sẽ nhìn, nghe, nói, ăn và uống chút với nhau tại nhà ba má cháu. Rồi sẽ biết cảm giác, cảm xúc của mình.

Eo ơi thời nay mà có cô nàng 30 tuổi còn thanh tân ngại ngần như thế. Và nên thu xếp theo cách dì bày cho: chị vất vả kinh tế, nói chị và anh rể về chỗ ba má, chăm sóc nhau, các cháu có trường học bên kia kênh lên thị trấn quá tiện rồi đó nghen. Không thì chị ở riêng, trong khuôn khổ ba má thu xếp được. Vậy là em út an tâm theo chồng.Điều quan trọng nhất là cháu phải hiểu thêm người ấy, thật thích rồi mới ưng. Và như ba má cháu hay ông bà ngày xưa, khi thành thân rồi sẽ mến và thương, từ đó yêu sau mà thứ yêu này mới ngấm, mới bền nè nghen. 

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm