| Hotline: 0983.970.780

Phận ở rể!

Thứ Hai 14/11/2022 , 08:59 (GMT+7)

Chắc chắn ba má nghĩ nếu có bỏ nhau chẳng hạn thì nhà ấy của cháu và con của cháu, trên đất ông bà ngoại cho.

Cô Dạ Hương kính mến!

Vợ chồng cháu cưới nhau năm 2010, đã có hai con, một trai một gái. Cháu dân miền Đông đất rộng người thưa nên không khó khăn khi xin việc, cháu là viên chức quèn cấp huyện cô ơi. Chồng cháu ở Bắc vô, ở đây người miền ngoài vô đông lắm cô. Anh có bằng kỹ sư, nhà nghèo con có chí. Bố mẹ anh vẫn ở ngoài ấy với em trai anh.

Hơn mười năm qua, vợ chồng cháu sống với nhau rất hạnh phúc. Công việc của anh hay đi công tác, cháu ở cạnh bên ba má mình nên được giúp đỡ nhiều lắm. Nhà của hai vợ chồng là nhà cấp bốn thôi cô, nhưng nhờ chồng cháu siêng năng nên nhà cửa sửa sang khang trang hoài. Bố mẹ anh mấy lần vô trong này chơi, tỏ vẻ cảm động lắm.

Ba má cháu tính sẽ cắt đất thổ cư cho hẳn vợ chồng cháu. Là mảnh đất đầu lô của gia đình, có hai mặt lộ. Trước kia là đất vườn, giờ ba cháu làm thổ cư hết, mất rất nhiều tiền để chia. Ông nói bốn đứa con lớn hết rồi, phần nào 4 đứa, không phân biệt gái trai, phần nào để ông dưỡng già, ông phải tính hết.

Cháu viết để cô hình dung, sổ đất vườn của ba mẹ giờ lên thổ cư được 6 miếng, mỗi miếng 150m2. Cháu là con gái đầu nên ba má cho chỗ xa, nói xa nhưng có 2 mặt lộ, bây giờ có một lộ bê tông rồi, nữa thì lộ nhỏ vô xóm phía sau cũng sẽ bê tông luôn, bề ngang cái lộ đó là 4 mét. Vấn đề là nhà cấp bốn của vợ chồng cháu đang ở phải để lại cho ông bà, vì nó gần với ông bà. Ba nói đó là nhà chung, ba má sở hữu, để cho giỗ chạp, việc trọng nầy kia, chỗ để nữa con cháu đông lên sẽ quây quần.Vợ chồng cháu thấy vậy cũng hợp lý. Ba má cho gì mừng cái nấy chứ còn thắc mắc chi?

Nhưng giờ phải ra chỗ mới xây nhà, chúng cháu chưa tích lũy đủ. Vả lại ba tuyên bố, nhà đó cháu đứng tên, vì đất mới quan trọng, hoặc là ba má đứng tên giúp cho rồi làm di chúc. Nghĩa là chồng cháu không có danh nghĩa gì cái nhà hai mặt lộ ấy. Chồng cháu phản đối thẳng, cũng không lay chuyển ba cháu. Giờ đây anh buồn hẳn, ít nói, dễ gây gổ với cháu. Mà đã có nhà mới đâu, lấy tiền đâu, anh bỗng thấy sống sát với ba má, cháu sao khó khăn quá, khó xử hơn trước, anh bảo vậy đó cô.

Cháu thân mến!

Trước hết mừng cho cháu và cả hai cháu, gặp được nhau, vợ có nhà mình làm hậu phương lớn, chồng có bằng cấp tốt, có việc để làm. Bây giờ hai việc ấy, học hành trường lớp xong, công ăn việc làm ổn định, không mong muốn nào hơn. Nhà dù cấp 4, ở cạnh ba má chắc chắn sẽ được chăm lo tận tình.

Ai già rồi cũng nghĩ đến chuyện chia phần cho các con. Ấy là sống có tổ chức, sống truyền thống mà cũng là sống văn minh. Có ít chia ít, không ít hay nhiều cũng nên có di chúc để nữa các con khỏi rối. Hóa ra ba mẹ cháu nhiều đất chứ, mỗi con được một suất 150m2, quá đẹp, vừa vặn thoáng. Cô hiểu vì sao chồng cháu bị tâm lý ấy. Mừng vì nhà sẽ hai mặt lộ, nếu là mặt hẻm dân cư thì chỉ tổ ồn vì xe máy phóng rồ rồ ngày đêm và nhiều bụi, vả lại phía ấy không mở cửa sổ được. Nhưng dù sao vị trí đó cũng hơn nhà hình ổng giáp tường, rộng thì có sân trước sân sau.

Nhưng chồng cháu ấm ức, vì sao? Cô không phân biệt Bắc Nam nhưng cô hiểu. Người Bắc căn cơ, làm nhà nợ hết, hay nợ quá, với họ là không thể. Nhà cấp 4 cho không lại ba má, ừ cũng được nhưng lấy đâu ra tiền bê tông kiên cố trên đất mới được chia 150m2? Đổ tiền ra, công sức mồ hôi, lại không được đứng tên. Ấy là sự tổn thương, sự không tin cậy.

Chắc chắn ba má nghĩ nếu có gì (có bỏ nhau chẳng hạn) thì nhà ấy của cháu và con của cháu, trên đất ông bà ngoại cho. Nghĩ vậy có đúng có sai.Thứ nhất, vì sao chúng nó đang êm ấm mà không tin? Vì sao chúng nó có hôn thú (có không cháu) mà lại chỉ một đứa đứng tên, hóa ra chồng cháu phải ra công chứng để từ chối tài sản ư (cho vợ đứng tên)? Chuyện ấy là trái, sâu xa trái đạo lý dù ba má có quyền, lớn quyền với suất đất. Thứ hai, có vẻ coi thường rể vì anh ta “trên răng dưới dép” không có gì. Không có gì thí lấy đâu ra tiền làm nhà nếu anh ta không trình độ, không siêng năng, không tử tế? Cô linh cảm chồng cháu bị sốc. Từ đó coi chừng đang suôn sẻ, bỗng trục trặc à nha.

Cháu đồng tình với chồng là phải “làm dữ” với ba má mình, để giành cái lý, cái công lý cho hai vợ chồng. Ba má cho đất, con cảm ơn, nhưng đừng ép vậy chứ, khác nào ba má tuyên bố rằng Tao linh cảm chúng mày sẽ không bền! Eo ơi nhà và đất là hai thứ đang rối tung xã hội này. Thế nhé, cháu phải đấu và yêu cầu thấu đáo. Nhưng sâu xa, cháu phải tế nhị, việc này hệ trọng, bên chồng bên ba má, khó xử. 

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm