| Hotline: 0983.970.780

Bi kịch cuộc sống

Thứ Năm 10/11/2022 , 20:32 (GMT+7)

Bạn bè tôi, gia tộc của bạn bè tôi, nếu ít cũng bi kịch mà đông càng nhiều bi kịch. Làm việc gì cũng thấy bi kịch, không nhà nào yên cả

Chị Dạ Hương thân mến!

Chị và tôi có lẽ đã ở vào thời khắc tổng kết cuộc đời và tổng kết những thăng trầm được mất của chúng ta, cả của những người thân của chúng ta nữa, đúng thế không chị? Anh chị em chúng tôi cả thảy 4 người, anh cả đi chiến trường hy sinh khi trẻ, chị kế bác sĩ quân y may mà không như Đặng Thùy Trâm, anh thứ lính chiến dài cho tới xung đột biên giới Tây Nam cũng may mà không chết.

Tôi con út, được đi học ở Liên Xô, gia tộc bảo tôi sáng giá cho cả nhà. Tôi không nghĩ thế, ăn và học, sung sướng, thời ấy ai đi mà chẳng có học vị và có cả tiền nhờ mua bán thời tranh tối tranh sáng. Riêng gia tộc mình tôi đã thấy khác nhau rất nhiều nhìn từ số phận chị ạ. Chị kế anh cả là bác sĩ sau này có chức vụ, giàu to nhưng con trai, cả hai đứa con trai nghiện hút cả, chồng phải hưu sớm để canh con, uốn nắn con, để mỗi mình chị tôi trụ cột kinh tế gia đình.

Anh em chúng gần như lần lượt nghiện sát nhau, học hành dang dở khi chúng con quả trẻ, tàn phế ở đây là ăn hại đấy chị. Việc nhà chị ấy khiến bố mẹ tôi tổn thọ, xấu hổ với dòng họ và ông bà cũng lần lượt qua đời, cả hai chưa sống nổi đến năm tám mươi tuổi dù con gái là bác sĩ giỏi. Anh bộ đội dài nhất của gia tộc tôi thì di chứng sốt rét khốn khổ chị ạ. Anh đi chiến trường xa, vợ ở nhà không giữ được tiết hạnh, đứa con thứ hai của anh không biết có phải là cháu nội bố mẹ tôi không nữa. Nhưng anh hiểu, anh biết thứ sốt rét của mình cũng khó đem lại hạnh phúc cho vợ. Nhưng bố mẹ và chúng tôi không nghĩ thế, nên cứ thấy chị dâu sao sao, bỏ thì thương vương thì tội, cho đến tận bây giờ, anh tôi đã 75 và chị dâu cũng đã 70 mới tạm an bài.

Hai chúng tôi cùng du học, cùng xây dựng gia đình thoát bao cấp và không phải vật lộn sinh nhai hay bi kịch như chị và anh trai. Nhưng bạn bè tôi, gia tộc của bạn bè tôi, nếu ít cũng bi kịch mà đông càng nhiều bi kịch. Làm việc gì cũng thấy bi kịch, không nhà nào yên cả. Vì sao, kinh tế không giải quyết được những tổn thương do cuộc sống gây ra? Có nghịch lý không, thưa chị?

Bạn thân mến!

Tôi nhớ lâu rồi có một lá thư xin tư vấn của một phụ nữ làm ở Ngân hàng HN, có con mê chơi quên học. Người ấy kể rằng phải “di lý” con vào SG ở với họ hàng để con xa cái túi tiền của mẹ. Chị ta còn kể phải nhờ bạn đóng kịch đòi nợ om sòm với nhau trước mặt thằng con do mẹ nó thất hứa với bạn về tiền. Vậy đó bạn, bi kịch của kẻ giàu.

Người chị bác sĩ của bạn có hai con nghiện, bạn tưởng cá biệt sao? Tôi có biết người bác sĩ ung bướu rất mát tay ở thị xã quê nhà, bệnh nhân xếp hàng ngày ngày, vợ chỉ là tay sổ sách thôi nhưng cũng không có thời giờ chăm con. Thế là anh nghiện, kéo em nghiện, khi biết ra thì thôi rồi. Vẫn phải hành nghề tiếp nhưng (không nói chuyện uy tín), nhưng tâm trạng khổ sở mỗi ngày. Tôi chỉ biết đến khi đó, giờ họ ra sao không biết nữa.Còn những bi kịch khác như anh trai bạn, cựu binh, từng bị vợ cho mọc sừng cũng đâu cá biệt. Tôi cũng thấy như bạn, ai cũng bi kịch, ghê gớm, gia tộc nào cũng ngổn ngang, bề bộn. Vì sao có nghịch lý rằng kinh tế lên mà bi kịch nhiều lên?

Thứ nhất, theo tôi, chúng ta đói nghèo chui ra, đến 1989 bản lề gọi là Đổi mới chúng ta mới từ từ rời khỏi cơ chế bao cấp. Gần như hàng mấy chục triệu người co chân bon chen đạp nhau chạy vọt lên để thở và để kiếm sống. Loạn hết, chúng ta ở trong cái lồng loạn, chúng ta thích nghi chứ dân các nước văn minh vẫn ngạc nhiên sao vậy vậy, sao vậy?

Thứ hai, thiếu luật để con người từ thiết chế cũ sang cơ chế thị trường. Manh nha, tranh tối tranh sáng, hỗn độn vì đã kịp làm luật đâu. Vậy nên luật rừng và lệ làng, kinh khủng. Thêm rối thêm loạn cho dù chúng ta bắt đầu có ăn, có xuất hiện trung lưu. Bi kịch lúc này là khoảng cách giàu nghèo tăng nhanh.

Thứ ba, vẫn thiếu luật cho mọi lĩnh vực, đất đai, tài nguyên, con người… nên hiện nay, bạn thấy đấy. Việc nào cũng tác động đến từng gia đình cả, mà gia tộc là do từng gia đình hình thành. Tôi cũng có gia đình, với các con cũng đã đứa này đứa kia lục cục, với gia tộc cũng phải chi viện cho người nghèo, xoa dịu căng thẳng giữa họ với nhau và giữa họ với mình. Mệt mỏi vô cùng vì chuyện cưu mang, ứng xử, thỏa hiệp, chịu đựng nhau.

Chúng ta, những người may mắn có học trong gia tộc đành phải chấp nhận thực tại, làm được gì thì làm và hy vọng nó sẽ dần yên ổn, văn minh lên. 

Xem thêm
Buông bỏ những nỗi đau để tìm lại hạnh phúc

Khi ta học cách buông bỏ những đau thương trong quá khứ, chúng ta mới thực sự có thể mở lòng đón nhận những điều tốt đẹp.

Phận gái đẹp ngập ngừng trước cám dỗ hào môn

Phận gái đẹp luôn có nhiều cơ hội chọn bạn đời trăm năm, nhưng giấc mơ trở thành nàng dâu chốn hào môn lại ẩn chứa những rủi ro và bất trắc.