| Hotline: 0983.970.780

Sự cố tàu vỏ thép 67 tại Thanh Hóa:

Viện cớ quá hạn bảo hành, công ty Đại Dương phủi trách nhiệm

Thứ Năm 20/07/2017 , 08:46 (GMT+7)

Thời gian qua, dư luận đổ dồn sự chú ý về trường hợp tàu cá của ông Nguyễn Duy Muộn, trú tại phường Quảng Cư, TP Sầm Sơn khi thời gian nằm bờ nhiều hơn quá trình đi khai thác.

Mặc dù các bên liên quan đã ngồi lại với nhau nhưng sự việc chưa được giải quyết thấu đáo.

17-36-48_2
Con tàu trị giá 18 tỷ đồng gặp sự cố nên nằm bờ hơn 1 tháng nay

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, tài liệu của Cty Đại Dương (đơn vị đóng tàu) và ông Nguyễn Duy Muộn (chủ tàu), ngày 17/7 UBND TP Sầm Sơn đã có báo cáo tổng hợp liên quan đến những vấn đề trục trặc của con tàu vỏ thép trị giá gần 18 tỷ đồng.

Theo đó, từ khi đưa vào khai thác đã ra khơi tổng cộng 9 chuyến, tất cả các chuyến đều gặp sự cố, nguyên nhân xuất phát từ việc hệ thống hầm bảo quản không đảm bảo, trục trặc tời thủy lực, 2 máy phát điện, máy lái thủy lực bị hư hỏng, bóng điện cháy…

Phía Cty Đại Dương, có trụ sở tại tỉnh Thái Bình, khẳng định đã 6 lần cử cán bộ vào phối hợp với ông Muộn khắc phục các sự cố, tổng kinh phí hỗ trợ là 366 triệu đồng. Tuy nhiên qua ghi nhận thực tế được biết, hiện hệ thống điện vẫn chưa hoàn tất nên phương tiện vẫn đang nằm bờ.

Tại cuộc “họp kín” ngày 5/7, TP Sầm Sơn đã đề nghị Cty Đại Dương phải có báo cáo chính thức về quá trình đóng tàu cũng như những lần hỗ trợ sửa chữa. Đồng thời yêu cầu nêu rõ quan điểm xung quanh đề xuất của ông Muộn (sửa chữa 2 máy phát điện, kinh phí 200 triệu đồng và hệ thống điện giá trị khoảng 600 triệu đồng).

Liên quan đến vấn đề này, Cty Đại Dương cam kết sẽ hỗ trợ thay thế một vài quả chất lưu cũng như một số bóng đèn hư hỏng. Tuy nhiên, đối với kinh phí 800 triệu đồng theo đề xuất của chủ tàu thì công ty kiên quyết không thực hiện vì thời gian bảo hành đã hết (từ 25/8/2016 – 21/2/2017).

Cụ thể, trong báo cáo ngày 7/7/2017, Cty CP Đại Dương khẳng định ông Muộn đã làm việc trực tiếp với nhà thầu phụ (ông Đinh Văn Tiến) trong việc lắp đặt hệ thống điện, cho nên họ không có trách nhiệm liên đới khi hạng mục này gặp sự cố.

Qua theo dõi tình hình, PV nhận thấy vô vàn bất cập xung quanh việc đóng tàu vỏ thép mà công ty Đại Dương là đơn vị đảm trách. Một tài sản trị giá hàng chục tỷ đồng nhưng triển khai theo hình thức “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, có những bộ phận do chính công ty đóng tàu đứng ra đảm nhận, nhưng không ít hạng mục lại do chủ tàu tự trang bị hoặc do đơn vị khác lắp ráp, chính sự thiếu nhất quán và không đồng bộ được xem là nguyên nhân chính dẫn đến việc con tàu thường xuyên dở chứng dù mới đưa vào hoạt động chưa được bao lâu.

Tương tự là việc lắp ráp hệ thống máy phát điện chính, thực tế 2 máy công suất 200kW không đủ tải số bóng đèn lên đến 320 chiếc + tời chính nhưng Cty Đại Dương vẫn cố thực hiện cho bằng được. Hệ quả là sự cố xuất hiện ngay từ buổi đầu kiểm tra, ông Muộn phải cất công vào tận Sài Gòn để tìm kiếm máy khác thay thế. Rõ ràng trách nhiệm ở đây thuộc về phía cơ sở đóng tàu, nhưng nực cười ở chỗ bản thân ông Muộn lại phải “cắn răng” chi thêm 350 triệu đồng, nôm na là phụ phí chênh lệch.

Cty Đại Dương có lý nếu dựa vào những điều khoản trong hợp đồng, nhưng vấn đề mà dư luận băn khoăn là không biết vì lý do gì, các tàu vỏ thép khác dù có giá trị tương đương hoặc thấp hơn lại có khung thời gian bảo hành 1 năm, trong khi tàu cá của ông Muộn lại chỉ gói gọn trong vòng 6 tháng (hết hạn vào ngày 21/2/2017).

Ngày 18/7 UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công văn số 8267/UBND-NN giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã ven biển tiến hành kiểm tra, rà soát các cơ sở tham gia đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP trên địa bàn.

Đồng thời tổ chức kiểm tra chất lượng của các phương tiện đóng mới có trong danh sách thẩm định. Đối với các tàu cá không đảm bảo chất lượng xuất phát từ lỗi của cơ sở đóng tàu thì phải có phương án vận động, hướng dẫn để các đơn vị này chủ động làm việc với chủ tàu nhằm khắc phục ngay sự cố.

 

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.